Phận người bên con rạch Ụ Cây - Kỳ 2: Xóm nghèo, nghèo mãi!

28/09/2007 11:20 GMT+7

(TNO) Trời chưa sáng tỏ, những bếp lửa than rực đỏ đã được đặt trong quang gánh, những chiếc xe lôi cũ rích, những chiếc ba gác, xe đạp cà tàng lần lượt “xuất bến” đưa những con người lầm lũi trong xóm đi khắp các ngõ ngách Sài Gòn tìm kế sinh nhai… Tối đến, họ lại trở về dưới hơn trăm mái nhà xập xệ, nằm nép mình bên con rạch Ụ Cây đang chết dần, chết mòn do ô nhiễm… Đã bao năm, bao đời mà cái nghèo vẫn cứ dai dẳng bám lấy xóm nhỏ này.

Đong gạo từng bữa

Đường vào xóm ngập rác và bốc mùi xú uế nồng nặc - hậu quả của những chất thải đủ loại của hàng trăm hộ nơi đây và hàng hàng ngàn con người ngày ngày lăn lộn kiếm sống ở  ngôi chợ Ba Đình (xóm bộ lạc, nằm ngay phía sau ngôi chợ). Anh Nguyễn Minh Phương (tổ trưởng tổ 83, khu phố 5, phường 9, quận 8- nơi có Xóm bộ lạc) cho biết: “Xóm là một tập hợp của 100 hộ gia đình chuyên nghề  làm  thuê , làm  mướn  kiếm  sống. Ở  đây, mọi thứ đều tạm bợ, vì thế chuyện sinh hoạt thường nhật có quá nhiều trở ngại. Nhưng với nhiều người đã quen sống nơi này thì không có gì là đáng phải bận tâm!”

Bà L – một cư dân trong xóm, chuyên nghề giúp việc vặt cho các tiểu thương ở chợ Ba Đình, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà (thực ra là một cái chòi, được dựng tạm bợ) bên trong không hề có bất cứ một thứ tiện nghi nào ngoài mấy cái ghế nhựa sứt mẻ, mấy cái nồi nhôm cáu bẩn, dăm cái chậu  méo mó... Bà L., cho biết: “Mỗi ngôi nhà ở đây gắn với với thân phận dăm ba con người làm thuê, làm mướn, mong kiếm vài đồng lẻ đong gạo từng ngày...”.


Ở xóm nghèo này những căn nhà bốn bề bằng tôn cũ chiếm đa số - (Ảnh: Đ.T)

Ông H, một trong những dân nhập cư tròm trèm 20 năm ở Xóm bộ lạc, cũng là người có thâm niên trong việc chuyên đong gạo từng bữa, kể: “Trước đây, nhà tôi ở dưới Vĩnh Long cũng có  vài ba công ruộng, cuộc sống tuy không dư, nhưng  cũng sống được. Thế rồi, đến  giữa những năm 80, bà  nhà tôi mắc bệnh nan y, bán hết đất mà vẫn không thể cứu chữa được. Không còn mảnh đất cắm dùi, 5 cha con phải chèo ghe ngược xuôi để mua bán phế liệu kiếm sống qua ngày. Rồi một ngày nọ đến nơi này để nương thân tiếp tục phận làm thuê, đong gạo từng bữa...”.

Góp nhiều cư dân nhất có lẽ là những người dân ngèo của các khu vùng ven Sài Gòn – Gia Định xưa, những người trước đây chuyên nghề xẻ cây cho các xưởng cưa. Ông Sáu T., một trong những “bô lão” trong xóm, là một trong số đó. Năm nay đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy. Hồi trước giải phóng, ông có 8 người con, 3 người con trai lớn theo ông đến con rạch Ụ Cây, mưu sinh bằng nghề cưa cây.

Ngồi nhấm nháp ly đế Gò Đen với vài ba con cá cơm khô trong căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 bên bờ con rạch Ụ Cây đang ô nhiễm nặng từng ngày, ông Sáu T. kể: “Hồi đó, dưới quê bị mấy chủ điền ép quá, tôi chịu không nổi, đành dắt 3 thằng con trai lớn lưu lạc lên Gia Định kiếm sống. Tuy có cực khổ đôi chút, nhưng vẫn sướng hơn cuộc đời tá điền ở miệt Cà Mau…”.


