Thư bạn đọc tuần qua (3-9/10)

10/10/2006 16:35 GMT+7

Chỉ trong một buổi sáng (7/10), 19 sinh mạng đã bị cướp đi khi con đò trên bến Chôm Lôm (Nghệ An) bị đắm. Tất cả còn quá trẻ - đều đang là học sinh phổ thông. Thật quá đau lòng! Chia sẻ nỗi đau với thân nhân của các em, với một vùng đất còn nhiều nghèo khó của tỉnh Nghệ An là ý nguyện chung của rất nhiều bạn đọc Thanh Niên. Cũng từ tai nạn thương tâm này, người dân đặt ra nhiều vấn đề:

langbiang <lonestar1042001@yahoo.com>: "Nghệ An là một tỉnh rộng và nghèo, nên công việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên không thể vì thế mà nói rằng trong vụ tai nạn đắm đò ở bến Chôm Lôm, lãnh đạo và các cơ quan chức năng không có trách nhiệm. Hàng năm, thì theo tôi được biết số tiền mà tỉnh đầu tư cho xây dưng cơ sở hạ tầng là không nhỏ. Tuy nhiên số tiên này chủ yếu đầu tư cho đồng bằng, thanh phố Vinh, còn các huyện miền núi thì chưa được quan tâm nhiều. Nếu bến Chôm Lôm có một cây cầu thì tai nạn trên liệu có xảy ra? Người lái đò đương nhiên phải có trách nhiệm trong sự việc này. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến hoàn cảnh chung của người dân nơi đây: họ quá nghèo khó. Đây cần được xem là một bài học xương máu cho nhưng người làm quản lý. Hy vọng các cơ quan chức năng sớm có biện pháp làm yên lòng người dân".

Hoàng Tính (ĐT: 0350871022): "Đã bao lần nghe những tin đau lòng từ việc chìm đò, tôi muốn kêu gọi học sinh, giáo viên trong cả nước và cả những tấm lòng hảo tâm hãy đóng góp, mỗi người một ít, tùy theo sức của mình, giúp đỡ Lạng Khê, Con Cuông xây một cây câu. Nếu được như thế, các em học sinh ở Lạng Khê không còn nơm nớp lo sợ sẽ còn có chuyện chẳng lành. Nếu có thể, ngành giáo dục nên phát động phong trào giúp đỡ này để các trường trong cả nước tiến hành quyên góp, giúp đỡ các em nơi đây, đỡ đi phần nào nỗi khó khăn"

Vũ Thị Hoàng Anh (15 Quang Trung, Đà Nẵng): "Từ nhiều năm nay, chúng ta từng nghe nhiều về các tai nạn thương tâm đối với các em học siịnh. Tại sao cho đến giờ chúng ta vẫn không có các biện pháp đề phòng các tai nạn? Ngoài việc đảm bảo an toàn giao thông đối với các phương tiện chuyên chở, nên có các biện pháp giúp các em học sinh đề phòng tai nạn sông nước như:
- Giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đường thủy;
- Dạy bơi và cách đối phó khi tai nạn xảy ra;
- Trang bị áo phao cho các em học sinh v.v...".

Từ tai nạn thương tâm do điện xảy ra ở TP.HCM, bạn Lê Vinh Quang (6B Tú Xương, Q.3, TP.HCM) muốn qua Thanh Niên chuyển đến ban ngành chức năng ý kiến về các biện pháp đề phòng cho người dân: "Thật ra theo tôi được biết thì đây chưa phải là trường hợp đầu tiên trong sự cố về ngành điện mà người dân phải gánh chịu. Thêm một cái chết thương tâm này nữa, ngành điện chúng ta nên nhìn nhận và kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện hiện nay. Nếu trước mắt chưa thể chuyển âm toàn bộ hệ thống điện thì cũng phải xây dựng một hành lang bảo vệ bên dưới để nếu có xảy ra đứt dây rớt xuống trong điều kiện chưa ngắt điện kịp thời thì vẫn an toàn cho người qua lại. Về lâu dài, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan phụ trách thi công các lĩnh vực liên quan đến cơ sở hạ tầng (như đường sá, điện thoại, cấp thoát nước, cây xanh v.v...) nhằm tránh tình trạng trên cùng một đoạn đường, đơn vị này vừa hoàn tất lại có đơn vị khác thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến lưu thông cũng như chất lượng công trình, và lãng phí tiền của nữa".

