Quy chế thi học sinh giỏi quốc gia: Vẫn còn những chuyện cần bàn

05/10/2006 22:31 GMT+7

Mỗi năm, các địa phương tốn kém rất nhiều cho kỳ thi học sinh giỏi (HSG) quốc gia lớp 12 nhưng hầu hết đều tham gia không hào hứng.

Trên website của Bộ GD-ĐT, TS Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, đã trả lời phỏng vấn về một số sửa đổi trong quy chế thi HSG dự kiến áp dụng từ năm 2007 (tạm gọi là quy chế 07), trong đó có những vấn đề vẫn cần được bàn bạc kỹ hơn.

Quy chế 07 nêu: Đề thi được cải tiến theo hướng thay đổi mạnh cấu trúc đề thi tự luận tăng số câu hỏi riêng biệt sao cho mỗi câu riêng biệt không quá 3 điểm trong tổng số 20 điểm của bài thi, riêng đề Văn có thể có 1 câu 5/20 điểm. TS Trần Nam Dũng (Huy chương bạc toán quốc tế năm 1983, hiện là giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường PT Năng khiếu, TP.HCM) cho biết: "Tôi ủng hộ với sửa đổi này vì đề thi trước đây có một số câu quá khó và có số điểm trong đáp án rất cao. Những biểu hiện tiêu cực thường xảy ra ở những câu có tính quyết định này. Các nước khác cũng thường ra đề không quá khó và ra nhiều câu". TS Nguyễn Thành Thi (Phó trưởng khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm, TP.HCM) góp ý về môn Văn: "Vấn đề chủ yếu không phải ở chỗ một đề thi nên ra gồm một hay nhiều câu hỏi mà cần phải hội đủ các yếu tố: 1) Nêu được một vấn đề thú vị và có ý nghĩa thử thách khả năng độc lập suy nghĩ, sáng tạo đối với người làm bài; 2) Có yếu tố bất ngờ; 3) Có khả năng phân hóa đối tượng cao".

TS Nguyễn An Ninh thì có ý kiến đề nghị hạn chế việc học sinh lớp 11 tham gia kỳ thi HSG: "Học sinh lớp 11 dự thi thì sẽ phải học vượt để hoàn thành chương trình môn chuyên lớp 12; điều này gây sức ép lớn, làm cho nhiều học sinh học lệch các môn khác". Trong khi TS Hoàng Lê Minh (Huy chương vàng giải Toán quốc tế 1974, hiện là Phó giám đốc Sở Bưu chính - Viễn thông TP.HCM) cho rằng: "Không cho HS lớp 11 tham dự thi HSG lớp 12 và tham gia đội tuyển dự thi quốc tế là đi ngược lại truyền thống lâu nay chúng ta và các nước khác đã làm. Để đào tạo nhân tài, cần có những việc vượt ra khỏi khuôn khổ chung. Số học sinh lớp 11 có khả năng thi HSG lớp 12 rất ít, nên trân trọng những tài năng này". Ông Nguyễn Đức Hiệp (GV môn Vật lý, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cũng có quan điểm: "Quy định cấm học sinh khối 11 thi vượt cấp làm mất cơ hội của những học sinh có năng khiếu. Hà cớ gì cứ phải buộc những học sinh tài năng này học "tuần tự" như bao học sinh bình thường khác".

Quy chế mới cũng đề nghị: Không liên hệ, mời người ngoài trường ôn luyện, tập huấn cho giáo viên và học sinh dự tuyển HSG dưới bất kỳ hình thức và thời gian nào. TS Hoàng Lê Minh nhận định: "Phải chăng Bộ GD-ĐT muốn loại bỏ tình trạng tiêu cực bấy lâu nay như "luyện tủ" từ những thầy cô có tham gia trong ban ra đề thi hoặc một số thầy cô luyện thi có tai tiếng. Nếu đúng là như vậy thì nên nói rõ, không nên đưa ra quy định "vơ đũa cả nắm", làm sai lệch mục tiêu tốt đẹp trong luyện thi HSG khi mời được các thầy giỏi". TS Nguyễn Cam (Giám đốc Trung tâm công nghệ dạy học, Viện nghiên cứu giáo dục, ĐHSP TP.HCM) cũng bày tỏ quan điểm về việc sẽ cộng điểm cho khu vực như kỳ thi ĐH trong thi HSG: "Đã thi thì phải công bằng, thi HSG là để phát hiện nhân tài thì không nên cộng điểm. Đối với những học sinh có khả năng, nếu hoàn cảnh có khó khăn thì nên cấp học bổng để có thể học lên cao chứ không nên "cấp điểm" như dự định".

N.Q

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.