Nhân chứng của một thời quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

15/12/2006 23:33 GMT+7

Ngày 15.12, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã tổ chức trọng thể cuộc "Gặp mặt đại diện nhân chứng lịch sử kỷ niệm 60 năm ngày toàn quốc kháng chiến, Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". 150 ông già, bà cụ - những nhân chứng lịch sử - mỗi người đem đến một câu chuyện cảm động về những ngày đầu kháng chiến.

Chuyện của người mã hóa bức điện

Bà Nguyễn Bích Thuận (phố Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội) là người trực tiếp mã hóa bức điện "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và dịch bức điện của Mặt trận Liên khu I đáp lại lời kêu gọi của Bác, của Chính phủ trong những ngày mở đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946.


Ông Nguyễn Giang kể chuyện phá Nhà máy điện Yên Phụ (ảnh trái); Bà Nguyễn Bích Thuận kể lại chuyện mã hóa bức điện "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" - Ảnh: Q.D

Đã 60 năm trôi qua, nhưng với bà Thuận, những cảm xúc khi thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc vẫn còn nguyên vẹn, như mới vừa diễn ra ngày hôm qua. Bà kể lại: "Đọc bức điện, tôi cảm nhận được ở Bác quyết tâm vô hạn trong việc giữ nước. Tôi cũng cảm nhận được nỗi đau của Bác khi Người kêu gọi: Các em quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tôi đã phải kìm nén cảm xúc để mã hóa chính xác bức điện. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, vì yếu tố bảo mật, tôi đưa tận tay đồng chí Trần Quốc Hoàn, khi đó là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ - Đặc phái viên của T.Ư tại mặt trận Hà Nội".

Ngừng một lát, giọng bà Thuận sang sảng: "Lời của Bác đã trở thành lời lịch sử, lời hịch kêu gọi toàn thể chiến sĩ, quốc dân đồng bào nhất tề đứng dậy bảo vệ đất nước, thể hiện tư tưởng không có gì quý hơn độc lập tự do".

Người ra hiệu lệnh tấn công

Ông Nguyễn Giang (tức Quý) là người trực tiếp phá Nhà máy điện Yên Phụ, khiến cả Hà Nội mất điện làm hiệu lệnh tấn công cho Ngày toàn quốc kháng chiến.

Ông Giang nhớ lại: "Địch gây hấn. Chúng ta thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, di dời toàn bộ các nhà máy, xí nghiệp ra khỏi Hà Nội, nếu không di dời được thì sẽ phá hỏng không để địch chiếm và sử dụng. Vì vậy, các đội phá hoại được thành lập. Khi đang là đội viên đội phá hoại, tôi nhận được một nhiệm vụ đặc biệt: Phá nhà máy điện Yên Phụ".

Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn vì cấp trên yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật, không được báo cho công nhân biết nhưng lại phải đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân. Các mệnh lệnh được cấp trên đưa xuống cũng rất nhỏ giọt. Lúc 2 giờ chiều ngày 19.12, ông Giang được thông báo: "Đêm nay phải phá Nhà máy điện Yên Phụ. 5 giờ chiều sẽ có lệnh cụ thể". 5 giờ 30 phút cùng ngày, ông Giang nhận được vũ khí, gồm 2 kg mìn đựng trong 2 vỏ hộp bích quy, một lượng a-xít mạnh đựng trong 2 chai rượu ngoại để đánh lừa quân địch với chỉ dẫn ngắn gọn: mìn dùng để phá 2 tổ máy đang hoạt động, a-xít dùng để phá 2 tổ máy dự phòng. 7 giờ 30 phút, ông Giang cùng 2 đồng đội khác bắt đầu đưa vũ khí vào trong nhà máy. Ông Giang là người trực tiếp nhồi thuốc nổ vào các tổ máy đang hoạt động. 8 giờ, các thành viên đội phá hoại cắt cầu dao, châm ngòi nổ.

Tiếng nổ đinh tai vang lên. Cả Hà Nội tắt điện, chìm trong bóng tối. Tiếng súng nổ khắp nơi...

15 tuổi, ôm bom ba càng trở thành liệt sĩ

Sau pháo lệnh tấn công, quân và dân Hà Nội bước vào những ngày chiến đấu cam go nhằm giam chân kẻ thù trong nội thành. Đại tá Tống Xuân Đài - nguyên chiến sĩ quyết tử Quân khu 2 - không cầm được nước mắt khi nhớ lại những lần kéo xác đồng đội bị tử nạn vì bom đạn của kẻ thù về khu Cao học xá trong những trận chiến không cân sức; cảnh chị Hồng cấp dưỡng vượt qua làn đạn tìm chặt những khúc mía bị cháy xém về cho anh em thương binh ăn...

Đại tá Đài kể lại trận chiến tại phố Cửa Nam: "Địch chiếm được nhà bách hóa số 5 rồi dùng đủ các loại vũ khí, bắn liên hồi về phía chúng tôi. Tôi và đồng đội chỉ có đúng 4 khẩu súng trường và một cơ số đạn không phải là nhiều. Dù vậy, trong mấy ngày trời, chúng tôi vẫn giữ vững thế trận. Trong những ngày ấy, người dân trong vùng đã nấu cơm rồi bò qua làn đạn đem vào cho chúng tôi ăn. Không có họ, chắc chúng tôi không trụ nổi".

Nói về sự sát cánh của nhân dân bên các chiến sĩ cách mạng, ông Nguyễn Hiền, tức Hiền "Sữa", từng chiến đấu tại chiến lũy Ô Cầu Dền không giấu được niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc. Ông Hiền khẳng định: "Ngay từ lúc ấy, cuộc chiến đấu của chúng ta đã mang đậm tính chiến tranh nhân dân. Không chỉ có bộ đội đánh giặc mà có cả đoàn viên thanh niên, các chị phụ nữ, những nhà sư, cháu thiếu niên cũng tham gia chiến đấu". Rồi ông Hiền kể câu chuyện về một thiếu niên dũng cảm ôm bom ba càng tiêu diệt xe tăng của địch. Được giao nhiệm vụ giữ quả bom ba càng, nhưng không khí chiến đấu sục sôi khắp nơi đã thôi thúc cậu bé 15 tuổi này ôm bom lao vào chiếc xe tăng đang gầm rú giữa đường phố. Một tiếng nổ lớn vang lên. Chiếc xe tăng bị lật nghiêng, xích văng ra xa vài mét. Em bé đã hy sinh. Mọi người cố tìm hiểu xem em là ai, nhà ở đâu nhưng cuối cùng cũng chỉ biết cậu ấy có biệt danh là "Thằng gầy".

Ông Hiền nói: "Nó gầy thật nhưng tâm nó thật sáng. Đơn giản, cậu bé ấy là một người con của Hà Nội".

Q.D

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.