Bể than 210 tỉ tấn ĐBSH: Chưa khai thác nếu chưa đảm bảo an toàn

06/10/2009 02:18 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án phát triển bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) của Bộ Công thương trong cuộc trao đổi với Thanh Niên. Ông Quân cho biết:

 Mời nghe đọc bài

- Quy hoạch ngành than đến năm 2015, dự báo đến năm 2025 (đang trình Chính phủ phê duyệt) đưa ra 2 mức dự báo về nhu cầu than: Theo phương án cơ sở thì đến năm 2015, nước ta cần 90 triệu tấn than/năm (trong đó cho sản xuất điện khoảng 63 triệu tấn), năm 2020 cần 150 triệu tấn than (cho điện khoảng 110 triệu tấn); năm 2025 cần khoảng 225 triệu tấn (cho điện khoảng 180 triệu tấn). Theo phương án cao thì đến năm 2020 ta cần tới 230 triệu tấn than.

Trong khi đó, nếu phát triển tối đa bể than Đông Bắc (Quảng Ninh), dự kiến đến năm 2015 ngành than chỉ có thể cung ứng được khoảng 65 triệu tấn; năm 2020 khoảng 80 triệu tấn (sản lượng hiện nay khoảng 42 triệu tấn). Như vậy, năm 2015 sẽ thiếu khoảng 25 triệu tấn than; năm 2020 thiếu khoảng 70 triệu tấn. Đó là chưa tính đến kịch bản nhu cầu than ở mức cao thì tình trạng thiếu than sẽ càng trầm trọng hơn.

Trong thời gian qua, ngành than, điện và cả dầu khí đã tích cực tìm các nguồn cung ứng than từ nước ngoài nhưng việc ký được hợp đồng dài hạn nhập khẩu than cũng hết sức khó khăn do thị trường than đã được sắp xếp tương đối ổn định. Các nhà xuất khẩu than lớn đều đã có các bạn hàng truyền thống, rất ít nhà cung cấp trên thế giới muốn ký hợp đồng cung cấp than dài hạn cho chúng ta. Nếu nguồn cung than không đủ, ta buộc phải dừng xây mới một số nhà máy nhiệt điện chạy than theo kế hoạch. Hệ quả là tình trạng thiếu điện trầm trọng sẽ không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc nghiên cứu để phát triển bể than ĐBSH (dự báo khoảng 210 tỉ tấn) là giải pháp hợp lý và cần thiết.

“Bể than ĐBSH có tiềm năng tài nguyên rất lớn, phân bố trên diện tích  rộng lớn (3.500 km2) ở vùng nhạy cảm về môi trường, môi sinh; có khả năng tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong phạm vi rộng khi tiến hành khai thác”.

Xuất khẩu than là bài toán kinh tế

* Ông có thể nói rõ hơn, vì sao ta không thể đẩy mạnh khai thác than mà phải mở bể than mới trong thời điểm này?

- Bể than Đông Bắc có tài nguyên còn lại khoảng 10 tỉ tấn, trong đó trữ lượng xác định khoảng 4 tỉ tấn, dự báo khoảng 6 tỉ tấn. Nếu huy động ở mức tối đa được khoảng 70% số tài nguyên trên với sản lượng bình quân 65-70 triệu tấn/năm, ta cũng có thể khai thác được khoảng 100 năm nữa. Bể than Đông Bắc có chất lượng than tốt, điều kiện khai thác thuận lợi hơn bể than ĐBSH, hạ tầng kỹ thuật sẵn có, vì vậy quan điểm của Bộ Công thương là phải tăng công suất tối đa khai thác than tại khu vực này để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, việc tăng công suất khai thác tối đa cũng bị giới hạn bởi khả năng kỹ thuật, phân bố trữ lượng tài nguyên, sự đáp ứng của hạ tầng kỹ thuật.

* Tại sao chúng ta không thể ngừng xuất khẩu than, để dồn toàn bộ than cho nhu cầu trong nước ?

