Cần có cơ chế điều tiết chênh lệch địa tô

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/04/2023 06:53 GMT+7

'Sửa luật Đất đai lần này có thu được phần chênh lệch địa tô này để phân phối cho toàn dân hay không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy quy định trong luật', ĐB Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nêu.

Sáng 7.4, Hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) chuyên trách tiếp tục cho ý kiến về luật Đất đai sửa đổi. Tại khoản 10 điều 14 dự thảo luật Đất đai sửa đổi (chỉnh lý sau khi lấy ý kiến nhân dân) quy định nhà nước có quyền điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại.

Góp ý, ĐB Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế QH, cho rằng chênh lệch về lợi tức từ việc chuyển các loại đất không phải đất ở sang đất ở rất lớn. Phần lợi tức này chủ yếu do doanh nghiệp bất động sản đang được hưởng. "Sửa luật Đất đai lần này có thu được phần chênh lệch địa tô này để phân phối cho toàn dân hay không và hướng điều tiết như thế nào cũng chưa thấy quy định trong luật", ông Minh nêu.

Cần có cơ chế điều tiết chênh lệch địa tô - Ảnh 1.

Theo ĐB Lê Thị Song An, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Long An, hiện chưa có quy định điều tiết phần giá trị tăng thêm tại các dự án thu hồi đất để chia sẻ lợi ích với các bên, nhất là đối với người có đất bị thu hồi thuộc diện phải di dời. Cùng với đó, luật Đất đai hiện hành cũng chưa có cách xác định phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại, nên nhiều địa phương cũng chưa thực hiện được vấn đề này. Bà An đề nghị luật sửa đổi cần bổ sung các quy định cụ thể, cách thức xác định phần điều tiết giá trị tăng thêm từ đất hoặc giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết.

Giải trình ý kiến ĐB, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng nếu chuyển đổi đất thông qua đấu giá, đấu thầu "cho thật đúng" thì nhà nước có thể thu được phần chênh lệch địa tô này.

Tuy nhiên, việc điều tiết thế nào phải nghiên cứu thêm và không thể quy định cứng tỷ lệ điều tiết vào luật Đất đai.

"Chúng tôi đã tính toán bao nhiêu phần trăm cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm đưa thành ngân sách nhà nước để điều tiết cho khu vực khác nhưng khi đưa ra thì các bộ, ngành nói rằng như vậy là giẫm chân vào luật khác. Đó là lý do vì sao chúng tôi không đưa vào đây", ông Hà lý giải.

Liên quan vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất, ĐB Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) bày tỏ băn khoăn khi nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là đảm bảo "người bị thu hồi đất phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ" rất nhân văn và cũng khả thi, nhưng tới dự thảo chỉnh lý lần này lại bị bỏ đi.

Giải trình vấn đề này, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết trước đây, dự thảo luật quy định "đảm bảo có thu nhập bằng hoặc tốt hơn" nhưng quy định này rất khó lượng hóa. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng lý giải việc "không ghi nguyên tắc phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn" trong dự thảo luật là vì không muốn làm phát sinh thêm khiếu kiện khi viết vào luật mà không làm được. "Những vấn đề viết vào luật này là phải thực hiện bằng được", ông Hà nhấn mạnh.

Điều 86 dự thảo quy định: Nhà nước xem xét hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để tạo điều kiện cho người có đất bị thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất.

Cùng với đó, khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Khu tái định cư có thể bố trí cho nhiều dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.