Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc lần 1: Đúng nghĩa đông vui !

03/11/2006 00:07 GMT+7

Tối 3.11.2006, tại Nhà hát TP.HCM, Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc lần thứ 1 bế mạc. Có thể nói, chưa bao giờ sân khấu TP.HCM lại đông vui, sôi động như thế này. Bởi, không chỉ biểu diễn, mà còn có cả chục cuộc toạ đàm, thảo luận vỡ ra nhiều vấn đề bổ ích, thậm chí cả những cuộc tranh cãi, chứ không xuôi một chiều như các liên hoan sân khấu toàn quốc trước kia.

Đủ trường phái hội ngộ anh hùng...

Thú vị làm sao, khi gặp ở liên hoan nhiều trường phái đa dạng, làm phong phú cho bộ mặt sân khấu. Hồi trước, "đi thi" lấy giải nên hầu hết các đơn vị đều dàn dựng theo kiểu trang nghiêm, chính kịch, có khi "lên gân" tư tưởng chính trị một tí để dễ lọt vào mắt xanh của Hội đồng nghệ thuật. Bây giờ, về "chơi" theo kiểu festival, thì mạnh ai nấy tung hoành với cái gu của mình, phá phách, sáng tạo, đảo lộn mọi thứ! "Giải thưởng" nằm trong tay khán giả kia mà, thậm chí "bắt" Hội đồng nghệ thuật ngồi chung với khán giả để cảm nhận trọn vẹn sức sống của tác phẩm. Nào ca kịch tưng bừng với rap, rock như Trái tim nhảy múa của IDECAF, hay nghiêm trang như Đặng Thùy Trâm (Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), hoặc dùng nghệ thuật xếp đặt như Chợ đời (Công ty Mỹ Phát), nghệ thuật hình thể như Nhật nguyệt thực (Đoàn kịch Lan Hương - Hà Nội), rồi xoay qua gần gũi, giản dị như Xóm gà (Kịch Sài Gòn), hoặc hài quậy tưng như Ra giêng anh cưới em (Công ty Nụ Cười Mới), tâm lý sâu sắc như Cõi tình (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ - 5B TP.HCM), Cánh đồng gió (Kịch Phú Nhuận), Khi người ta yêu (Kịch Tao Đàn)...

Một bữa tiệc bày lên ê hề những món, khách có quyền chọn lựa, không bị áp đặt. Và chính những người sản xuất cũng không bị áp lực, có khi lỗ lại... vui, vì dám "chơi", dám thử sức. Tiền túi của anh, anh có quyền! Tuy nhiên, nhiều người vẫn ân cần nhắc nhở một điều, dẫu có muốn bay bổng tới đâu thì chân anh cũng nên đứng vững trên mặt đất một chút, vì nếu khán giả từ chối mãi thì anh sẽ "rớt" từ giấc mơ xuống một cách tội nghiệp. Tranh luận, cãi nhau cũng đã có, nhưng cãi rồi vẫn lo dùm cho nhau, vẫn mong sân khấu sáng đèn, mong những đồng tiền vốn và công sức vất vả kia có cơ hội "hoàn lại". Dù khác nhau trong phong cách, phương thức làm việc, nhưng cái tình đồng nghiệp vẫn thắm thiết, kể cả báo chí, khán giả, cũng cùng chung tình yêu sân khấu! 

Thị trường, thị hiếu không có gì xấu...


Ngọc Trinh và Đình Toàn trong vở Trái tim nhảy múa (Sân khấu IDECAF) -  Ảnh : H.A.T

Cũng chính vì hướng tới khán giả mà nhiều năm nay sân khấu XHH bị mang tiếng là "chiều theo thị hiếu", trong khi sân khấu nhà nước được tiếng là "tuyên truyền", "học thuật"... NSƯT Thành Lộc ấm ức: "Thị hiếu có gì là xấu nào? Bán hàng phải quan tâm tới khách hàng, biết người ta cần gì, nghĩa là "nghiên cứu thị trường". Mình chê khán giả là mình vô ơn, vì khán giả nuôi mình mà. Nói thật, chúng tôi chỉ có khác ở chỗ quan tâm tới vấn đề thương mại, chứ mọi công đoạn trong một vở diễn đều làm răm rắp bài bản nghiêm túc như đã học trong trường nghệ thuật, từ vỡ hoang kịch bản, phân tích tâm lý nhân vật, ý đồ dàn dựng...".

