TP.HCM: Biến khu đô thị cảng Hiệp Phước thành đặc khu kinh tế

24/05/2014 17:31 GMT+7

(TNO) Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhấn mạnh, các cơ quan cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) nhằm biến nơi đây thành đặc khu kinh tế về cảng biển.

(TNO) Ngày 24.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân có buổi làm việc với các sở, ngành để nghe báo cáo về tình hình nạo vét luồng Soài Rạp, phục vụ các tàu trọng tải lớn ra vào các cảng khu đô thị cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Ông Quân nhấn mạnh, các cơ quan đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu đô thị nhằm biến nơi đây thành đặc khu kinh tế.

Trở thành đặc khu kinh tế
Ông Lê Hoàng Quân (thứ ba từ trái sang) đi kiểm tra thực tế tiến độ xây dựng hạ tầng khu đô thị cảng Hiệp Phước - Ảnh: Đình Sơn

Theo ông Lê Hồng Minh, Giám đốc Ban quản lý Dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), qua gần 14 tháng thực hiện, khối lượng nạo vét đạt khoảng 12,4 triệu m3, đạt hơn 99% kế hoạch đề ra. Nhà thầu hoàn thành cơ bản công tác nạo vét và vượt tiến độ khoảng thời gian hơn hai tuần. Tổng mức đầu tư dự án là 2.797,97 tỉ đồng. Dự kiến cuối tháng 6.2014, luồng Soài Rạp sẽ hoàn công và chính thức đưa vào sử dụng, đồng thời tiến hành công bố luồng hàng hải Soài Rạp.

Sông Soài Rạp có chiều rộng luồng tàu ở thượng lưu là 120 - 200 m và hạ lưu là 160 m, thừa khả năng đón tàu 50.000 tấn đầy tải và tàu container 5.000 TEU ra vào cảng container trung tâm Sài Gòn (SPCT) và các cảng ở khu vực Cát Lái một cách dễ dàng.

Theo ông Quân, dự án nạo vét luồng Soài Rạp hoàn thành sẽ góp vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố, nâng cao hiệu quả của hệ thống giao thông phía nam, kết nối các cảng, đường bộ, tuyến metro… Đây cũng là vùng trọng điểm trong việc trung chuyển hàng hóa cho các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên… với những địa phương khác và xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế.

Để đảm bảo phát huy hiệu quả kinh tế của luồng Soài Rạp và các công trình liên quan, ông Lê Hoàng Quân yêu cầu Ban quản lý Dự án cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền của ba huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ và quận 7 thực hiện công tác quản lý chặt chẽ với những giải pháp khai thác và sử dụng phù hợp. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần nhanh chóng đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng gắn kết với các khu đô thị vệ tinh.

Liên quan đến việc cảng Sài Gòn - Hiệp Phước xây rồi mà không có đường, trong đó có một đoạn đường nối vào, ông Quân cho biết mấy năm nay, lãnh đạo thành phố đã làm hết sức mình, luồng Soài Rạp đã hoàn thành việc nạo vét. Bởi luồng Soài Rạp mở ra hướng phát triển hàng hải rất quan trọng, đây là một trong những thế mạnh của thành phố. Riêng đối với tuyến đường dẫn vào cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, hiện nay thành phố đã chấp thuận cho chủ đầu tư xây dựng bằng hình thức BT.

Hiện khu vực này có ba cảng gồm: cảng SPCT, Sài Gòn - Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, với khoảng 190 ha và đến nay mới khai thác khoảng 900 m cầu cảng. Tất cả các cảng hiện đang trong quá trình đầu tư hoàn thiện để đi vào hoạt động vào năm 2015 nhưng nếu không chuẩn bị hạ tầng kết nối sẽ khó thu hút hàng hóa cập cảng. Khi luồng Soài Rạp, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho khu nam thành phố phát triển.

“Hướng này có 7,5 km cảng là cơ sở hạ tầng quan trọng. Đây là khu vực cảng quan trọng, sản lượng hàng hóa sẽ đạt 150 - 200 triệu tấn. Do đó, nó sẽ là trọng tâm của cảng biển phía nam, là nơi trung chuyển hàng hóa đi các nơi, các nước xung quanh chứ không chỉ hàng hóa trong nước. Nên phải tập trung hoàn thiện hệ thống cảng, dịch vụ logictic phải hoàn chỉnh gắn với tổng thể khu đô thị cảng Hiệp Phước, biến nơi đây thành đặc khu kinh tế về cảng biển để cạnh tranh với các nước trong khu vực chứ không chỉ là cảng không”, ông Quân nhấn mạnh.

Đình Sơn

>> Đẩy nhanh tiến độ dự án khu đô thị Cảng Hiệp Phước
>> 250.000 dân sống trong khu đô thị Cảng Hiệp Phước
>> Khu đô thị cảng Hiệp Phước, TP.HCM: Cửa ngõ phía nam thành phố

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.