Chính sách với Mỹ - Trung, Biển Đông của tân thủ tướng Singapore ra sao?

Trí Đỗ
Trí Đỗ
15/05/2024 19:17 GMT+7

Hôm nay 15.5, ông Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) nhậm chức thủ tướng Singapore trong tình hình địa chính trị có nhiều thay đổi so với bối cảnh mà người tiền nhiệm Lý Hiển Long phải đối mặt.

Theo South China Morning Post, Mỹ hiện chú trọng nhiều hơn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương với việc kiến tạo hàng loạt các cơ chế tiểu đa phương cùng với các đồng minh và đối tác ở khu vực. Bên cạnh đó, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh quyết liệt về một loạt lĩnh vực như kinh tế, công nghệ, quân sự và an ninh. Trong bối cảnh địa chính trị như trên, chính sách về quan hệ Mỹ - Trung của đảo quốc Singapore dưới thời ông Hoàng Tuần Tài là một chủ đề được quan tâm

 "Lợi ích của Singapore" là ưu tiên 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Hoàng Tuần Tài tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Bali (Indonesia) vào ngày 16.7.2022.

Ông Hoàng Tuần Tài tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 ở Bali (Indonesia) vào ngày 16.7.2022.

REUTERS

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Economist tuần trước, ông Hoàng nhấn mạnh Singapore phải chuẩn bị tinh thần cho kịch bản khó lường trong thập niên tới khi những mâu thuẫn và căng thẳng cơ bản giữa quan điểm của hai quốc gia Mỹ - Trung vẫn còn, thậm chí có rất nhiều khả năng xảy ra sai sót và căng thẳng bùng phát. Với diễn biến trên, ông Hoàng đã tái khẳng định cách tiếp cận "ưu tiên Singapore" chứ không nghiêng về Trung Quốc hay Mỹ.

Trước đó, trong bài phỏng vấn với Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS-Mỹ) hồi tháng 10.2023, ông Hoàng Tuần Tài chia sẻ quan điểm rõ ràng rằng Singapore không tìm kiếm sự cân bằng trong quan hệ Mỹ - Trung, mà nước này mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Tuy nhiên, Singapore sẽ đưa ra quyết định dựa trên "lợi ích của chính Singapore" tùy thuộc vào từng hoàn cảnh.

"Điều này có nghĩa là trong một số trường hợp, tùy theo hoàn cảnh, Singapore có thể đưa ra những quyết định có vẻ đứng về phía nào đó, nhưng điều đó không có nghĩa là Singapore nghiêng về Trung Quốc hay nghiêng về Mỹ, mà chỉ đơn giản là lợi ích của Singapore", ông Hoàng giải thích rõ.

Singapore sắp chuyển giao quyền lực, thế hệ lãnh đạo thứ 4 sẽ chèo lái đất nước

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn cho rằng việc điều hướng một mối quan hệ như vậy trên thực tế sẽ là thử thách lớn nhất đối với ông Hoàng, khi Singapore nỗ lực khẳng định vị thế của mình trong một khu vực đầy biến động và ngày càng dễ bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh giữa các nước lớn.

"Khi các nguồn tăng trưởng của Singapore đa dạng hóa, ông Hoàng sẽ càng ít phải lo lắng về việc đi theo bất kỳ bên nào. Lợi ích quốc gia của Singapore sẽ là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với Mỹ - Trung", ông Felix Chang, thành viên của Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại (Mỹ) đánh giá.

Chính sách Trung Quốc khó đổi

Bà Linda Lim tại Đại học Michigan (Mỹ), nhận định sẽ có rất ít sự khác biệt giữa ông Lý và ông Hoàng về chính sách của Singapore đối với Trung Quốc vì đây là "vấn đề lợi ích quốc gia, không phải sở thích cá nhân". "Sự khác biệt chính là ở những diễn biến bên ngoài, không phải vấn đề nội bộ của Singapore. Mối quan hệ song phương sẽ được quyết định bởi những gì Trung Quốc triển khai, thay vì Singapore", bà Lim nói.

Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Đinh Tiết Tường tại Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng 12.2023.

Ông Hoàng Tuần Tài (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Đinh Tiết Tường tại Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng 12.2023.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Singapore từ lâu đã có mối liên kết kinh tế và thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc. Vào năm ngoái, Singapore và Trung Quốc đã nâng cấp quan hệ mà hai bên gọi là "quan hệ đối tác toàn diện, chất lượng cao, hướng tới tương lai".

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của quốc đảo này, trong khi Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và là thị trường xuất khẩu dịch vụ hàng đầu, do đó bà Lim nhấn mạnh "đất nước không thể tồn tại nếu không có cả hai", đồng thời cho rằng Singapore phải luôn duy trì tính toàn cầu và cởi mở.

Về vấn đề vùng lãnh thổ Đài Loan, trả lời The Economist, ông Hoàng Tuần Tài nhấn mạnh Singapore tuân thủ chính sách "một Trung Quốc", đồng thời không cho phép nước mình bị lợi dụng vì bất kỳ lý do gì để ủng hộ nền độc lập của Đài Loan. Ông Phạm Lôi tại Viện Charhar (Trung Quốc) đánh giá ông Hoàng sẽ kế thừa những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ của ông Lý Hiển Long, và "đặc biệt thận trọng" khi giải quyết các vấn đề liên quan Đài Loan.

Về vấn đề Biển Đông, trả lời CSIS, ông Hoàng nói: "Singapore không liên quan trực tiếp, nhưng tham gia với tư cách là một phần của ASEAN. Khối hiện thảo luận một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc với Trung Quốc".

Bên cạnh đó, ông Hoàng đã nêu rõ 3 mục tiêu của Singapore trong vấn đề Biển Đông là: tự do hàng hải; luật pháp quốc tế được thể hiện trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển; giải quyết tranh chấp một cách hòa bình để tránh leo thang và tránh gây bất ổn, xung đột trong khu vực.

"Chúng tôi hy vọng rằng tranh chấp sẽ được giải quyết một cách hòa bình. Đây là lợi ích của chúng tôi, và trong phạm vi có thể, chúng tôi sẽ hợp tác thông qua ASEAN để đạt được những kết quả này", theo ông Hoàng.

Hợp tác chặt chẽ với Mỹ

Về hợp tác quân sự, trả lời The Economist, ông Hoàng nêu rõ: "Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Mỹ". Theo đó, Singapore sẽ tiếp tục cho phép quân đội Mỹ sử dụng các cảng, căn cứ quân sự hải quân và không quân tại nước này, đồng thời hỗ trợ việc triển khai luân phiên của Mỹ, cung cấp hậu cần và trao đổi thông tin tình báo. "Điều đó đã được chứng minh là mang lại lợi ích chung cho cả 2 bên", theo ông Hoàng.

Nói về vấn đề tham gia khuôn khổ hợp tác Mỹ - Úc - Anh (AUKUS), ông Hoàng Tuần Tài nêu rõ: "AUKUS là một nhóm bao gồm các đồng minh của Mỹ. Chúng tôi không phải là đồng minh của Washington".

Về quan hệ kinh tế, trả lời phỏng vấn với CSIS hồi năm ngoái, ông Hoàng nói rằng Singapore sẽ tiếp tục duy trì hợp tác kinh tế tích cực với Mỹ thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF). Các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, kinh tế xanh, kinh tế số - là những định hướng chính của Singapore khi tham gia các trụ cột của khuôn khổ này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.