Trung thu ở Singapore

16/09/2007 22:45 GMT+7

Ở đảo quốc sư tử, cộng đồng người Hoa chiếm hơn 3/4 dân số và làm ăn thịnh vượng. Lễ hội của họ vì vậy mà thường linh đình hơn. Trung thu là lễ hội lớn thứ hai trong năm, sau Tết Nguyên đán, và kéo dài đến cả tháng trời.

Bắt đầu từ ngày 8.9 dương lịch (tức 27.7 âm lịch), khu phố Tàu (Chinatown) ngay trung tâm của Singapore đã rực rỡ đèn lồng và tưng bừng lễ hội. Những con phố to nhỏ chen nhau, những cửa hàng san sát chỉ thấy toàn hai màu đỏ, vàng rực rỡ của đèn lồng, lân phụng, cờ phướn, bánh trung thu...

Đêm 15.9, hai con đường chính chạy qua phố Tàu là New Bridge và Eu Tong Sen trở thành khu đại lễ chính thức khai mạc mùa Trung thu 2007. Tổng thống Sellappan Ramanathan đã đến dự cùng khoảng gần một ngàn khách mời đủ các quốc tịch và sắc dân. Bên ngoài khu đại lễ được chắn bằng song sắt và cảnh sát trấn giữ, hàng ngàn người chen quanh các hàng rào, tràn lên lề đường, vào trong các cửa hàng cũng như bên cửa sổ các tòa nhà cao tầng xung quanh.

Từ 6 giờ chiều, hai hoạt náo viên đã bắt đầu diễn trò với những vị khách đến sớm. Họ nói bằng hai thứ tiếng Anh và Hoa trong tiếng trống hội linh đình, làm cho cả khu vực rộn ràng khó tả. Một số tiết mục nghệ thuật dân gian đã nối nhau trình diễn trước khi buổi lễ chính thức bắt đầu lúc 7 giờ 30. Sau vài phát biểu ngắn, Tổng thống Nathan, bác sĩ Lily Neo, nghị sĩ khu Jalan Besar (Chinatown thuộc khu này) và một số quan chức khác đã thả lên trời những lồng đèn to bằng vải lụa mang những câu chúc tốt lành bằng tiếng Hoa. Mùa Trung thu năm nay chính thức khai mạc.

Chương trình kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ tiếp theo đã mang đến cho người xem một cái nhìn phong phú về nghệ thuật dân gian Trung Hoa, cũng như một số sản phẩm văn hóa đặc sắc nhất của những sắc dân khác vốn hình thành nên một đất nước Singapore đa chủng tộc, như Ấn Độ, Malay, Bangladesh...

Dễ dàng nhận ra tại đất nước đa sắc dân này, mỗi hoạt động văn hóa thường kèm theo thông điệp hòa hợp, giao lưu giữa các cộng đồng sắc dân khác nhau, như một chiến lược quốc gia về đối nội. Hơn 700 thanh thiếu niên, tập hợp trong 23 đội nhóm đã tham gia biểu diễn từ nghệ thuật dân gian với xênh xang xống áo, cho đến các tiết mục aerobic trẻ trung với quần jeans áo thun. Chương trình cũng táo bạo đưa vào một tiết mục khiêu vũ rất "sexy", với 5 cô gái trẻ đẹp trong trang phục 2 mảnh và những động tác lắc eo, mông gợi cảm. Tuy nhiên, phóng viên bị cấm chụp ảnh tiết mục này!

Ghi dấu ấn đậm nhất của mùa lễ hội năm nay là phần biểu diễn của các nghệ sĩ khách mời đến từ xứ sở hoa anh đào. Hơn 30 nghệ sĩ từ quận Akita của tỉnh Tohoku, miền đông bắc nước Nhật, lần đầu tiên mang đến cho khán giả tại Singapore một nghệ thuật độc đáo, có tên Akita Kanto Festival, được xem là tài sản văn hóa dân gian phi vật thể của nước Nhật. Kanto là một giàn khung tre hình tam giác, treo lủng lẳng 46 lồng đèn to thắp sáng làm bằng thứ giấy và kỹ thuật đặc biệt, không bắt cháy trong suốt quá trình biểu diễn. Mỗi lồng đèn tượng trưng cho một gié lúa.

