Chuyến thăm Ả Rập Xê Út đầu tiên của Thủ tướng: Cơ hội hợp tác vùng Vịnh

Mai Hà
Mai Hà
21/10/2023 22:07 GMT+7

Chuyến thăm Ả Rập Xê Út của Thủ tướng Phạm Minh Chính là chuyến công tác đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến quốc gia này, mở ra cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út cũng như các nước vùng Vịnh.

Sáng 21.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Ả Rập Xê Út và tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Chuyến thăm Ả Rập Xê Út đầu tiên của Thủ tướng: Cơ hội hợp tác vùng Vịnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo nước chủ nhà và các nước tham dự hội nghị

NHẬT BẮC

Chỉ trong hơn 2 ngày tại Ả Rập Xê Út, Thủ tướng đã có tới hơn 20 hoạt động liên tục, tham dự hội nghị, gặp gỡ lãnh đạo các nước ASEAN, các nước vùng Vịnh cũng như tham dự diễn đàn doanh nghiệp, gặp gỡ các tập đoàn lớn của Ả Rập Xê Út.

Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC cũng là lần đầu tiên kể từ khi thiết lập quan hệ năm 1990, lãnh đạo các nước ASEAN đã gặp gỡ với lãnh đạo các nước GCC, ghi dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai bên, đồng thời tiếp thêm động lực mới cho hợp tác ASEAN - GCC, vì hòa bình, ổn định và phồn vinh của cả hai khu vực và trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, hội nghị có ý nghĩa đặc biệt và đạt được những mục tiêu đề ra với nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, hai bên đều khẳng định coi trọng vai trò và vị trí của nhau, cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi; dự kiến sẽ định kỳ tổ chức gặp gỡ cấp cao ASEAN - GCC 2 năm/lần.

Thứ hai, ASEAN và GCC nhấn mạnh cần khai thác hiệu quả dư địa, tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai bên, nhất trí phối hợp đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển. 

Thứ ba, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đa phương, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc của nhau. Chung tay giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các nước bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại dải Gaza, kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc.

Các lãnh đạo ASEAN và GCC đã thông qua tuyên bố chung, đề ra các định hướng phát triển và nâng tầm quan hệ ASEAN - GCC trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp lại và trao đổi với Thủ tướng Lào, Campuchia và Tổng thống Indoneisa

DƯƠNG GIANG

3 thông điệp quan trọng của Thủ tướng

Đặc biệt, chuyến thăm Ả Rập Xê Út lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là chuyến công tác đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng để hai nước tăng cường tin cậy chính trị và mở ra các cơ hội hợp tác mới.

Đây cũng là cơ hội thắt chặt hơn mối quan hệ với tất cả các quốc gia vùng Vịnh, một khu vực có tổng GDP lên đến 2.200 tỉ USD, nếu tính là một nền kinh tế đơn nhất sẽ đứng thứ 8 trên thế giới.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tạo bước đột phá trong tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam vào Ả Rập Xê Út và cả thị trường GCC.

Đặc biệt là về thu hút vốn đầu tư, mở rộng thương mại, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng bền vững, cung ứng lao động tay nghề cao, phát triển ngành Halal, xuất khẩu nông, thủy sản và du lịch.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đoàn Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC đầu tiên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và trao đổi với Hoàng thái tử, Thủ tướng Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, và lãnh đạo các nước vùng Vịnh

DƯƠNG GIANG

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã có bài phát biểu quan trọng, đề cao ý nghĩa của hội nghị, mở ra những kỳ vọng to lớn để hai bên cùng nhau phấn đấu đưa quan hệ lên một tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác và cùng phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã mang đến hội nghị thông điệp rõ ràng: ASEAN và GCC cần có quyết tâm chính trị, thích ứng năng động, phát huy ý chí tự cường và tiềm năng hợp tác to lớn, khơi thông các nguồn lực phát triển, khởi tạo các ý tưởng đột phá, triển khai các hành động cụ thể để thực sự bứt phá mạnh mẽ, trở thành điểm sáng của hợp tác khu vực và thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề xuất 3 định hướng quan trọng để thắt chặt mối quan hệ hợp tác trong tương lai.

Theo đó, ASEAN và GCC cùng nhau tạo thuận lợi hơn nữa để kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành trụ cột chính, là động lực kết nối hai khu vực, bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Hai bên cần nhanh chóng thể chế hóa hợp tác ASEAN - GCC bằng các cơ chế hợp tác thường xuyên, thực chất, hiệu quả trên từng lĩnh vực cụ thể nhằm hiện thực hóa các cam kết của lãnh đạo cấp cao giữa hai bên. Đồng thời, tăng cường hợp tác đa phương để cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.

Đối với Ả Rập Xê Út, đây là chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Việt Nam sau 13 năm và mang tính chất rất quan trọng, nhằm mở đường, tìm kiếm và tận dụng các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Ả Rập Xê Út cũng như các nước ở vùng Vịnh.

Trong hội đàm với Hoàng thái tử, Thủ tướng Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman và các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các nước thành viên GCC, người đứng đầu Chính phủ đã thể hiện quyết tâm thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.

Nhằm khai thông nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam, Quỹ Đầu tư công 620 tỉ USD của Ả Rập Xê Út đã cam kết dành nguồn lực nhiều hơn cho các dự án lớn phát triển hạ tầng của Việt Nam.

Hoàng thái tử, Thủ tướng Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman

Đáng chú ý, các nước đều đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam, vai trò lãnh đạo điều hành cũng như triển vọng tương lai phát triển của nền kinh tế Việt Nam. 

Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út đã khẳng định, mong muốn tham gia đồng hành cùng tương lai tươi sáng đó của Việt Nam, mong muốn biến sự ngưỡng mộ đối với Việt Nam trở thành hành động hợp tác cụ thể trong thời gian tới.

Không có giới hạn nào cho hợp tác

Quốc vương Qatar khẳng định không có giới hạn nào trong hợp tác với Việt Nam. Hai bên sẽ phối hợp để gỡ bỏ mọi rào cản, vướng mắc, thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong thời gian tới.

Lãnh đạo các nước đều cho rằng còn nhiều dư địa hợp tác. Việt Nam có thể mở cửa để thu hút các khoản đầu tư lớn, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống cũng như mở rộng sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực đa dạng khác.

Những cơ hội hợp tác đã mở ra với các cam kết thúc đẩy thương mại, mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam và đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp Halah, mở ra một hướng đi mới cho ngành nông thực phẩm của Việt Nam. 

Chuyến thăm Ả Rập Xê Út đầu tiên của Thủ tướng: Cơ hội hợp tác vùng Vịnh - Ảnh 5.

Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC đầu tiên mang ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy hợp tác hai khu vực

BTC

Bên cạnh đó là lĩnh vực hợp tác rất quan trọng về lao động, trong đó có việc cử lao động tay nghề cao của Việt Nam tham gia vào các dự án lớn của Ả Rập Xê Út và các nước vùng Vịnh. Thúc đẩy hợp tác về du lịch, tăng cường kết nối, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước vùng Vịnh.

Nhiều tập đoàn lớn của Ả Rập Xê Út khẳng định sẽ xem xét mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như thép, thép tiền chế, bán lẻ, nông nghiệp và năng lượng sạch; mong muốn qua Việt Nam mở rộng mạng lưới kinh doanh của các doanh nghiệp này sang các nước ASEAN.

Việt Nam và Ả Rập Xê Út đã ký kết 5 văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, ngoại giao, phòng, chống tội phạm, du lịch và xúc tiến thương mại; qua đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và điều kiện hợp tác thuận lợi cho hai nước trong thời gian tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.