Cạnh tranh và tranh thủ

09/12/2007 23:07 GMT+7

Tập đoàn EADS của châu u vừa bị Ấn Độ hủy bỏ một hợp đồng cung cấp 197 máy bay trực thăng đã thắng thầu hồi tháng 2 năm nay, trị giá 600 triệu USD. Nỗi ấm ức của EADS ở chỗ trong khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ nêu lý do hủy hợp đồng này là do EADS đã đưa loại máy bay lên thẳng khác đến bay thử chứ không phải loại Ấn Độ đặt mua cho dù chúng chẳng khác gì nhau - ngoài được hay không được lắp đặt các hệ thống vũ khí thì đối thủ cạnh tranh của EADS là Tập đoàn Bell của Mỹ cũng đưa hàng khác đến thử thì không bị chê trách gì. Cái đau của EADS có thể còn thấm sâu hơn vì sang năm Ấn Độ đặt mua 128 máy bay chiến đấu phản lực trị giá 10 tỉ USD mà cứ như thế này thì EADS khó lòng có thể cạnh tranh được với các tập đoàn như Boeing hay Lockheeds của Mỹ. Đơn giản vì tuy có đấu thầu, có cạnh tranh, nhưng xem ra Ấn Độ cần tranh thủ Mỹ hơn châu u.

Trong buôn bán vũ khí quốc tế, đấu thầu chỉ trên danh nghĩa, cạnh tranh chỉ để nói cho hay, hối lộ và tham nhũng vốn rất phổ biến, vận động hành lang và áp lực chính trị không thể thiếu. EADS có cay cú và châu u có bực bội cho rằng Ấn Độ chịu áp lực của Mỹ thì cũng chẳng thể làm gì được. Những hợp đồng cung ứng vũ khí ở mức độ như vậy, nhất là lại với một đối tác chiến lược như Ấn Độ, là bộ phận rất quan trọng của mối quan hệ hợp tác quân sự và an ninh của nước bán vũ khí với Ấn Độ mà ở phương diện này thì châu u còn tụt hậu rất xa so với Mỹ. Thiết bị chiến tranh của EADS được công nhận là tốt, nhưng hàng của Mỹ đâu cũng có kém - khi ấy đương nhiên mức độ quan hệ chính trị và an ninh, quân sự làm "nặng đồng cân". Ngược lại, cứ nhìn vào mức độ buôn bán vũ khí song phương cũng đủ thấy mức độ quan hệ chính trị, an ninh và quân sự giữa các đối tác. EADS và châu u cũng chẳng đã thua Mỹ trong các phi vụ tương tự ở Nhật Bản và Hàn Quốc đó sao. Về phương diện này, cạnh tranh là cần thiết, nhưng tranh thủ mới là tác nhân quyết định.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.