Xung quanh câu chuyện về căn nhà số 6 Lý Thái Tổ (Hà Nội) - vốn là công sở của Ngân hàng Nhà nước, rồi thành nhà riêng của Thống đốc Ngân hàng Lê Đức Thúy, nay đã được ông Thúy trả lại cho Nhà nước - có rất nhiều dư luận. Nhiều người tỏ ý hoan nghênh tinh thần "hợp tác" của ông Lê Đức Thúy qua hành vi xin trả lại nhà. Tuy nhiên, rất nhiều người cho rằng việc trả lại nhà không có ý nghĩa gì vì hành vi này diễn ra sau khi báo chí đã phanh phui sự việc. Về mặt pháp luật, quy trình nhận - trả nhà đúng sai thế nào sẽ được phân định sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, và nói gì thì nói, người dân vẫn tin tưởng vào luật pháp. Tuy nhiên, cũng từ những chi tiết xung quanh câu chuyện này, người dân lại đặt ra một vấn đề khác - một công chức nhà nước như ông Lê Đức Thúy, sẽ phải tích lũy bao lâu để có số tiền 2 tỉ đồng để sửa lại căn nhà - từ 2 tầng ọp ẹp trở thành 5 tầng hiện đại với đầy đủ tiện nghi và có cả thang máy. Chung nội dung này là thư của các bạn đọc ký tên: Thanh Binh <binh126@yahoo.com>; Nguyễn Công Bằng <Qualyas@yahoo.com>; Hòang Hải (Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM); Diep Tuan Anh (Thống Nhất, P.11, Q.Gò Vấp, TP.HCM); Thanh Hai <suviva4767@yahoo.com.vn>; Nguyễn Thành Thuỷ <firstdeluge@yahoo.com.vn>; Vũ Huy Thanh (Nguyễn Phi Khanh, Q.1, TP.HCM); Nguyễn Quoc Oai (Nguyễn Trãi, Phan Thiết, Bình Thuận); Nguyễn Huy Mẫn (An Giang); Quốc Duy <quocduy80@doramail.com>;...

Thời gian vừa qua, người dân liên tục phát hiện các lỗi trên các tờ tiền polymer. Lòng dân không yên. Những giải thích từ phía cá nhân và cơ quan chức năng lại càng làm lung lay lòng tin của người dân:

Nguyễn Trung Hải <ha?nt956@yahoo.com.vn>: "Hiện nay hiện tượng các dự án đầu tư có giá trị kinh tế lớn - nhưng khi đưa vào thực hiện thì hoặc là không khả thi hoặc không hiệu quả - quá nhiều. Thiệt hại về kinh tế cho ngân sách nhà nước, thiệt hại về lòng tin của người dân vào bộ máy quản lý đã quá lớn. Theo tôi, để ngăn chặn nó chỉ có cách phải kỷ luật thật nặng những người đề xuất và người phê duyệt các dự án đó. Họ, hoặc không đủ khả năng đánh giá, nhận định; hoặc vì mục đích trục lợi cá nhân - cả hai đều không xứng đáng ở vị trí quản lý. Đồng tiền của một quốc gia đưa ra lưu hành mà làm dân không yên thì làm sao ổn định được giá cả! Các hệ lụy theo nó là quá lớn. Tôi lương có 1,5 triệu/tháng, không may gặp phải một tờ 500 ngàn kém chất lượng thì làm sao mà sống đây? Sống mà hồi hộp kiểu này thì sống làm sao?".