Xích lô - Phương tiện kiếm sống chủ yếu của nhiều gia đình trong xóm - Ảnh: Đ.T

Theo ông Sáu T., nhọc nhằn trên bước mưu sinh là điều không đáng để cư dân xóm này phải bận tâm nhiều, bản thân ông hơn 30 năm làm thuê, làm mướn, đong gạo từng bữa vẫn không ngại. Nhưng  với  thân phận của những con người nghèo khổ, học vấn thấp không tránh khỏi bị người ta nhìn bằng ánh mắt khinh thường.

Những đứa trẻ không khai sinh

Cả xóm có hàng chục đứa trẻ trong độ tuổi đến trường, nhưng đa phần không hề biết mặt chữ. Vì hàng ngày, chúng phải thức dậy từ rất sớm, đứa theo mẹ bán  vé  số, đứa theo cha hành nghề mua ve chai, đứa ra chợ coi ai sai gì làm nấy … Thằng bé đen như nhọ nồi đứng trước mặt chúng tôi có tên là Hùng. Năm nay Hùng chưa đầy 11 tuổi, người cứ quắt queo như que củi khô. Nghe anh Phương, tổ  trưởng tổ dân phố nơi đây nói rằng, tất cả những đứa trẻ ở đây đều không đi học và hầu hết không có giấy khai sinh. Cha mẹ các em không hề quan tâm đến việc khai sinh cho con. Họ chỉ những mong các em khoẻ mạnh để lao động tự kiếm sống.

Thêm vào đó, trẻ em nơi đây đa phần đều suy dinh dưỡng và mắc nhiều bệnh tật, bởi nguồn thức ăn cung cấp cho chúng chỉ đơn thuần là những món ăn đạm bạc, thỉnh thoảng cha mẹ hay bản thân bọn trẻ “trúng mánh” mới mong được một bữa ngon.


Dù còn bé tí nhưng trẻ em trong xóm đã phải phụ giúp gia đình mưu sinh - Ảnh: Đ.T

Hùng chưa một lần được cắp sách đến trường, nhưng lại là lao động chính của gia đình. Cha Hùng qua đời khi em đang nằm nôi, mẹ thì bệnh tật kéo dai. Hằng ngày, nó dậy rất sớm, đi bán vé số, khắp các ngõ ngách quận 5, quận 8. Hùng tâm sự: “Không phải em không muốn đi học mà là có muốn đi học cũng không xong, bởi nghèo và bởi tới nay em vẫn chưa có giấy khai sinh…”.

Theo anh Phương, ở Xóm bộ lạc này, những đứa trẻ đang trong độ tuổi đến trường được đi học chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Ở đây em nào học đến cấp 2 được coi là học cao rồi. Chính  vì niềm  hy vọng  vào  thế  hệ  mai sau không có, cho nên những đứa trẻ trong Xóm bộ lạc cũng đang từng ngày, từng giờ lặp lại cái vòng luẩn quẩn của cha mẹ chúng, với phận làm thuê và cảnh “đong gạo từng bữa”

Có thể nói, bao đời nay cái khổ về con chữ cũng là một trong những nguyên nhân ghìm chặt người dân nơi đây trong cái đói, cái nghèo, cái thân phận đi làm thuê. Cũng đã nhiều lần trai gái  trong xóm  quyết  tâm tìm  một  tương lai tươi sáng  hơn, nhưng do không biết chữ nên đành chào thua. Còn những ai cố đổi đời bằng mọi cách thì lại bị cuốn vào con đường tệ nạn.

* Phận người bên con rạch Ụ Cây - Kỳ 1: “Xóm bộ lạc”
* Phận người bên con rạch Ụ Cây - Kỳ 2: Xóm nghèo, nghèo mãi!

(còn tiếp)

Đỗ Thông - Ngọc Hậu

Kỳ 3: Khi cơn lốc tệ nạn ùa qua

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.