Đạo đức cầu thủ Việt Nam: Trả lại sự trong sạch cho bóng đá

18/05/2024 08:00 GMT+7

Bóng đá VN tiếp tục guồng quay hối hả với các giải bóng đá trong nước đang vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt nhất, đội tuyển VN cũng sắp tập trung còn các đội trẻ chuẩn bị thi đấu giao hữu quốc tế. Bức tranh ấy có lẽ sẽ tươi đẹp hơn nếu không bị vấy bẩn bởi những sự cố nghiêm trọng như vừa qua…

BÀI HỌC ĐỂ LẠI

Những vụ án trong bóng đá liên quan đến dàn xếp tỷ số, đánh bạc, ma túy…, hầu như đều có cái kết chung: những cá nhân sa lầy vào con đường tội lỗi nhận cái giá phải trả tương xứng. Câu hỏi đặt ra ở đây là, cầu thủ phạm tội bị cấm hành nghề đá bóng, bị cơ quan pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng tại sao bê bối trong bóng đá VN vẫn xảy ra? Môi trường bóng đá VN tại sao vẫn chưa hoàn toàn sạch?

Ngọc Thắng là một trong 5 cầu thủ CLB Hà Tĩnh bị bắt vì sử dụng ma túy

Ngọc Thắng là một trong 5 cầu thủ CLB Hà Tĩnh bị bắt vì sử dụng ma túy

ẢNH: AFC

Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng, các cầu thủ phải chuốc lấy hậu quả cho hành vi sai trái, nhưng CLB không thể "phủi sạch" trách nhiệm trong khâu quản lý con người. Một vấn đề nổi cộm hiện nay là nhiều CLB chỉ quan tâm đến thành tích, đưa cầu thủ đến sân tập luyện, thi đấu rồi trả lương, lót tay là xong. Việc quan tâm mới chỉ dừng ở đời sống vật chất.

"Chưa nhiều đội bóng ở V-League, hạng nhất hiện nay chú trọng chăm sóc đời sống tinh thần cho các cầu thủ. Thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi VĐV phải chịu đựng áp lực cạnh tranh cao độ từ trên sân cỏ đến ngoài đời. Áp lực lớn của thể thao khiến nhiều cầu thủ rơi vào trạng thái stress, căng thẳng. Những CLB ở các nền bóng đá phát triển thường thuê chuyên gia tâm lý để lắng nghe, tư vấn giúp cầu thủ cách lấy lại cân bằng lành mạnh. Các cầu thủ được hướng đến việc tập thêm yoga, thiền, chơi một số môn thể thao khác… Tuy nhiên ở VN, khâu chăm sóc tâm lý chưa được đề cao", ông Đoàn Minh Xương nhận định.

Cũng theo ông Xương, nhiều đội bóng lựa chọn cách thiết quân luật, "cấm trại" cầu thủ trước ngày thi đấu. Nhưng để ngăn chặn tiêu cực, các CLB cần làm sạch môi trường bằng cách tìm ra nguyên nhân vấn đề rồi khắc phục, chứ không thể chỉ cấm. Thực tế ở V-League tại những CLB làm trẻ bài bản như LPBank HAGL, Thể Công Viettel cho thấy nếu khâu chăm sóc, giáo dục và đảm bảo đời sống tinh thần được thực hiện tốt, tệ nạn xã hội sẽ không "có cửa" để bước chân vào.

TỐN KÉM ĐẾN MẤY CŨNG PHẢI LÀM

Bên cạnh công tác quản lý của CLB, trách nhiệm giám sát của ban tổ chức giải cũng rất quan trọng trong việc tránh những sự cố đáng tiếc liên quan đến chất cấm. Nếu các nhà quản lý bóng đá làm chặt vấn đề kiểm tra chất cấm bằng cách xét nghiệm nước tiểu, các cầu thủ sẽ tự biết kiểm soát bản thân, điều chỉnh lại nếp sinh hoạt và tránh xa ma túy, nếu không muốn mất nghiệp, lâm cảnh tù tội.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng nêu quan điểm: "Môi trường bóng đá VN sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu vấn nạn chất cấm còn tồn tại, chưa kể những hệ lụy xảy ra nếu cầu thủ bước ra sân chơi quốc tế. Thể thao VN từng có những VĐV sử dụng chất cấm (doping), nhưng những trường hợp đó có thể do sơ suất. Còn đây là hành động sử dụng chất gây nghiện có chủ đích, từ những cầu thủ từng có thành tích cao, hay những cầu thủ trẻ, có thể lên đội tuyển quốc gia trong tương lai gần. Đây là vấn đề đáng báo động". Bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng nếu dính vào chất cấm, rơi vào cảnh bị nghiện, cầu thủ có thể bị thao túng bởi thế lực bên ngoài, dẫn đến cố tình làm thay đổi kết quả trận đấu, khiến các giải quốc nội bị trạng thái "loạn", không rõ trắng đen. Ban tổ chức không kiểm soát được.

Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) từng phối hợp với ban điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN tiến hành kiểm tra chất cấm cho cầu thủ trong giai đoạn 2008 - 2017, theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên mỗi đội 2 cầu thủ. Trung bình mỗi mùa giải có khoảng 50 mẫu thử được thực hiện. Không có mẫu thử dương tính được phát hiện trong giai đoạn này. Tuy nhiên do thay đổi trong công tác tổ chức giải và sau đó là ảnh hưởng của dịch bệnh, việc xét nghiệm chất cấm bị gián đoạn từ năm 2018 cho đến nay.

Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhận định: "Rào cản lớn nhất của việc xét nghiệm chất cấm nằm ở vấn đề tài chính, vốn đòi hỏi rất nhiều tiền. Tuy nhiên, ban điều hành giải cần tiến hành xét nghiệm trở lại, điều này rất cần thiết để làm sạch bóng đá VN, khiến cầu thủ biết… sợ mà tránh xa chất cấm. Việc xét nghiệm cần tiến hành thường xuyên, liên tục, không có ngoại lệ nào, tránh để đến khi sự cố xảy ra mới cuống cuồng tìm giải pháp trong khi chúng ta có thể ngăn chặn từ đầu". 

V-League sắp học tập bóng đá thế giới

Tại nhiều giải bóng đá lớn trên thế giới, việc thử chất cấm là hoạt động bắt buộc. Các cầu thủ phải tuân thủ việc kiểm tra chất cấm ở bất kỳ thời điểm nào và địa điểm được yêu cầu mà không cần báo trước. Các mẫu thử có thể được lấy lúc trước hoặc sau thời điểm của trận đấu và không giới hạn số lần thử cũng như tần suất lấy mẫu. Ban tổ chức giải sẽ thông báo một cách bất ngờ như về địa điểm lấy mẫu thử: nơi thi đấu, nhà riêng, bản doanh của đội bóng cầu thủ đó hay thậm chí là ở bệnh viện. Cầu thủ nào từ chối hay cố tình cản trở các cuộc lấy mẫu thử chất cấm bằng nhiều hình thức khác nhau, sẽ bị cấm thi đấu từ 2 - 4 năm. Để tránh bị phát hiện, nhiều cầu thủ đã dùng một số mánh khóe để làm loãng mẫu thử nhằm thay đổi kết quả kiểm tra. Tuy nhiên, nếu bị phát hiện, cầu thủ đó sẽ bị phạt nặng hơn rất nhiều. Được biết, VFF và VPF đang lên kế hoạch kiểm tra chất cấm với các phương thức như trên, kể từ mùa giải 2024 - 2025.

                               Nguyễn Hải Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.