Minh Luân <nmluan@angiang.gov.vn>: "Tiền polymer, sau một thời gian lưu thông đã thấy rõ nhiều nhược điểm. Điều tôi muốn nói thêm ở đây là việc phát hành những loại tiền giấy có mệnh giá cao như tờ 500.000đ và 200.000đ. Đối với một số đối tượng thì mệnh giá này không bao nhiêu nhưng đối với phần lớn người dân VN thì đó là cả gia tài. Ở nông thôn, người dân không có nhiều hiểu biết về cách phân biệt tiền giả tiền thật nên thường là đối tượng để bọn tội phạm đưa tiền giả vào tiêu thụ. Tuyên truyền cách nhận biết tiền thật - giả là rất cần thiết. Nhưng việc xử lý tiền giả như thế nào thì chưa thấy nói đến. Như đã nói, với nhiều người, tờ 500.000 đồng là cả một gia tài, nếu lỡ bị gạt thì phần lớn người dân chỉ biết tìm cách tống nó cho người khác. Hậu quả thế nào thì chắc những nhà kinh tế biết rõ. Vì thế, tôi nghĩ đối với các đồng tiền mệnh giá cao chỉ nên dành cho các ngân hàng thương mại phát hành dưới dạng tín phiếu có giá trị lưu thông (do ngân hành đó chịu trách nhiệm) thì hay hơn".

Lý Xuân Hoàng (Quy Nhơn, Bình Định): "Tôi cho rằng an ninh kinh tế của quốc gia đang bị đe dọa khi chúng ta cho lưu hành đồng tiền kém chất lượng, dễ làm giả như vậy. Chính phủ cần phải có hành động nhanh lẹ trước sự cố này".

Nguyễn Hoàng Hải <benemdoianhvui@yahoo.com>: "Tiền Polymer khi lưu hành đã bộc lộ nhiều khuyết điểm. Tôi cho đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng và phải điều tra, xem xét vụ việc một cách kỹ càng vì nó liên quan đến an ninh tiền tệ, đến bộ mặt của đất nước. Phải xem xét trách nhiệm của các cá nhân có liên quan đến sự việc tồi tệ này!".

Trọng Nghĩa <trongnghia@yahoo.com.vn>: "Tiền là lịch sử, là văn hóa dân tộc. Nhìn vào đồng tiền trong các bộ sưu tập tiền, điều đầu tiên ngưòi ta quan tâm đến là niên đại của đồng tiền, năm phát hành của đồng tiền. Vậy căn cứ vào đâu ông Thúy đưa ra loại tiền không ghi năm phát hành? Đánh giá về tiền phải bằng những chỉ tiêu về kỹ thuật chuyên ngành, bảo mật, lưu thông chứ sao có thể chỉ dùng một chữ "đẹp" để chống chế cho những lỗi kỹ thuật nghiêm trọng? Ngoài giá trị vật chất, giá trị văn hóa, lịch sử và chính trị của đồng tiền là vô cùng lớn. Nhân dân không cho phép những người được giao trọng trách mà lại làm ra những đồng tiền cẩu thả, sai sót như vậy. Cần phải xử lý người chịu trách nhiệm vì vấn đề tiền sản xuất sai sót liên quan đến những khoản kinh phí khổng lồ để sản xuất phát hành, đó là vấn đề rất nghiêm trọng!".

Tuần qua, báo chí đã đưa tin về một vụ việc hết sức đau lòng ở Kiên Giang: Một cảnh sát hiếp dâm nữ sinh lớp 10. Đau lòng, không chỉ với người bị hại, mà còn với cả ngành cảnh sát, nơi con người có hành vi đồi bại kia đang công tác. Dư luận hết sức bất bình về vụ này:

"Tôi xin thay mặt tất cả những ai đọc bài báo này gửi đến quý cơ quan pháp luật đang xử lý vụ án này một kiến nghị: cần có một hình phạt nghiêm khắc cho những kẻ gây ra vụ việc trên". (Thuy Hanh - tien_hanh@yahoo.com)