Ông bầu Phước Sang cũng tranh luận sôi nổi về sự phân chia tác phẩm "bình dân" với "trí thức". Theo anh, "hai chữ bình dân hơi xúc phạm khán giả và nghệ sĩ, thật sự đó là phong cách giản dị, gần gũi cuộc sống, nóng hổi tính thời sự". Quả tình, cao siêu hay giản dị cũng được, cái chính là tác phẩm phải lay động được lòng người, hoặc thỏa mãn trí tưởng tượng, học hỏi của người ta, nghĩa là không đụng tới trái tim thì phải đụng tới cái đầu. Như Xóm gà, giản dị, hoạt náo, nhưng rồi khán giả lại khóc ròng bởi chữ hiếu, chữ nhân, chữ nghĩa. 

Bài học quản lý và đào tạo

Chắc chắn bài học đầu tiên và cơ bản của liên hoan lần này là bài học quản lý. Quản lý giỏi mới tồn tại với thị trường khắc nghiệt. Nhiều đơn vị đã cho ra đời một "mô hình" hoạt động rất chuyên nghiệp, thí dụ Sân khấu IDECAF có Huỳnh Anh Tuấn chuyên về kinh doanh, còn Thành Lộc chuyên về nghệ thuật, bên dưới là một ê-kíp nhân sự chặt chẽ với đủ các khâu chăm lo đời sống anh em nghệ sĩ lẫn tiếp thị, quảng bá. Nhà nước cũng "chịu lắng nghe", thừa nhận năng lực quản lý của các ông bầu tư nhân, từ đó rút kinh nghiệm để sau này có những hỗ trợ thích đáng. Thái độ của các vị lãnh đạo, của Hội đồng nghệ thuật được sân khấu hoan nghênh, và hình như đã giải được "nỗi ấm ức" là tư nhân, con nuôi, con ghẻ  trong lòng của nghệ sĩ...

 Cuộc chơi khép lại, nhưng mở ra nhiều điều. Có thể hôm nay còn những non yếu, ngỡ ngàng nào đó, nhưng chắc chắn tương lai của sân khấu sẽ tươi sáng hơn!                              

NSƯT Lan Hương - Nhà hát Tuổi Trẻ: "Sân khấu phía Bắc "rón rén" xã hội hóa"


Ảnh: C.NM.S
Nói về quá trình XHH sân khấu thì phải nói rằng sân khấu phía Bắc chỉ mới manh nha những bước rón rén thăm dò. Đa số anh em nghệ sĩ thuộc biên chế nhà nước vẫn có tâm lý rằng biểu diễn trong nhà hát nhà nước mới là chính quy, là "hàn lâm học viện", còn nếu chuyển sang XHH thì đấy chỉ là một cái... gánh hát. Nên họ vẫn thích ở biên chế nhà nước đấy, thỉnh thoảng có rảnh thì đi đánh show bên ngoài vẫn vững bụng vững dạ hơn. Cảm giác về XHH vì thế vẫn còn "chông chênh" lắm.

 

Nghệ sĩ Hữu Lộc - Công ty Nụ Cười Mới: "Quan trọng nhất là tìm được lớp khán giả riêng"


Ảnh C.T.V

Công ty Nụ Cười Mới của chúng tôi là một sân khấu còn mới mẻ. Tham gia liên hoan lần này chúng tôi nghiệm ra rằng đối với mỗi sân khấu XHH thì điều quan trọng là phải tìm cho mình một lớp khán giả riêng, với đặc trưng nghệ thuật riêng. Từ đó, tôi muốn sân khấu mình có những tác phẩm đi vào lòng khán giả bằng những điều giản dị nhất, gần gũi nhất, vui với cái hài và cũng nhìn lại chính mình.

 Thuận An (ghi)

                                                                                                                    

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.