Quanh khu công nghiệp: Thực phẩm ôi cũng đắt hàng

19/10/2009 15:19 GMT+7

Chợ chồm hổm mọc lên như nấm quanh các khu công nghiệp trên địa bàn TPHCM, kéo theo thực trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trở nên phổ biến. Chợ họp từ 4 giờ chiều đến giữa đêm, vì là chợ dành cho người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động nghèo… nên hầu hết thực phẩm ở đây không được tươi ngon, nếu không muốn nói là hàng dạt từ các chợ buổi sáng...

Nhắm mắt mua liều

Nằm trên quốc lộ 1A, khách hàng chủ yếu của chợ tự phát sát KCN Tân Tạo là hàng chục ngàn công nhân sống quanh đấy. Hàng ngày, sau 4 giờ chiều, hàng trăm tiểu thương tụ họp ngồi xổm bày biện đủ các loại thực phẩm như thịt heo, cá, đậu khuôn, rau… cạnh những ống cống thoát nước rác nổi lềnh bềnh, hôi thối. Tuy vậy, khách hàng hầu như không ai để ý tới điều này. “Công nhân họ dễ tính lắm. Thịt, cá… tại chợ tối nào cũng hết sạch, hiếm khi bị ế”, chị Bé Tư, tiểu thương tại đây nói.

Thực phẩm rẻ, đa dạng, tiện lợi đó là thực tế không thể phủ nhận tại các khu chợ tự phát. Tuy nhiên, như ông bà ta thường nói “tiền nào của nấy”. Một ký cá ngừ bán buổi sáng có giá từ 15.000 – 20.000đồng, nhưng tại chợ chiều, giá chỉ dao động từ 9.000 – 10.000 đồng/kg. Nhìn chung, giá các loại thực phẩm tại chợ chiều có giá chỉ bằng 2/3, thậm chí khoảng 1/2 so với giá thông thường.

Điều đáng lo là theo tiết lộ của một tiểu thương chuyên bán thịt gà đông lạnh tại chợ: “Để có lời, chúng tôi thường mua gà “chui” và bán “chui” cho công nhân. Gà này trốn kiểm dịch. Ngoài ra, hàng buổi sáng tại chợ chưa bán hết, chỉ cần ướp đá rồi tung ra bán cho công nhân vào buổi chiều, bao nhiêu cũng hết”.

Khu chợ nhếch nhác lầy lội vào mùa mưa, “bốc mùi” vào mùa nắng, ruồi, nhặng tại chợ đua nhau hoành hành. Chị Ngọc, bán đậu khuôn tại chợ, một tay cầm que đuổi ruồi, một tay bốc miếng đậu khuôn cho khách, nói như phân bua: “Ruồi nhiều quá, cứ mưa xuống chúng lại túa ra. Gần ống cống nên khó tránh khỏi!”.

Chị nữ công nhân trẻ tuổi mua hàng thật dễ tính, mặc kệ đôi tay trần của chị Ngọc vừa bốc đậu vừa lau mồ hôi, vừa gãi chỗ ngứa nhưng chị khách cũng chẳng tỏ vẻ khó chịu. Không chỉ mua đồ ăn tươi sống về chế biến, nhiều công nhân tiện thể ghé ăn các loại thức ăn chế biến sẵn.

“Sau một ngày làm việc đầy mệt mỏi, lót dạ bằng bất cứ món gì đều thấy ngon miệng, dù là miếng khoai luộc hay ly chè đậu xanh…” – Anh Tuấn, công nhân KCN Tân Tạo chia sẻ. Quán khoai luộc cạnh kênh nước đen, rác lổm ngổm là địa điểm dừng chân thân thuộc của anh cùng nhiều anh chị em công nhân.

Hậu quả, kêu ai?

Mức lương vừa đủ sống, chi tiêu tằn tiện, công nhân ưu tiên chọn mua hàng giá rẻ, tiết kiệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Lợi dụng tâm lý ấy, nhiều tiểu thương tìm cách “phù phép” biến các loại thịt kém chất lượng thành những loại “thịt tươi, ngon, giá rẻ”. Công nhân phần vì không biết, phần vì “nhắm mắt” mua liều nên đôi khi lâm vào tình huống dở khóc dở cười.

Cuối tháng 9-2009 vừa qua, chị Lan, công nhân KCX Linh Trung (Thủ Đức) sau giờ tan ca ghé vào chợ chồm hổm để mua nửa ký cá ngừ về chiên. Trông cá cũng ngon lành, chỉ lạ là được ướp gia vị thơm phức. Tin lời giải thích của chủ hàng cá rằng phải ướp thế cho ngon, giữ được lâu nên chị mua ngay.

“Không ngờ về nhà, chiên cá mà không ăn được. Gia vị rã ra, trơ lại khúc cá ướp có mùi thum thủm. Thậm chí, quăng cho chó còn không thèm ăn. Tiếc tiền, xót của nhưng khi nói lại với chủ hàng cá, chị ta chối bay chối biến” – chị Lan kể. Anh Tuấn, công nhân KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi mua gà ướp lạnh tại chợ. Sau khi rã đông, gà trở nên nhão, rệu rã, không thể ăn được. Do gà ướp đá quá lâu, lại là gà chui, không kiểm dịch nên lúc này anh chỉ biết than trời.

Riêng chị Út Năm, công nhân KCX Tân Thuận (quận 7) không thể nào quên được đợt tiêu chảy kéo dài cả tuần lễ cách đây nửa tháng khiến chị từ cô gái nặng 50 kg, giờ chỉ còn chưa đầy 45 kg. Chị cùng người bạn gái chung phòng đi chợ chồm hổm ngay dưới gầm cầu Tân Thuận. Sau khi ăn món chả cá sốt cà chua, chị bị đau bụng dữ dội phải nhập viện điều trị. Bạn của chị do ăn ít nên chỉ bị nhẹ.

Sau này qua tìm hiểu, chị được biết, do cà chua chị mua có xịt thuốc trừ sâu (loại kết dính chống sự rửa trôi của nước), nhiều công nhân cũng bị ngộ độc nhẹ do ăn phải. Riêng chả cá, đó là loại cá ươn, gom ở nhiều mối từ nhiều ngày trước, được tẩm hương vị đánh lừa khách hàng. “Tôi chẳng biết cầu cứu ai hết, vì những người bán hàng cho mình đều cao chạy xa bay. Thôi đành ôm cảnh tiền mất tật mang chứ biết sao!” – chị Út Năm nói giọng bùi ngùi.

Ai quản lý các chợ tự phát và chất lượng thực phẩm bán tại đây? Ai chịu trách nhiệm khi những hậu quả đáng tiếc xảy ra? Hàng loạt câu hỏi không biết đến bao giờ mới có lời đáp.

Theo Thi Hồng / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.