70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Anh hùng Điện Biên Phủ: Túi gạo thấm máu nơi trận địa

23/04/2024 06:09 GMT+7

Từ ngày 30.3 đến hết tháng 4.1954, quân ta mở đợt tấn công thứ 2 nhằm đánh chiếm các ngọn đồi phía đông và các cứ điểm phía tây sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây, tạo thế trận cho tổng công kích. Đây là giai đoạn khốc liệt nhất chiến dịch, với điển hình là những trận chiến ở đồi C1 và đồi A1.

Đề bạt sẵn… đại đội trưởng

Trong hồi ức của mình, ông Phạm Minh (nguyên Phó tham mưu trưởng Trung đoàn 98, Sư đoàn 316) kể: "Chiều 30.3.1954, Đại đội 38 (Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98) làm chủ cứ điểm C1 sau gần 1 giờ tấn công. Hai đồi C1 và C2 sát nhau, lẽ ra đánh xong C1 thì đánh C2 luôn, nhưng do đã bàn bạc thống nhất "đại đội chủ công đánh xong thì rút về cho đại đội khác lên đánh tiếp, sợ thương vong nhiều, không đủ sức đánh", nên Đại đội 38 không thừa thắng đánh ngay đồi C2 mà chờ Đại đội 35 lên. Địch lợi dụng sự lủng củng này của mình, giữ C2 và hôm sau phản công chiếm lại nửa đồi C1".

"C1 ác liệt đến mức ta phải tăng cường nhiều đơn vị của các sư đoàn 316, 312, 308 đến bổ sung. Thương vong nhiều", ông Phạm Minh nhớ lại và kể tiếp: "Chức vụ đại đội trưởng là do trung đoàn quyết định, chứ không do tiểu đoàn đề bạt tại mặt trận. Có cả một lực lượng đại đội trưởng đề bạt sẵn, anh này mất, anh kia lên thay. Tân binh có anh dưới xuôi lên, chưa biết ném lựu đạn, phải dạy. Chưa bao giờ đánh nhau mà cán bộ tham mưu hy sinh, vậy mà ở C1, ta mất nhiều. Gần 30 ngày đêm ở đồi C1, ta và địch ném lựu đạn sang nhau và đêm 1.5 ta mới chiếm được".

Bộ đội Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 chiến đấu ở đồi C1

Bộ đội Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 chiến đấu ở đồi C1

TƯ LIỆU

Thời điểm tham gia trận đồi C1, ông Nguyễn Văn Lung mới 22 tuổi và là tiểu đội trưởng bộc phá (thuộc Đại đội 38, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316). Trận đánh ngày 12.4.1954, cả 2 trung đội của Đại đội 38 hy sinh gần hết, chỉ còn 4 - 5 người. Ông Lung được đề bạt từ tiểu đội trưởng lên thẳng chính trị viên phó đại đội, vừa trực tiếp chiến đấu vừa giải quyết thương binh, tử sĩ.

"Ở đồi C1, ta thương vong nhiều, nhưng không nao núng. Anh em chỉ xác định là phải đánh và sẵn sàng hy sinh. Tôi nhớ một cậu quân khí tên là Đức, quê Thái Bình, được bổ sung cho đại đội tôi. Khi cậu ấy hy sinh, tôi làm công tác di vật, giở ba lô ra thấy lá thư cậu ấy viết cho vợ con ở quê, có đoạn: "Trong cuộc chiến đấu này, anh có thể hy sinh, nhưng không ân hận. Chúng ta có 1 đứa con, em có đi bước nữa thì cũng nhờ người ta trông con và dạy bảo con khôn lớn trưởng thành"… Đoạn cuối lá thư viết: "Nếu ông bà nào nuôi cháu, vì nhiệm vụ mà bố cháu phải hy sinh, xin dạy bảo để cháu khôn lớn trưởng thành", cựu chiến binh Nguyễn Văn Lung (đang sống ở Hà Nội) nhớ lại.

Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Hạt gạo rang thấm máu

Đồi A1 nằm trong hệ thống cứ điểm trên dãy đồi phía đông Mường Thanh. Đây là ngọn đồi hình bầu dục cao hơn mặt đất 50 m, vị trí đặc biệt quan trọng, nên quân Pháp xây dựng A1 trở thành ổ đề kháng mạnh nhất Điện Biên Phủ.

Anh hùng Điện Biên Phủ: Túi gạo thấm máu nơi trận địa- Ảnh 2.

Các chiến sĩ xung kích Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 tấn công đồi A1

Từ chiều 30.3 đến sáng 4.4.1954, cả 2 trung đoàn đánh công kiên giỏi nhất của quân ta (Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316 và Trung đoàn 102 của Sư đoàn 308) đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch trên đồi A1. Thương vong quá lớn khiến Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải ngưng tấn công, rút quân củng cố và để lại một lực lượng phòng ngự. Từ 4.4, quân Pháp kiểm soát 2/3 cứ điểm A1. Diện tích 1/3 còn lại do Trung đoàn 174 phòng ngự. Mãi tới ngày 6.5, nhờ khối bộc phá 1 tấn phá sập hệ thống hầm ngầm, quân ta mới làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1.

