Vườn tĩnh lặng ở Thung lũng vàng

22/11/2008 16:24 GMT+7

(TNO) Vài năm gần đây, du khách xa gần đã biết đến khu du lịch Thung lũng vàng, một địa chỉ tham quan mới ở Đà Lạt. Thung lũng vàng nằm cạnh Nhà máy nước Dankia - Suối Vàng, với diện tích gần 25ha, chỉ cách TP Đà Lạt khoảng 15km...

 

 Quyến rũ Thung lũng vàng - Ảnh: Lâm Viên

Đến Thung lũng vàng trước ngày thành phố Đà Lạt tổ chức kỷ niệm 115 năm hình thành và phát triển (trọng tâm của hoạt động kỷ niệm là tuần lễ văn hóa diễn ra từ 17 đến 21.12.2008), chúng tôi khám phá thêm nhiều nét mới lạ.

Theo chân ông Trần Đình Lãnh, Giám đốc Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng cũng là “kiến trúc sư trưởng” của khu du lịch này, chúng tôi đến “Vườn tĩnh lặng” hay còn gọi là “vườn thiền”.

Ngay trung tâm của “vườn thiền” trên triền đồi cao, một bức tượng gỗ Bồ Đề Đạt Ma (được tạc bằng gỗ dâu) hướng về hồ Đan Kia thơ mộng. Tại đây có những dòng suối đá nhân tạo uốn lượn bên những thảm cỏ và hoa.

Một vườn sưu tập các giống hoa đỗ quyên của Úc, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc… với đủ màu sắc quyến rũ; bên cạnh là vườn sưu tập các giống trà mi. Cách đó không xa là vườn lan sưu tập trên 200 giống lan quí của núi rừng Tây Nguyên và một số nước trên thế giới.

Ngồi trên thảm cỏ xanh, nghe suối nước róc rách thì thầm, nhìn xuống mặt hồ uốn lượn quanh những rặng thông chập trùng, thấy tâm hồn nhẹ nhõm, bay bổng, quên đi bao vất vả, nhọc nhằn của đời thường. Chúng tôi cảm nhận được sâu xa ý nghĩa của “Vườn tĩnh lặng”…

Ông Lãnh tâm sự: Cách đây hơn 10 năm, nơi đây là chốn “khỉ ho cò gáy”, thường chỉ có khoảng vài chục cán bộ, công nhân Công ty Cấp nước Lâm Đồng túc trực sản xuất nước cho thành phố Đà Lạt. Khi đó ông Lãnh chợt nảy ý tưởng tận dụng khu đất trống cạnh nhà máy để tạo những tiểu cảnh cho số công nhân làm việc ở đây thư giãn. Nhưng rồi theo dòng thời gian và với sự góp sức của cán bộ, nhân viên trong đơn vị, công viên thu nhỏ này trở thành khu vườn sinh thái và bây giờ là khu du lịch rộng lớn với những bộ sưu tập thực vật và đá tạo nên một điểm đến độc đáo ở giữa rừng thông bạt ngàn.

Hiện nơi đây đang lưu giữ cây Bồ đề cổ thụ 300 năm tuổi, cây Vương tùng (tùng búp) 75 tuổi, bộ sưu tập các loại thông đỏ, thông 5 lá, thông lá dẹt, là những giống thông đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Chưa hết, tại đây còn có vườn bonsai với nhiều loại cây cổ thụ được chăm sóc công phu; vườn Vông kê, Nhất chi mai, vườn hồng Pháp với 7 màu rực rỡ, vườn Anh Đào Nhật Bản (100 cây), vườn cây Thích (còn gọi là cây phong - được nhắc đến trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du) 3.000 cây... Độc đáo hơn, nơi đây đang nhân giống Phượng vàng (hiện có 23 cây 2 năm tuổi), theo ông Lãnh, sau 7 năm Phượng vàng mới nở hoa, lúc đó nơi đây sẽ thực sự là “Thung lũng vàng”. Có thể thấy, Thung lũng vàng bên cạnh chức năng du lịch, còn là nơi bảo tồn nhiều giống thực vật quý hiếm.

Phải nói thêm, bên cạnh những khu vườn cây là vườn đá, thác nước được sắp xếp theo ý tưởng độc đáo mang đậm triết lý phương Đông. Từ đồi cao, cả khu du lịch được bài trí tựa một bức tranh sơn thủy khổng lồ; giữa con người và thiên nhiên có mối giao hòa thân thiện. Vì lẽ đó, Thung lũng vàng đã trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách nhất hiện nay ở Đà Lạt.

Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.