"Đọc tin này, tôi bàng hoàng và phẫn nộ vì hành vi quá ư ghê tởm của một kẻ mang danh cảnh sát khu vực. Nhân dân còn biết dựa vào ai khi chính những kẻ khoác áo công quyền đã mượn danh nghĩa làm bậy? Không thể chấp nhận hành vi đồi bại này với tư cách một công dân bình thường chứ chưa nói đến đây lại là một người khoác sắc phục Cảnh sát Nhân dân. Hành vi này phải được xét xử công khai với mức án cao nhất vì không đơn thuần là tội danh "hiếp dâm" mà còn là tội làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của ngành". (Trần Nam - 2 Nguyễn Huệ, TP Quy Nhơn, Bình Định)

"Tôi rất bất bình trước vụ việc này. Tôi cảm thông chia sẻ nỗi đau mà cô bé phải chịu. Cần phải có hình phạt thích đáng dành cho những con người được học hành, đào tạo mà lại hành động đồi bại như vậy, hủy hoại cuộc đời của một cô bé. Việc xử lý không mang lại trinh tiết cho cô bé nữa nhưng cũng an ủi cô và không làm ảnh hưởng xấu cho lực lượng công an tỉnh Kiên Giang nói riêng và ngành công an nói chung". (Võ Thị Kim Trâm - Hoài Nhơn, Bình Định)

"Tội hiếp dâm là một trong tội cần nghiêm xử, dù cho đó là một tên côn đồ mạt cấp hay một quan chức. Càng cần xử nghiêm khắc hơn khi kẻ thực hiện hành vi này đã lợi dụng quyền hạn khi đang làm nhiệm vụ. Ngoài ra, kẻ đã nhận của y 50.000 đồng để im lặng cho y tiếp tục phạm pháp cũng không thể đứng ngoài cuộc. Nhân đây tôi cũng xin bày tỏ lòng cảm phục đối với em P., đã là một công dân có trách nhiệm khi dám dứng ra tố cáo kẻ lợi dụng chức quyền để phạm pháp". (Nguoi dan - nguoidan@hotmail.com)
 
"Chúng ta cần phải loại bỏ những thành phần không ra gì trong bộ máy công quyền hiện nay: công an sai phạm mà còn dùng tiền và cả tòa án cùng Hội LHPN vào cuộc để hòng làm làm sai lệch lời khai ban đầu thì tòa án và Hội LHPN bênh vực cho ai ? Đây có được xem là một vụ "chạy án"? Các cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào đây?". (Thi Nghe - thinghe2000@yahoo.com)

"Tôi tin vào công lý, tin rằng pháp luật sẽ xử rất công minh. Tuy nhiên nếu cần thiết phải làm rõ trách nhiệm của một số người có liên quan, nếu đến mức phải truy tố thì cũng cần kiên quyết, dù người ấy là ai. Một số dấu hỏi cần đặt ra:
1/ Người phụ nữ (xuất hiện bên ngoài phòng và hỏi vọng vào "có chuyện gì vậy?" và sau khi nhận tiền xong làm ngơ). Có thể người này là chủ nhà trọ. Và có thể tên Đạo đã từng chọn địa chỉ nhà trọ này để làm “bãi đáp” nên người này đã quá quen. Có thể nơi này từng chứa gái mại dâm?
2/ Ông Phạm Quang Triều - Chủ tịch xã Mỹ Hiệp Sơn - đã biết tên Đạo phạm tội mà còn cố tình dàn xếp như vậy đã có dấu hiệu che giấu tội phạm?
3/ Bà Bùi Hồng Ánh - Viện phó Viện KSND tỉnh Kiên Giang, đã ký quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn để thả Đạo mà không thông qua ý kiến của ông Trần Ngọc Hải Viện trưởng Viện KSND tỉnh Kiên Giang và không hề bàn bạc với cơ quan điều tra?". (Đỗ Sĩ Hiệp - Mậu Thân, Xuân Khánh, Cần Thơ)

TNO cảm ơn sự quan tâm và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.