Trong hồi ức của mình, đại tá Vũ Đình Hòe (1928 - 2022, nguyên Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu - nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) kể lại thời gian đảm nhiệm Tiểu đoàn trưởng 249 (Trung đoàn 174, Sư đoàn 316) tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ: "Ngày 30.3, đoàn văn công đến biểu diễn trước khi chúng tôi đi đánh A1. Cậu Cư, đại đội trưởng chủ công, thấy văn công hát xong lần 1 lại hát lần 2 và cứ chạy quanh, liền bảo: "Anh Hòe ơi! Đi đánh nhau thế này mà bọn con gái nó cứ quấn lấy chân, cứ chạy vòng quanh thế này, không hay thế nào cả"…

Đêm ấy, khi các đơn vị khác đã phá rào, đánh vào thì Tiểu đoàn 249 mới nhận được lệnh tấn công A1. Khi đó, pháo 105 ly của mặt trận đã ngừng bắn, bộ đội đánh bộc phá và pháo địch tập trung nã vào đội hình Tiểu đoàn 249.

Di tích đoạn hào chiến đấu của bộ đội ta trên đồi A1

Di tích đoạn hào chiến đấu của bộ đội ta trên đồi A1

MAI THANH HẢI

"Đơn vị tôi quân số 500 người, vào đến nơi chỉ còn 2/3, rất nhiều cán bộ thương vong. Việc chỉ huy lúc ấy rất khó khăn. Giao thông hào của địch bên trong cao 1,6 m, khi tôi vào thì ngập đầu, lúc ra thì chỉ ngang lưng vì sạt lở và thi hài bộ đội. Đêm ấy chúng tôi không giải quyết được A1, phải rút ra bổ sung quân số. Lực lượng mới toàn là tân binh. Tập hợp cả thương binh từ tuyến sau và số còn sống, chưa được 100 người", ông Vũ Đình Hòe nhớ vậy: "Anh em chiến đấu và hy sinh dũng cảm lắm. Chúng tôi không nướng quân và cũng đừng gọi A1 là cối xay thịt"…

Cũng câu chuyện ở đồi A1, ông Nguyễn Sỹ Trinh (nguyên Tiểu đội trưởng thuộc Đại đội 261, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308; đang sống ở TP.HCM) kể: "Chúng tôi vào A1 thay cho Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316. Chẳng biết A1 là gì, chỉ thấy cái đồi cao trơ trụi, không cây cối. Phá nốt cái hàng rào thì quân mình xông lên khí thế lắm. Nhưng súng nó bắn từ trên xuống, pháo nó ở khắp nơi dập xuống, làm ta thương vong lớn. Đến ngày thứ 3 vẫn không giải quyết được A1, chúng tôi phải rút ra cho Trung đoàn 174 lại vào thay. Tiểu đoàn tôi có 3 đại đội, hơn 300 người, nhưng khi rút ra chỉ có 17 người lành lặn".

"Hồi ấy có túi gạo rang đeo bên hông, phòng khi đánh nhau không có cơm ăn. Lúc trên không tiếp tế kịp, lấy túi gạo đã thấm máu của liệt sĩ ra ăn. Những hạt gạo cứng lại vì máu", ông Trinh nói.

Nhớ lại thời điểm đầu tháng 4.1954 ở đồi A1, ông Trần Văn Đông (Trưởng tiểu ban tác chiến Trung đoàn 102, Sư đoàn 308) hồi tưởng: "Đánh nhau ròng rã, chiến hào tan nát. Trên đường đi từ trung đoàn xuống các đại đội, tôi thấy dọc hầm hào la liệt anh em hy sinh, quấn chăn nằm từng góc, chưa kịp chôn. Đau. Căm thù. Nếu không có lòng căm thù ấy, nỗi đau ấy thì không có chiến thắng. Lòng căm thù giúp bộ đội tiếp tục chiến đấu cho đến chiến thắng". (còn tiếp)

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954 - 2009 (Nhóm biên soạn: Đào Thanh Huyền, Phạm Thùy Hương, Phạm Hoàng Nam, Nguyễn Xuân Mai, Phạm Hoài Thanh, Đặng Đức Tuệ), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2009.

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

"Trung đoàn 174 được giao đánh A1, Trung đoàn 98 đánh C1. Đại đoàn tổ chức hội nghị giao ước thi đua để cùng có quyết tâm, khuyến khích mọi người tin tưởng vào chủ trương của trên. Ông tiểu đoàn trưởng chủ công bên Trung đoàn 98 lên hứa rồi thách tiểu đoàn chủ công tôi lập công. Tôi nghĩ bụng: "Thách thức cái gì. Đánh nhau là chuyện xương máu, không phải chơi đùa". Cũng không định phát biểu, nhưng chính trị viên tiểu đoàn bảo: "Nó thách thì cậu cứ lên, sợ gì?". Tôi lên đáp từ, chỉ nói chung chung cùng lập công cho đại đoàn. Thực ra lúc ấy tôi cũng hơi bực mình: Chiến đấu là vấn đề sinh tử, sinh mạng con người. Thách nhau làm gì? Thách nhau đem quân đi nướng à?"…

Ông Vũ Đình Hòe, nguyên Tiểu đoàn trưởng 249, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316

"Đầu tháng 4.1954 sang đợt 2. Tuy ta đã khống chế sân bay nhưng phải giữ không cho địch tràn ra. Trung đoàn 36 đánh phía tây sân bay Mường Thanh, bị thương và hy sinh nhiều. Chỗ đó không cây cối, pháo binh của nó căn sẵn, thấy mình vào là nó dập xuống, chưa kể máy bay bắn phá. Gần cuối đợt 2, Trung đoàn 36 bị tổn thất nhiều lắm. Có những đại đội trên 100 người, sau 1 ngày chỉ còn 15 - 20 người. Đa số mộ của anh em không có tên. Nó bắn như thế, sao còn trông thấy mặt mũi nữa. Chôn đồng đội mà không biết ai là ai. Rất đau xót!".

Ông Trần Vũ Hòa, nguyên Trợ lý tác chiến, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308; sau là Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng, đã mất tháng 8.2023

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.