5 trục dọc đường bộ về miền Tây

17/10/2008 23:24 GMT+7

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Ngô Thịnh Đức cho biết, hệ thống đường bộ khu vực Tây Nam Bộ có 5 trục dọc với tổng quy mô khoảng 16-18 làn xe.

Quốc lộ (QL) 1 từ TP.HCM đến Năm Căn (Cà Mau) là tuyến thứ nhất xuyên suốt miền Tây Nam Bộ. Trên QL1, cầu Cần Thơ và sắp tới là cầu Đầm Cùng (Cà Mau) là 2 chiếc cầu cuối cùng được đầu tư xây dựng, để từ TP.HCM đến Năm Căn không còn phải qua phà.

Tuyến thứ hai là đường cao tốc phía đông, từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, là đoạn tuyến nằm trong tổng thể trục đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Đoạn đầu tiên TP.HCM - Trung Lương đang được xây dựng, dự kiến một phần đường sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Đoạn tiếp theo Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được Bộ GTVT phê duyệt đề xuất dự án, trong giai đoạn trước mắt cầu vượt sông Tiền sẽ đi chung với cầu Mỹ Thuận và vượt sông Hậu sẽ đi chung với cầu Cần Thơ. Đoạn Cần Thơ - Cà Mau đi theo hướng tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp. Hai tuyến đường nêu trên phục vụ khai thác chủ yếu vùng lõi của đồng bằng sông Cửu Long.

Tuyến thứ ba là đường Hồ Chí Minh, từ phía Bắc đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), qua Tây Ninh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau và kết thúc tại Đất Mũi, trong đó đoạn Chơn Thành - Vĩnh Thuận (Kiên Giang) được xác định là đường cao tốc. Bộ GTVT hiện nay đã đầu tư xong đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa (Long An) và đang triển khai đầu tư các đoạn: Chơn Thành - Đức Hòa, Thạnh Hóa - Mỹ An, Mỹ An - Vàm Cống và Năm Căn - Đất Mũi. Đối với cầu Cao Lãnh (sông Tiền) và Vàm Cống (sông Hậu), Chính phủ và các Bộ đang xúc tiến đầu tư, trong đó đàm phán vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để đầu tư cầu Vàm Cống và vốn của Chính phủ Australia để đầu tư cầu Cao Lãnh, cố gắng khởi công khoảng năm 2010 và hoàn thành vào năm 2015. Hiện nay, ADB đã đồng ý hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu dự án khả thi 2 chiếc cầu này. Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) cũng đã đồng ý cung cấp tài chính cho dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi nối từ cầu Vàm Cống đến Rạch Giá và nối với tuyến tránh Rạch Giá thuộc hành lang ven biển phía Nam. Như vậy, toàn tuyến thứ 3 này sẽ khai thác vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Hà Tiên - Kiên Giang và bán đảo Cà Mau.

Tuyến thứ tư là trục dọc ven biển phía Đông, gồm QL50 từ TP.HCM - Long An, kết thúc tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và QL60 nối từ Tiền Giang qua cầu Rạch Miễu đến Bến Tre, qua phà Cổ Chiên đến Trà Vinh và phà Đại Ngãi đến Sóc Trăng. Tuyến này khai thác toàn bộ vùng phụ cận TP.HCM, duyên hải Nam Bộ và vùng Nam Măng Thít. Hiện QL50 được chuẩn bị khởi công mở rộng, nâng cấp, đồng thời xây dựng cầu Mỹ Lợi (sông Vàm Cỏ). Cầu Rạch Miễu (sông Tiền) sẽ hoàn thành vào đầu năm 2009; cầu Hàm Luông dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010; phà Cổ Chiên đã được đầu tư xong, đang khai thác; phà Đại Ngãi đang được đầu tư. Bộ GTVT cũng tính đến việc đầu tư xây dựng 2 chiếc cầu Cổ Chiên và Đại Ngãi khi ngân sách cho phép, để nối thông vùng Nam Măng Thít với bán đảo Cà Mau.

Tuyến N1 là trục giao thông thứ năm kết nối với hệ thống đường hành lang biên giới Tây Nam. Đầu tuyến đường N1 kết nối với điểm cuối tuyến 14C tại khu vực Lộc Tấn (tỉnh Bình Phước), đi qua Đức Huệ - Mỏ Vẹt - Bình Hiệp - Tân Hồng - Hồng Ngự (đoạn Hồng Ngự - Tân Hồng trùng với QL30 đã đầu tư xong) - Châu Đốc - Tịnh Biên - Hà Tiên. Đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên đang được đầu tư, còn đoạn Tịnh Biên - Hà Tiên đã cơ bản hoàn thành. Bộ GTVT cũng đang xem xét quyết định đầu tư đoạn Mỏ Vẹt - Bình Hiệp. Bộ GTVT cũng tính đến việc xây dựng cầu Hồng Ngự và cầu Tân Châu trên tuyến N1, nhưng trước mắt sẽ đầu tư 2 vị trí vượt sông này bằng phà, được điều từ các bến phà Cần Thơ và Rạch Miễu.

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.