Sản phẩm đích thực

28/10/2009 00:10 GMT+7

Ngày 20.10 vừa qua, chàng thanh niên người Mỹ gốc Việt Hai Vo đã được trao giải Brower Youth Award, giải thưởng dành cho những người trẻ tuổi hoạt động vì môi trường và công bằng xã hội xuất sắc nhất nước Mỹ. Hai Vo nhận được giải thưởng danh giá này vì những nỗ lực không mệt mỏi trong việc kêu gọi mọi người sử dụng “thực phẩm đích thực”, tẩy chay các loại “thực phẩm không đích thực”.

“Thực phẩm đích thực”, theo diễn giải của Hai Vo, được tạo ra từ quy trình sản xuất tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, đảm bảo các giá trị đạo đức, chẳng hạn như không có tệ bóc lột trẻ em, không sử dụng hóa chất độc hại với môi trường… Một con gà tây, dù béo ngậy và vô cùng bổ dưỡng, nhưng xuất phát từ một nông trại bóc lột trẻ em, thì đó không thể là “thực phẩm đích thực”.

Chương trình của Hai Vo, ban đầu là một sáng kiến trên giảng đường tại Đại học California ở Urvine, đã lan tỏa ra khắp nước Mỹ và có một tác động xã hội vô cùng lớn.

Ở các nước tiên tiến, các nguyên tắc cơ bản để đánh giá một sản phẩm tốt luôn được quán triệt. Theo đó, một “sản phẩm đích thực” không chỉ phải tốt đối với người dùng nó, mà phải tốt đối với xã hội, đối với thế giới nói chung. Nhiều nước u - Mỹ đã có luật cấm nhập khẩu sản phẩm đến từ các nhà máy bóc lột lao động trẻ em hoặc những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Bởi theo họ, đó là những sản phẩm không tốt, cho dù việc bóc lột trẻ em hay gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở đâu đó tận châu Á, châu Phi cách họ hàng ngàn dặm. Một số tập đoàn lớn của châu u từng bị kiện tụng, bị tẩy chay vì đã sử dụng nguồn hàng từ các nhà máy “không tốt” như trên.

Tại Việt Nam, sự kiện Công ty Vedan gây ô nhiễm nặng nề sông Thị Vải, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, tận diệt cỏ cây muông thú đã được nhân dân, báo đài phản ánh, các cơ quan chức năng kiểm tra và xác nhận. Thế nên, việc Vedan nhận được giải thưởng “Sản phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng 2009” của cơ quan đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) tại TP.HCM và Trung tâm Tư vấn phát triển thương hiệu và chất lượng TP.HCM (Natusi) đã khiến dư luận từ băn khoăn, khó hiểu, tới bất bình, phản đối.

Trả lời Báo Người Lao Động ngày 27.10, Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân giải thích: “Đây không phải là chứng nhận cho doanh nghiệp mà cho sản phẩm cụ thể. Nếu một công ty nào đó giám đốc tham nhũng chẳng hạn mà công ty làm ra sản phẩm xã hội chấp nhận thì mình cũng phải công nhận. Sản phẩm của Công ty Vedan không có tội. Quy trình, công nghệ sản xuất gây ô nhiễm chứ người ăn sản phẩm ấy thì không sao”.

Giải thích như trên từ một quan chức Bộ KH-CN là chưa thỏa đáng. Nếu những gì Thứ trưởng Nguyễn Quân phát biểu là nguyên tắc, là thước đo của cơ quan chức năng trong việc đánh giá chất lượng sản phẩm ở nước ta thì cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc.

Như đã nhấn mạnh ở trên, một sản phẩm tốt, không chỉ phải tốt đối với người làm ra nó, đối với người dùng nó, mà phải tốt cho toàn xã hội. Trên cơ sở đó, việc trao giải cho sản phẩm được tạo ra từ quy trình sản xuất không an toàn đối với xã hội như Vedan là một quyết định thiếu cân nhắc, có thể dẫn đến ngộ nhận và quan niệm lệch lạc về chất lượng sản phẩm.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.