- Từ trước đến nay, chủ trương của chúng ta luôn nhất quán: khai thác than để cung cấp cho nhu cầu trong nước là chính. Thực tế đã thực hiện như vậy, chưa bao giờ ta để thiếu than cho nhu cầu trong nước. Việc xuất khẩu than trong giai đoạn vừa qua và hiện nay để bù đắp và điều tiết cho giá than bán cho các hộ tiêu thụ trong nước (đối với một số hộ tiêu thụ trong nước, giá bán than thực hiện thấp hơn giá thành), tạo nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mở các mỏ than mới chuẩn bị cho việc đáp ứng nhu cầu than tăng rất mạnh vào giai đoạn từ 2013 trở đi, đồng thời đảm bảo việc kinh doanh có hiệu quả của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV). Không thể coi việc xuất khẩu than trong thời gian qua và hiện nay là nguyên nhân chính đe dọa việc thiếu than cho giai đoạn sắp tới, bởi lẽ tài nguyên và trữ lượng còn lại của riêng bể than Đông Bắc (10 tỉ tấn) đủ để khai thác hàng trăm năm nữa. Vấn đề ở chỗ là do điều kiện kỹ thuật mỏ, chúng ta không thể phát triển sản lượng của bể than Đông Bắc cao hơn nữa.

Với nhu cầu than tăng mạnh và giá bán than sẽ hoàn toàn chuyển sang cơ chế thị trường từ năm 2010 (hiện nay, Chính phủ đã cho phép giá bán than cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng lên với giới hạn thấp hơn giá xuất khẩu tối đa là 10%) thì việc xuất khẩu than chắc chắn sẽ giảm mạnh. Khi giá than trong nước hội nhập hoàn toàn với giá khu vực và quốc tế, nhu cầu xuất khẩu tự nhiên sẽ triệt tiêu mà không cần phải áp dụng mệnh lệnh hành chính.

Có ý kiến cho rằng nên dừng việc xuất khẩu, để than cho con cháu, càng để thì giá càng lên. Tuy nhiên, xét cho cùng cũng là bài toán kinh tế. Ví dụ, nếu hiện nay bán được 100 USD/tấn than, để 10 năm sau có thể bán được 200 USD/tấn. Nhưng việc thu về 100 USD/tấn than ở thời điểm hiện nay và dùng số tiền này để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, quay vòng đồng tiền nhanh hơn, có thể sinh lời nhiều hơn là so với chờ 10 năm sau mới bán để thu về thêm 100 USD/tấn.

Lo lắng của các nhà khoa học là chính đáng

* Trở lại với đề án phát triển bể than ĐBSH, với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định, xin ông cho biết đánh giá của hội đồng về đề án này?

- Bể than ĐBSH có tiềm năng tài nguyên rất lớn, phân bố trên diện tích rộng lớn (3.500 km2) ở vùng nhạy cảm về môi trường, môi sinh; có khả năng tác động lớn đến kinh tế - xã hội trong phạm vi rộng khi tiến hành khai thác. Do đó, Bộ Công thương đã thành lập Hội đồng thẩm định do một Thứ trưởng làm Chủ tịch, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia - đại điện cho các bộ, cơ quan, địa phương liên quan và một số chuyên gia độc lập. Hội đồng đã mời 2 cơ quan phản biện cho đề án là Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và trường Đại học Mỏ - Địa chất. Trong quá trình thẩm định, Bộ Công thương đã gửi đề án xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương liên quan. Hội đồng thẩm định đã nhận được trên 150 ý kiến phản biện của 17 cơ quan, tổ chức và các cá nhân. Các ý kiến thẩm định, góp ý của các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học chủ yếu tập trung vào vấn đề công nghệ khai thác, bảo vệ môi trường, môi sinh, đảm bảo an ninh lương thực-năng lượng, hiệu quả kinh tế-xã hội.

