Nỗi niềm luật sư

09/10/2007 00:20 GMT+7

Chúng tôi đề nghị có chế tài xử lý những người cản trở luật sư hoạt động đúng pháp luật". Đó là một trong những kiến nghị được đưa ra tại hội thảo khoa học "Hoạt động của luật sư trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, thực trạng và giải pháp" do Đoàn Luật sư TP Hà Nội tổ chức ngày 6.10.

"Có trường hợp chúng tôi bị nói dối"

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp mở màn hội thảo: "Khó khăn lớn nhất với chúng tôi là ở giai đoạn điều tra. Tôi làm nhiều vụ hình sự, chưa một lần nào được vào lấy lời khai cùng điều tra viên một cách đàng hoàng. Tôi thường được điều tra viên gọi vào cùng gặp bị can khi mà họ cần tôi giải thích, tác động để bị can hiểu hành vi phạm tội... Thậm chí, có trường hợp còn bị nói dối. Chúng tôi hỏi điều tra viên, họ bảo họ không đi lấy cung, nhưng thực tế là họ có vào lấy cung thân chủ tôi, khiến tôi không biết đâu mà lần". 

Ông tiếp: "Có cán bộ của cơ quan điều tra cho rằng luật sư vào chỉ "nhiễu", hôm nay có luật sư, mai bị can phản cung. Thậm chí còn quan niệm rằng luật sư chỉ có chạy án, thông cung. Nhưng chúng tôi được làm cái gì? Chúng tôi vào cùng tham gia lấy cung chỉ ngồi lù lù, không nói, không hỏi, vậy chúng tôi thông cung cái gì? Theo tôi, chẳng qua đó là yếu tố tâm lý, có người thứ ba thì bị can bình tĩnh hơn, họ dám nói hơn". LS Thiệp đề nghị: "Cần có chế tài xử lý những trường hợp cản trở việc hành nghề chính đáng của luật sư, đặc biệt là khi luật sư tham gia các vụ án hình sự". 

Ông Đặng Quang Phương, Phó chánh án thường trực TAND tối cao mách nước: "Khi gặp khó khăn, các anh có kiên trì không, có làm khiếu nại không, hay là luật sư bỏ cuộc? Thứ hai, các anh hãy làm kiến nghị, kiến nghị cụ thể ở tòa nào, viện kiểm sát nào, cơ quan điều tra nào gây khó khăn cho hoạt động chính đáng của các anh, các anh tập hợp cho đoàn luật sư để gửi đến lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng. Làm kiến nghị nhiều lần, với thông tin cụ thể, chính xác, tôi tin sẽ có tác dụng".


Vấn đề để còng hay tháo còng từng gây tranh luận giữa LS và chủ tọa trong phiên tòa xử vụ PMU 18- Ảnh: K.T.L

Vấn đề bị can từ chối luật sư cũng được nêu ra khá gay gắt. Người nhà của bị can có đơn nhờ luật sư nhưng ở trong trại tạm giam, bị can đã viết đơn từ chối luật sư. Khi luật sư gặp thân chủ mới biết: Trong hoàn cảnh bị tạm giam, vì những lý do "tế nhị", họ không thể không từ chối luật sư.

 "Chạy như cờ lông công"

Các luật sư cũng bức xúc trước việc bị "hành" bởi thủ tục. Luật sư Nguyễn Văn Chiến bày tỏ ý kiến: "Hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn việc tiếp nhận giấy tờ, thủ tục để luật sư vào từ quá trình điều tra. Chúng tôi cần hướng dẫn, có thủ tục hành chính 1 cửa để không... bị hành". Ông Chiến đưa ra ví dụ: "Chúng tôi chạy như cờ lông công khắp các trại tạm giam để tìm thân chủ vì không cán bộ điều tra nào trả lời tôi về nơi thân chủ bị tạm giam".

Chuyện photocopy tài liệu cũng được đưa lên bàn hội thảo: "Khi vào tòa án photocopy tài liệu, nơi thì bảo phải làm đơn, nơi lại yêu cầu làm danh mục tài liệu cần photocopy. Có cô nhân viên tòa còn bảo: "Luật sư mang máy đến mà phô tô. Có anh bạn tôi mang được máy photo mini đến thì cô ấy nói: luật sư mang điện của luật sư đến mà chạy máy" - luật sư Chiến bức xúc. 

Vấn đề tranh tụng, trước sự ca thán của luật sư về chất lượng kiểm sát viên và cán bộ tòa án, ông Hoàng Ngọc Cẩn, cán bộ Viện KSND TP Hà Nội nêu ý kiến: "Các luật sư nhớ và viện dẫn đúng điều luật thì không ai có thể không theo. Tại tòa, nhiều luật sư nêu ra vấn đề, nhưng chỉ nói chung chung, không đưa ra điều luật cụ thể nên không đạt hiệu quả như mong muốn". 

Tại hội thảo, nhiều lần ông Cẩn thừa nhận, tình trạng chất lượng kiểm sát viên kém là có thật. Tuy nhiên, ông Cẩn nói có nhiều tình huống kiểm sát viên không nắm chắc án là do... bất khả kháng. Như vụ PMU 18, Viện KSND tối cao chuyển hồ sơ vụ án cho Viện KSND TP Hà Nội để ủy quyền truy tố chỉ 6 ngày trước khi xử. Bằng một phép tính, ông Cẩn khẳng định: "Sáu ngày thì đọc bộ hồ sơ dày hàng trăm trang cũng không đủ thời gian chứ chưa nói đến việc chuẩn bị các căn cứ bảo vệ quan điểm buộc tội". Ông Cẩn cũng đưa ra kiến nghị với các luật sư: "Tôi đề nghị, tại phiên tòa, các anh các chị cũng phải ngồi chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối, nhiều trường hợp chỉ đến phần của thân chủ của mình mới nghe, bị cáo khác thì không nghe, luật sư lại hay ra ngoài nhiều, không theo dõi từ đầu đến cuối nên nhiều khi luật sư tranh luận những điều đã được giải quyết xong".

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, vấn đề bức xúc nhất chính là mối quan hệ giữa luật sư và cơ quan điều tra. Tuy nhiên, dù Ban tổ chức đã mời nhưng không một cán bộ nào của cơ quan điều tra tham dự hội thảo.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.