Tắm suối có gì là xấu ?

07/09/2005 23:01 GMT+7

Có lẽ vì chẳng có gì là xấu, nên các đạo diễn của ta đã thay nhau "tắm suối" trong rất nhiều phim, khiến cho nó trở thành cũ mòn.

Xem xong bộ phim Đường thư trong buổi chiếu ra mắt tại TP.HCM dịp lễ vừa qua, một số khán giả và nghệ sĩ điện ảnh đã nhất trí bình chọn câu thoại hay nhất trong phim là "Hám gái có gì là xấu!". Hoàn cảnh phát sinh câu thoại ấy như sau: Có hai anh lính quân bưu đang trên đường làm nhiệm vụ thì trông thấy một nhóm cô gái đang vui vẻ tắm suối. Hai anh bèn nép sau lùm cây nhìn trộm. Tuy nhiên, cảnh tượng ấy không giữ được chân các anh lâu, các anh vẫn tiếp tục lên đường và anh lính trẻ tuyên bố: "...em không phải là đứa hám gái". Anh lính đàn anh bảo: "Hám gái có gì là xấu, vấn đề là...".

Quả thực, "hám gái" không xấu, tắm suối cũng chẳng có gì là xấu, nếu không muốn nói trong đám có cô "topless" (ngực trần) trông nghiêng cũng rất gợi cảm. Vấn đề là khi Đường thư được chiếu ở Hà Nội thì từng có dư luận khen rằng đây là bộ phim của những người trẻ làm về đề tài chiến tranh nên có những yếu tố mới. Tuy nhiên, xin nói ngay rằng, riêng "yếu tố tắm suối" thì lại cũ ơi là cũ! Mới xem tới đoạn hai anh lính đi trong rừng gặp thác chảy trữ tình, một đạo diễn điện ảnh thốt lên: "Thế nào cũng có tắm suối". Quả là có tắm suối thật. Và ngạc nhiên làm sao, ở thế kỷ 21 rồi mà các nhà làm phim trẻ của Đường thư vẫn ưa chuộng kiểu tắm "cổ điển" của các phim chiến tranh Việt Nam: các anh bộ đội nhìn trộm một cách thích thú nhưng trong gương mặt các anh vẫn rất trong sáng, các cô tiếng là khỏa thân tắm suối nhưng nước ngập đến thắt lưng, và cô này dùng lưng che phần thân trước của cô kia...

Phải công nhận rằng, "tắm suối" trong một bộ phim chiến tranh mang lại nhiều hiệu quả. Với người xem, nó mang đến chút thư giãn giữa lúc căng thẳng. Với bộ phim, nó tạo ra khoảnh khắc yên bình giữa cảnh bom rơi đạn nổ, tạo ra ý niệm về sự sống thanh xuân giữa chết chóc. Và đặc biệt, từ lâu nó đã được nhiều đạo diễn sử dụng như là chi tiết đem lại cho khán giả sự gần gũi đối với hình tượng người lính: các anh không chỉ sống và chiến đấu anh dũng vì lý tưởng mà còn có những rung động và khát khao rất đời thường... Thế nhưng có phải vì thế mà nó đã được sử dụng trong rất nhiều phim đến cũ mòn. Chẳng lẽ, qua bao nhiêu phim rồi, chi tiết đắt nhất để thể hiện khía cạnh đời thường của anh bộ đội vẫn chỉ là tắm suối? Và nếu như nhà làm phim quá tâm đắc với cảnh này, thì tại sao anh lại không nghĩ ra một cách thể hiện cảnh ấy trên phim một cách mới mẻ hơn, sáng tạo hơn, hấp dẫn hơn? Hay là anh sợ làm khác đi thì thì nó lại "đời thường" quá, và lúc ấy dễ bị phê bình "tắm suối mà không có gì xấu!" chăng?

Phạm Thu Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.