Chuyện sui gia

26/10/2005 22:47 GMT+7

Ngày đính hôn của đôi trai gái cũng là ngày cha mẹ hai nhà chính thức kết nghĩa thông gia. Từ đây, mối quan hệ sui gia tác động không ít đến hạnh phúc của những gia đình trẻ.

Làm sui một nhà biết ra cả họ

Ông bà Tám T. ở đập Thầy Ký (Đầm Dơi, Cà Mau) dựng vợ gả chồng cho 7 đứa con. Ông sống trọng tình trọng nghĩa nên dù sui trai hay gái, dù xa hay gần đều xem trọng như nhau. Lần đầu làm sui đến nay ngót ngét 15 năm, đã vào tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng chưa một lần ông làm buồn lòng sui gia nào.

Hay tin bên nhà sui có chuyện vui, buồn ông bà đều lặn lội đến. Khi chèo xuồng gần 30 cây số, khi lội bộ suốt 4 tiếng đồng hồ để dự đám cưới, thôi nôi hoặc chia buồn tang gia. Dần dà, con cháu nhà sui tỏ ra quý mến, hễ có đám tiệc đều mời, mong được sự góp mặt của ông bà. Nghĩ ở đời "thân nhau mới đến, mến nhau mới mời" nên đường xa đi lại khó khăn không hề hấn gì và ông rất ngại phụ lòng con cháu. Thấy anh Thắng (con rể thứ năm của "sui đầu") cuộc sống khó khăn mà suốt ngày cứ say xỉn, ông Tám đến tận nhà khuyên nhủ vì xem anh như con. Quả nhiên, sau đó không lâu anh Thắng biết chí thú làm ăn còn ông Tám luôn cận kề kiếm việc cho anh làm, thậm chí còn dành dụm tiền ra chợ mua bộ đồ tặng anh dịp Tết. Một lần, ông sui ở Cần Thơ bị bệnh phải nằm viện, ông bà Tám vội vã khăn gói theo xe đò vượt 200 cây số đến thăm. Quà thăm là "cây nhà lá vườn" nhưng đẫm mồ hôi vợ chồng già chăm chút: mớ rau, buồng chuối, con cá, con cua ... Ông thường bảo "làm sui một nhà biết ra cả họ". Phải biết đối xử với thân tộc, họ hàng nhà sui gia như của chính mình. Năm nào cũng vậy, cứ ngày Tết đến, nhà ông Tám đông vui hơn hội. Lớp con cháu, dâu rể trong nhà còn thêm mười mấy con cháu dâu rể của... sui gia! Không phân biệt, không khoảng cách, tất cả đều là người một nhà! Tình sui gia thuận thảo như vậy, không nói ra cũng đoán chắc rằng cuộc sống lứa đôi của các con ông rất hạnh phúc.

Chuyện sui gia là chuyện của hai nhà?

Từ tình yêu trai gái tiến đến hôn nhân là điều không dễ. Trớ trêu thay, đến ngày cưới hoặc sau cưới lại xảy ra những chuyện dở khóc dở cười do cách sống, cách nghĩ cố chấp của bậc làm cha mẹ!

Anh T. và chị Ph. là giáo viên (xã Thanh Tùng, Đầm Dơi, Cà Mau) cưới nhau đã 5 năm và có 2 mặt con. Vui thì thôi, hễ vợ chồng có chuyện lục đục, anh lại đem cha mẹ vợ ra trách móc. Số là ngày đám cưới, theo giờ nhà gái đã chọn: đúng 9 giờ sáng làm lễ rước dâu. Hôm đó nhằm ngày nước kém lại gặp gió ngược, sông nhỏ xuồng máy khó chạy nhanh, còn phải chờ kéo đập quá đông nên đàng trai tới trễ 15 phút. Khi lễ vật trịnh trọng dọn ra, đột ngột chủ hôn bên gái tuyên bố: "Trễ giờ hoàng đạo rồi, không cho rước dâu"! Đại diện nhà trai ban đầu hết lời giải thích, cuối cùng "xuống nước nhỏ năn nỉ" nhưng bên gái cương quyết không thuận. Sau nửa giờ "thương thuyết" bất thành, đàng trai đành xin phép về không. Đến chiều, nhà gái tự động dẫn cô qua trước sự sững sờ, ngạc nhiên và hàng trăm cặp mắt dò xét của lối xóm. Cô dâu không có áo cưới, thay vào đó là bộ đồ bà ba. Nhìn nét mặt ủ dột, thẫn thờ của cô thấy thương không chịu nổi! Sau "sự cố" đó, sui gia hai nhà trở thành xa lạ, chẳng ai tới thăm ai.

Chuyện của Th. nói ra thật buồn. Từ ngày đám cưới đến giờ gần 2 năm, chưa một lần cha mẹ chồng sang thăm nhà cô. Không bất đồng quan điểm, không xích mích chuyện gì nhưng có lẽ ông bà sui bên trai đã quen với cách nghĩ "đèn nhà ai nấy sáng". Theo phong tục cổ truyền, ngày Tết sui nhà trai phải sang thăm sui nhà gái. Buổi tâm tình đầu năm không  chỉ có lời chúc tụng mà còn là dịp trao đổi để gởi gắm con cái cho nhau. Tết không đến, ngày thường cũng không. Thậm chí lúc ba Th. bệnh nặng nằm viện cả tháng trời, sau đó xuất viện về nhà mà cha mẹ chồng cô vẫn dửng dưng như không biết gì. Nào phải xa xôi gì, hai nhà cách nhau chưa đầy 2 cây số. Đôi lúc cha mẹ Th. rất muốn sang thăm nhưng e ngại ông bà sui không được vui vẻ. Đành ngậm ngùi!

Những chuyện vui buồn về mối quan hệ sui gia khó mà kể xiết. Có điều, sui gia thuận thảo sẽ góp phần vun đắp hạnh phúc cho con mình. Ngược lại, cứ muốn chứng tỏ "sui bên này phải hơn sui bên kia" để rồi thiếu sự cảm thông, quan tâm chia sẻ cùng nhau... thì có khác gì người dưng nước lã!

Thanh Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.