Cộng gộp lại, Kanto nặng đến 50 kg và có chiều cao đến 12m. Vậy mà các nghệ nhân người Nhật bằng tài hoa của mình đã dựng đứng nó lên, đặt nó đứng thăng bằng trong lòng bàn tay, trên trán, trên vai và trên hông, trong khi hai tay họ vẫn múa may và không ngừng di chuyển. 5 Kanto với những lồng đèn mang các biểu tượng khác nhau di chuyển, có lúc cong oằn như sắp ngã xuống khiến khán giả vô cùng hồi hộp và phấn khích trong tiếng reo hò của những người Nhật "Dokkoisho! Dokkoisho!" (Cố lên! Cố lên!) lẫn với tiếng trống và tiếng sáo dồn dập.

Nghị sĩ Lily Neo trong phần phát biểu của mình đã nhấn mạnh tính giao lưu văn hóa cũng như lòng ngưỡng mộ đối với các nghệ sĩ Nhật Bản: "Chúng ta vui mừng mời được đến đây nghệ thuật Kanto. Tôi chắc rằng các bạn sẽ hết sức phấn khích khi xem kỹ năng di chuyển và giữ thăng bằng của các nghệ sĩ nước bạn".

Mùa Trung thu năm nay kéo dài đến hết ngày 30.9 với hàng loạt các hoạt động diễn ra liên tục trong khu phố Tàu. Cùng thời gian, cộng đồng người Hồi giáo - Malay và người Ấn ở khu Tiểu Ấn (Little India) lân cận cũng đang chuẩn bị lễ hội Hari Raya Adilfitri kết thúc mùa chay Ramadan (từ 8.9 đến 21.10) và lễ hội Deepavali (12.10 đến 18.11), Trung thu của người Hoa vì vậy càng thêm tưng bừng và như được nối dài. Đất nước Singapore dường như lúc nào cũng có lễ hội bởi tính chất đa dân tộc của nó.


Tác giả và bà Lily Neo (phải) - Ảnh: Eugene Tang

Bà nghị Singapore "quảng bá" áo dài Việt Nam

Tối 15.9, bác sĩ Lily Neo, Nghị viên Quốc hội Singapore thuộc khu vực Jalan Besar, đến dự buổi lễ khai mạc mùa Trung thu tại khu Chinatown trong bộ áo dài đỏ rực rỡ. Bà được cử tri trong khu Chinatown cũng như khách mời tham dự lễ khai mạc đón tiếp nồng hậu.

Nhỏ nhắn, dịu dàng, không khác gì một phụ nữ Việt Nam, bà làm tôi tò mò và nghi ngờ. Bà ấy là người gốc Việt chăng? Tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp đi cùng, anh ta bảo bà ấy gốc Hoa. Đợi bà bớt khách, tôi tiếp cận ngay: "Thưa bà, tại sao bà mặc bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam?". Bà Lily vui vẻ đáp: "À, phải rồi. Tên nó là "Áo dài". Tôi rất thích áo dài. Tôi mua bộ này bên Việt Nam đó".

Bà tiếp tục với những cử chỉ minh họa: "Bạn xem nè, phần trên của nó có giống sườn xám của Trung Hoa không? Nhưng phần dưới, bạn phải mặc quần. Đó là lợi thế của áo dài. Tôi không thể mặc sườn xám mà đi lại nhanh nhẹn, tay bắt mặt mừng với người này người kia. Đặc biệt sẽ rất khó khi bạn bước lên bước xuống các bục phát biểu trong bộ sườn xám".

Rõ ràng, bà Lily rất chu đáo khi chọn lựa trang phục xuất hiện trước công chúng: "Khi tôi đứng phát biểu, cử tọa phần lớn sẽ chú ý phần trên, như vậy họ sẽ thấy giống như tôi đang mặc sườn xám, trang phục truyền thống của phụ nữ Trung Hoa. Còn đây, những vòng tròn này, giống hình mặt trăng đêm Trung thu, đúng không?". Chiếc áo dài chấm gót rực rỡ, mặt trước có 4 hình tròn lớn ánh vàng khiến bà nổi bật trong suốt buổi lễ kéo dài 3 tiếng đồng hồ, cùng với sự hiện diện của Tổng thống SR Nathan bên cạnh.

Tôi đề nghị được chụp chung một tấm ảnh, bà Lily rất vui vẻ nhận lời. Sau đó, tôi lại yêu cầu bà chụp riêng. Thế là cánh phóng viên nhào tới và chụp ảnh bà với dáng đứng như một người mẫu. Bà Lily quay sang tôi và hài hước nói: "Tôi đang quảng bá chiếc áo dài Việt Nam đó!".

Bài Lily sinh năm 1953 tại thành phố Medan, thủ phủ vùng phía bắc Sumatra của Indonesia. Bà học trung học tại Penang (Malaysia), học đại học về Y khoa tại Ireland, và trở thành nghị viên từ năm 1996.

Thục Minh (từ Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.