Về Trà Vinh ăn bánh tét Trà Cuôn

27/12/2008 11:07 GMT+7

Danh tiếng bánh tét Trà Cuôn đã lan tỏa sang nhiều địa phương trong cả nước và được bà con Việt kiều biết đến

Trong cuộc gặp gỡ ngày 23-12 tại TPHCM giữa đại diện các hộ sản xuất nông sản, thực phẩm hai tỉnh Trà Vinh và Đồng Tháp với lãnh đạo hệ thống Co.opMart để tiếp thị các sản phẩm của địa phương, một trong số các đặc sản được nói đến là bánh tét Trà Cuôn. Đối với bà con đồng bằng sông Cửu Long, thứ bánh tét được gói từ nếp trộn nước ép lá bồ ngót có màu xanh đặc trưng đã trở nên quen thuộc, ăn đến “phát ghiền”.

Hương vị đậm đà, màu sắc lạ mắt

Để tìm hiểu nguồn gốc loại bánh tét này, chúng tôi được ông Thạch Tô, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Hòa, dẫn đến gia đình bà Thạch Thị Lết, ở ấp Hòa Lục, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Năm nay bà Lết đã hơn 70 tuổi, có gần 40 năm trong nghề gói bánh tét. Chị Thạch Thị Di, người con gái thứ 9 của bà Lết, kể lại: “Gia đình đông con (12 người) nên cuộc sống rất chật vật. Sẵn biết gói bánh, mẹ tôi nghĩ ra cách làm nhiều loại bánh như bánh tét, bánh lá dừa, bánh ú... để bỏ mối cho các quán nước ven đường và đội đi bán lẻ. Chính những nồi bánh ấy đã nuôi lớn chúng tôi. Trong đó, tám chị em gái đều theo nghề của mẹ”.

Trà Cuôn là tên của một ấp nằm dọc theo Quốc lộ 53, thuộc xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, cách thị xã Trà Vinh khoảng 12 km. Đây là nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống và là điểm tạm dừng của các tuyến xe khách, các tour du lịch để khách có thể dạo quanh cái chợ nhỏ với gần 20 sạp chuyên bày bán bánh tét còn nóng hổi vừa vớt ra từ nồi nấu bánh đang nghi ngút khói.

Bà Hoàng Thị Lý, chủ sạp bánh tét Hai Lý tại chợ Trà Cuôn, cho biết trước đây bà từng lấy bánh tét của bà Lết để bán kiếm lời. Khi đó, bánh tét Trà Cuôn chỉ to bằng cổ tay và nhân bánh chủ yếu làm bằng chuối hoặc mỡ heo. Dần dần, những du khách qua đường mua ăn thấy ngon nên họ yêu cầu bà Lý bán loại bánh lớn hơn để tiện làm quà biếu. Phần nhân bánh phải có thêm thịt heo nạc, đậu xanh và trứng vịt muối để tăng thêm hương vị. Từ đó, bà Lý liên kết với bà Lết để sản xuất ra loại bánh tét Trà Cuôn mang hương vị đậm đà, màu sắc lạ mắt như ngày nay.

Gói bánh... cũng có bí quyết

Để tạo nên uy tín cho bánh tét Trà Cuôn, cả 8 người con gái của bà Lết đều thống nhất cách gói bánh tét. Để có được bánh ngon, từ khâu chọn nếp (loại nếp sáp dẻo) đến khâu tạo nhân bánh đều hết sức chú trọng. Nếp sau khi vo sạch, để ráo được trộn với nước lá bồ ngót để bánh khi nấu chín có màu xanh đọt chuối, trông rất “tươi”. Đặc biệt, khi gói bánh, người gói phải cột dây vừa đủ độ chặt. Nếu không, khi nấu, nước thấm vô nhiều sẽ khiến cho bánh tét không để được lâu. Đây cũng chính là một trong những bí quyết làm cho bánh tét Trà Cuôn để được 5 - 7 ngày vẫn không bị hư.

Hiện nay, danh tiếng bánh tét Trà Cuôn đã lan tỏa sang nhiều địa phương trong cả nước và được bà con Việt kiều biết đến. Với giá từ 15.000- 25.000 đồng/đòn bánh (tùy theo kích cỡ), loại bánh này cũng đã được giới thiệu tại các hội chợ ở Cần Thơ và An Giang. Trung bình, một cơ sở (khoảng 7 nhân công) có thể gói từ 250-300 đòn bánh mỗi ngày. Vào những dịp lễ, Tết, con số này tăng lên gấp 4 mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu. Với mỗi đòn bánh tét bán ra, người gói sẽ có được thu nhập khoảng 3.000 đồng.

Xây dựng thương hiệu “Bánh tét Trà Cuôn”

Để xây dựng thương hiệu cho “Bánh tét Trà Cuôn”, từ dự án cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo ở tỉnh Trà Vinh, xã Kim Hòa đã thành lập tổ sản xuất bánh tét Trà Cuôn gồm 7 cơ sở để thống nhất về chất lượng, trọng lượng sản phẩm bánh tét. Trong đó, lực lượng chủ yếu là con của bà Lết.

Tiến sĩ Phan Thị Giác Tâm, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, người được Tổ chức GTZ của Đức mời tham gia hướng dẫn cho bà con sản xuất bánh tét Trà Cuôn, cho biết: “Chúng tôi sẽ có nhiều buổi làm việc để lắng nghe ý kiến trao đổi của bà con. Sau đó sẽ giúp bà con về một số kỹ thuật trong sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng bánh như cách chọn các loại thực phẩm, gia vị, hướng dẫn bà con về mặt kỹ thuật như muốn bánh có màu xanh thật đẹp, thay vì sử dụng lá chuối để gói theo truyền thống thì sẽ thay bằng lá dong, màu bánh sẽ đẹp hơn, bắt mắt hơn. Đặc biệt, người gói bánh sẽ tiến tới quy trình sản xuất tiên tiến, bảo đảm tuyệt đối về an toàn - vệ sinh thực phẩm. Hy vọng, trong tương lai gần, bánh tét Trà Cuôn sẽ trở thành thương hiệu nổi tiếng giúp bà con phát huy được tác dụng của một nghề truyền thống”.

Theo Xuân Thạnh (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.