Lòng tự trọng

09/11/2008 00:41 GMT+7

Cứ mỗi dịp đến ngày lễ hoặc ngày Tết tôi thường nhận được nhiều thiệp chúc mừng từ các cơ quan, đơn vị hoặc các doanh nghiệp có liên hệ. Trong nhiều thiệp ấy không ít thiệp chỉ ghi tiếng Anh. Tôi cũng thường nhận được những giấy mời đi họp báo, đi dự lễ khánh thành, động thổ, khai trương, ăn tiệc; hoặc vào một số nhà hàng, khách sạn thì thấy bảng hướng dẫn, thực đơn… chỉ ghi toàn bằng tiếng Anh.

Cũng có những bảng thực đơn, thiệp chúc mừng, thư mời “rộng lượng” hơn, ghi thêm tiếng Việt nhưng dường như người ta thấy xấu hổ với điều đó nên tiếng Việt được ghi ở vị trí và kích cỡ rất khiêm tốn so với tiếng Anh. 

Ai dùng điện thoại cố định của Viettel một khi bị cắt hướng gọi đi thì không khỏi bực mình khi chỉ nghe giọng tiếng Anh trọ trẹ trả lời tự động để thông báo lý do bị cắt máy.

Vào các trung tâm giảng dạy ngoại ngữ, các trường dân lập quốc tế, các cửa hàng thời trang, các quán ăn, các cửa hàng lưu niệm… thì người ta vô tư niêm yết giá bằng đô la Mỹ, không hề thấy giá đồng Việt Nam ở đâu.

Ở hầu hết các nước trên thế giới mà tôi từng đến, cửa hàng miễn thuế của họ chỉ niêm yết giá bằng đồng tiền bản xứ và chỉ nhận thanh toán bằng đồng tiền bản xứ. Chỉ cửa hàng miễn thuế ở Mỹ mới niêm yết giá bằng… USD. Thế mà tất cả cửa hàng miễn thuế ở Việt Nam lại niêm yết giá chỉ bằng USD và thậm chí có nơi, có lúc chỉ đòi thanh toán bằng USD mà thôi.

Chúng ta đã không tự tôn trọng mình nên các công ty, đơn vị nước ngoài hoạt động ở Việt Nam cũng thoải mái bỏ đi sự tôn trọng đối với chúng ta.

Đã không ít chúng ta, những người Việt Nam đang sống trên nước Việt Nam, cảm thấy bình thường khi nhận một thiệp chúc mừng, một giấy mời của công ty nước ngoài chỉ ghi bằng tiếng Anh. Thậm chí có người lấy đó làm điều… vinh dự. Cũng cần nhớ rằng, ở bên cạnh một đất nước to lớn, một nền văn minh to lớn suốt mấy ngàn năm lịch sử mà Việt Nam chúng ta không bị đồng hóa, không bị hòa tan ấy là do ông bà chúng ta biết tôn trọng và gìn giữ tiếng Việt, biết tôn trọng và gìn giữ những giá trị của mình.

Cũng không thể nói rằng một vài câu tiếng Anh trên thiệp mời, một vài đồng đô la trên bảng giá lại đưa đến nguy cơ mất dân tộc tính. Nhưng vấn đề là lòng tự trọng.  Những người giao thiệp rộng, có học vấn, làm ăn giỏi, thậm chí có địa vị xã hội của chúng ta lại dễ dàng đánh mất đi lòng tự trọng (vì chuyện làm ăn, vì bệnh sĩ…) thì làm sao trách được những cô gái nông thôn nghèo khổ vì miếng cơm manh áo phải quên đi lòng tự trọng để đứng xếp hàng cho người nước ngoài lựa chọn như một món hàng.

Huỳnh Ngọc Chênh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.