Chia sẻ cùng những ước mơ (Kỳ 3)

02/12/2008 22:01 GMT+7

Kỳ 3: Mái ấm của những tài năng Có những đứa trẻ thiếu thốn về điều kiện sống, thiệt thòi về tình cảm, nhưng biết nỗ lực vươn lên, học rất giỏi; vẫn biết ước mơ, biết chia sẻ với những người xung quanh.

Khi chúng tôi đến thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị và hỏi đường đến Mái ấm Tình Hồng thì được chỉ đến đúng chỗ ngay. Người chỉ đường còn hào phóng khuyến mãi thêm một thông tin khá thú vị: "Tụi nhỏ ở chỗ mái ấm có tiếng học khá lắm đó chú".

Ông Mành - Phó giám đốc Trung tâm tự hào cho biết, sau hơn 11 năm hoạt động, ở trung tâm đã có rất nhiều em tốt nghiệp phổ thông và thậm chí đã vào được đại học. Hiện nay ở trung tâm có 21 em nữ và 9 em nam, tất cả đang đi học phổ thông và đa số đều đạt học lực loại khá giỏi.

Ông Mành nói thêm: "Ở đây thì em nào cũng khó khăn hết, có em thì mồ côi cha mẹ, có em thì cha mẹ ly hôn rồi bỏ rơi em, lại có em thì mẹ mất rồi bố đi lấy người khác bỏ rơi các em. Nhưng các em đều ý thức được hoàn cảnh của mình nên đều cố gắng học thật tốt. Chúng tôi luôn nói với các em rằng chúng tôi chỉ là người đi cùng các em qua giai đoạn khó khăn này, còn tiến được đến đâu là phải dựa vào ý chí, nghị lực của các em".

Hôm chúng tôi đến là vào ngày chủ nhật, trừ một vài em về thăm nhà thì các em nữ đang tập trung để học cắt may. Khi thấy chúng tôi bước vào, không ai bảo ai các em đều bỏ dụng cụ cắt may qua một bên và khoanh tay chào khách. Tôi hỏi chuyện em Nguyễn Thị Hạnh, 13 tuổi thì được cho biết bữa nay là bữa đầu tiên các em được học may, và em đang rất nóng lòng học để có thể nhận đồ về may, phụ giúp tiền thuốc thang cho mẹ đang bị ốm nằm liệt giường ở nhà.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, em nói: "Ước mơ đầu tiên của em là có thể học được đến ĐH, sau đó em muốn làm phóng viên để có thể viết về những mảnh đời khó khăn cũng như những tấm lòng nhân ái, chia sẻ của mọi người".

Ở trung tâm do chỉ có 9 em nam nên các em được bố trí ở chung một phòng với nhau. Lúc tôi đến thăm thì đã đến giờ cơm trưa nhưng các em vẫn chưa ăn dù đã nhận cơm và đồ ăn về dọn sẵn trên bàn. Em Nguyễn Bình, 10 tuổi, cho biết: "Chúng cháu đợi mấy anh đi học về rồi ăn chung luôn ạ". Bình cho biết em muốn lớn lên làm cầu thủ đá bóng giỏi để "đem cúp về cho Việt Nam".

Em Hoàng Hữu Đức, 12 tuổi thì lại có ước mơ thực tế hơn: "Cháu mong ước là ở Mái ấm có máy vi tính để bọn cháu có thể học thêm được ạ". Em Trần Văn Lương, nhỏ nhất phòng thì chỉ biết mơ có một chiếc xe đạp để có thể nhờ anh Bình chở đi học nhanh hơn vì bây giờ đi học hai anh em đi bộ xa quá.

Tham quan khu nhà ở của các em, chúng tôi càng hiểu thêm về cuộc sống đầy thân ái, biết yêu thương, quan tâm lẫn nhau. Cho dù là ở khu nam hay nữ thì phòng ốc đều được các em vệ sinh sạch sẽ, đồ đạc sắp xếp gọn gàng và trang trí bằng nhiều bức tranh ngộ nghĩnh.

Trước khi chia tay, ông Mành nói với chúng tôi: "Dung năm nay học lớp 10 và em ở Mái ấm này cùng với em ruột của mình. Em đang cố gắng để có thể thi đậu vào trường ĐH Ngoại thương hoặc ĐH Đà Nẵng. Thông thường theo quy định thì ở Mái ấm chỉ có thể nuôi dạy các em đến 16 tuổi, nhưng với các em có ý chí học tập như vậy thì Mái ấm sẽ cố gắng để lo cho các em học được đến hết lớp 12".

Dường như mỗi em nhỏ ở Mái ấm Tình Hồng đều hiểu rất sâu sắc sự quan tâm, chia sẻ, và giúp đỡ mà các thầy cô, các nhà hảo tâm đã và đang dành cho mình. Và sự biết ơn được gửi gắm rất rõ trong kết quả học tập của các em, trong bầu không khí chan hòa, đầm ấm của cuộc sống nơi đây; trong cả những ước mơ tốt đẹp để trở thành những con người có ích, đem kiến thức của mình để chia sẻ với cộng đồng, góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

Mai Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.