Khi Việt Nam là một trong 7 quốc gia hấp dẫn nhất đối với các hãng bán lẻ...

13/11/2005 00:05 GMT+7

Trong 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đang trong giai đoạn chuyển mình ở châu Á, Trung và Đông u, Việt Nam cùng với 6 quốc gia khác là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên bang Nga, Rumani, Bungari được coi là 7 quốc gia hấp dẫn nhất đối với các hãng bán lẻ trên thế giới. Đó là kết quả điều tra của Công ty Nghiên cứu nhân lực và kiểm toán quốc tế (PWC).

Lý giải việc Việt Nam được xếp thứ hạng cao về hấp dẫn các hãng bán lẻ như trên, các chuyên gia đã đưa ra 6 nguyên nhân chủ yếu. Một, tuy GDP bình quân, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thuộc loại thấp so với nhu cầu tiêu dùng của dân cư, nhưng chính khoảng cách chênh lệch này là "chỗ trống" rất hấp dẫn để các hãng bán lẻ trên thế giới "nhòm ngó", vì đây là thị trường đầy tiềm năng hơn hẳn những thị trường tuy có thu nhập cao nhưng đã tương đối bão hòa.

Hai, tiềm năng trên càng thể hiện rõ khi GDP bình quân và mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang tăng nhanh. Nhu cầu của dân cư tăng lên không chỉ về số lượng, mà cả về chủng loại, mẫu mã, chất lượng hàng hóa, nhất là những loại hàng hóa mới lạ, chất lượng cao như hàng điện tử, công nghệ thông tin (máy tính, điện thoại di động, băng đĩa...), đang tiến nhanh từ xe máy sang ô tô... Một bộ phận dân cư còn có thu nhập tăng nhanh hơn, trong đó có một bộ phận rất sùng hàng ngoại, đặc biệt là “hàng đỉnh” của những hãng, những nước phát triển.

Ba, dân số Việt Nam khá đông, hiện đã lên đến trên 83 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, mỗi năm hiện vẫn còn tăng trên 1 triệu người. Quy mô dân số đông, cộng với nhu cầu đang tăng lên làm cho dung lượng thị trường lớn lên, là niềm mong ước của nhiều nhà đầu tư, nhiều công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, cũng như các hãng bán lẻ trên thế giới. Khách quốc tế đến Việt Nam ngày một đông; có chuyên gia đã dự đoán chẳng mấy năm nữa lượng khách có thể lên đến hàng chục triệu lượt người mỗi năm, trong đó có nhiều người còn xin lưu trú lâu dài do Việt Nam an bình hơn.

Bốn, phong cách bán hàng, quảng cáo, tiếp thị... ở Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với thời bao cấp nhưng cũng mới chỉ là bước đầu, hiện vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết. Giá cả không được niêm yết, tệ "nói thách" vẫn còn rất nặng. Cân, đo, đong, đếm không chuẩn xác nên người mua trả giá nào người bán cũng bán; không chỉ ở cái cân bán hàng ngoài chợ, ngoài đường, mà ngay cả những cái "cân" có vẻ khá hiện đại trong việc bán xăng dầu, bán điện..., tức là "cân điêu", còn khá phổ biến. Tình trạng hàng giả, hàng nhái còn phổ biến, làm cho người bán hàng thật không cạnh tranh được. Tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm còn khá nặng. Phong cách bán hàng vẫn mang nặng tính cách của người buôn bán nhỏ hoặc còn rơi rớt của thời kỳ bao cấp, tính văn minh hiện đại còn thấp... Trước tình hình trên, người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập cao sẽ rất ưa thích phong cách bán hàng của các hãng bán lẻ nước ngoài.

Năm, Việt Nam đang mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn với quốc tế theo lộ trình đã cam kết, nhất là sắp gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) với số thành viên lên tới 150 nước trên thế giới, với hàng rào phi thuế quan bị dỡ bỏ và hàng rào thuế quan hạ thấp mạnh, nhiều loại thuế suất chỉ còn bằng 0. Sự bảo hộ của Nhà nước sẽ giảm thiểu; ngay cả những mặt hàng mà trước đây đã bị những ngành, những doanh nghiệp lợi dụng độc quyền để bán với giá độc quyền nay có muốn độc quyền cũng rất khó.

Sáu, đứng đằng sau các đại diện bán hàng, các siêu thị, các hãng bán lẻ nước ngoài là các công ty, các tập đoàn lớn, có nguồn vốn khổng lồ, chi phí cho cơ sở vật chất, trang trí, quảng cáo, tiếp thị... rất lớn, trong nhiều trường hợp đã hạ giá hoặc đại hạ giá theo đúng quy luật cung - cầu của kinh tế thị trường.

Rõ ràng các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng và các nhà bán lẻ trong nước đang đứng trước thách thức sống còn. Muốn không mất thị trường, muốn không bị đào thải, các công ty của Việt Nam chỉ còn một cách duy nhất là vừa phát huy cho được lợi thế "sân nhà" vừa nâng cao sức cạnh tranh bằng cách học hỏi cung cách làm ăn tân tiến của người ta, dù thời gian đã quá muộn...

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.