Sau 3 phiên họp toàn thể, hội đồng đã sơ bộ đánh giá như sau:

Đề án do Tập đoàn TKV lập tương đối công phu, có nhiều thông tin hữu ích, đã đề cập tương đối đầy đủ các vấn đề cần thiết để xin chủ trương phát triển bể than ĐBSH.

Với tiềm năng to lớn và tầm quan trọng, mức độ phức tạp và nhạy cảm về công nghệ, môi trường của việc khai thác bể than ĐBSH, thì việc tiến hành khai thác thử nghiệm 2 loại hình công nghệ là khí hóa than ngầm và khai thác hầm lò là bước đi thận trọng, hết sức cần thiết để xác định công nghệ phù hợp, đánh giá ảnh hưởng của việc khai thác đến môi trường và xác định các giải pháp khắc phục hữu hiệu. Kết quả thử nghiệm sẽ là cơ sở quan trọng để hoạch định kế hoạch phát triển bền vững bể than ĐBSH trong tương lai.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho lập dự án “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng than ĐBSH đến năm 2020, dự báo đến năm 2030” cùng với việc lập Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược để trình duyệt theo quy định.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua chủ trương, chủ đầu tư sẽ triển khai lập dự án đầu tư cụ thể (FS) cùng với báo cáo đánh giá tác động môi trường và trình duyệt theo quy định. Hiện nay, Hội đồng đang khẩn trương hoàn thiện Báo cáo thẩm định (kèm theo các đề xuất, kiến nghị) để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Như vậy, cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ dự án thử nghiệm nào được triển khai.

“Chỉ khi nào giải quyết tốt các thách thức về công nghệ khai thác, chống sụt lún, nước, môi trường… thì việc khai thác đại trà mới được triển khai”.

 * Ông Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng (SHE) cho biết, để cho kết quả thử nghiệm công nghệ hầm lò phải mất tới 10 năm. Chúng ta sẽ chờ cho đến khi có kết quả thử nghiệm mới khai thác hàng loạt?

- Đúng như vậy. Kết quả thử nghiệm sẽ trả lời cho chúng ta câu hỏi: có khai thác được không, khai thác bằng công nghệ gì, mức độ ảnh hưởng của việc khai thác đến môi trường và xã hội ra sao, đồng thời sẽ cung cấp nhiều số liệu có giá trị để đánh giá về mặt kỹ thuật, hiệu quả kinh tế - xã hội và lập kế hoạch phát triển bền vững bể than ĐBSH.

Theo dự kiến của chủ đầu tư, thời gian có kết quả thử nghiệm của dự án khai thác hầm lò với công suất 5 triệu tấn than/năm phải mất tới 9-10 năm. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thử nghiệm, có thể song song đánh giá, tổng kết từng công đoạn để có kết quả kịp thời.

 * Nhiều chuyên gia cho rằng, tác động của việc khai thác than ngầm có thể không biểu hiện ngay mà 20-30 năm sau, có khi đời con chúng ta mới xảy ra?

- Lo lắng của người dân, của các nhà khoa học là rất chính đáng. Quan điểm của Bộ Công thương là phải áp dụng công nghệ hiện đại nhất ngay từ dự án thử nghiệm để làm cơ sở cho việc khai thác đại trà sau này (nếu việc thử nghiệm có kết quả tốt).  

Vì rất chú trọng đến yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường và rủi ro của đề án, Hội đồng thẩm định mới thống nhất cao là đề nghị phải tiến hành khai thác thử nghiệm trước. Chỉ khi nào giải quyết tốt các thách thức về công nghệ khai thác, chống sụt lún, nước, môi trường... thì việc khai thác đại trà mới được triển khai. Chưa đảm bảo an toàn, chưa thể khai thác. Chính phủ sẽ chỉ đạo và kiểm soát rất chặt chẽ việc này. Nguyên tắc quan trọng nhất là phải đảm bảo công nghệ khả thi, an toàn, đảm bảo môi trường và hiệu quả kinh tế - xã hội,  không làm xáo trộn đời sống của hơn 18 vạn dân trong khu vực.

Káp Thành Long
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.