Học sinh, sinh viên có nên dùng danh thiếp?

24/10/2010 11:35 GMT+7

Danh thiếp với những thông tin về địa chỉ Facebook, blog, ngày sinh... đang được nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên sử dụng trong thời gian gần đây.

Nhiều bạn trẻ cho rằng việc dùng danh thiếp để giới thiệu mình với người khác khi mình “chưa có gì” thì quê độ lắm. Danh thiếp phải “đính kèm” chức danh, tên tuổi cơ quan... thì mới có giá trị sử dụng, còn không nó chỉ là một miếng giấy để... nổ, lòe thiên hạ.

PV đã có cuộc trò chuyện nhanh với bạn Nguyễn Ngọc Minh Thanh (lớp 12 Trường THPT Trần Đại Nghĩa), là người đã sử dụng danh thiếp suốt hai năm nay (từ khi Thanh tham gia chương trình Học kỳ quân đội) về vấn đề sử dụng danh thiếp với cái nhìn của một người trong cuộc.

* Trong lớp Thanh có nhiều bạn dùng danh thiếp không?

- Chỉ vài bạn thôi, thường thì bị xì xào rằng chơi nổi. Nhưng theo tôi, những người xì xào chúng tôi chưa hiểu hết giá trị của việc dùng danh thiếp. Khi giao tiếp, có sử dụng danh thiếp tôi cảm thấy mình tự tin và lớn hẳn. Trước đây, khi tham gia các lớp học kỹ năng sống, nhiều anh chị phóng viên muốn lấy số điện thoại của tôi để liên lạc sau đó, nếu lấy giấy bút ghi lại thông tin thì quá mất thời gian, tôi chỉ việc đưa danh thiếp là ổn.

* Nhưng thông tin trên tấm danh thiếp đó chưa chắc thể hiện được “đẳng cấp” của chủ nhân khi các bạn mới là học sinh?

- Theo tôi, đã là thông tin thì phải quan trọng. Khi người ta cần chúng tôi thì địa chỉ Facebook thôi cũng có giá trị, huống hồ email hay số điện thoại. Nếu tấm danh thiếp của bạn chưa có chức danh, tên công ty, hay chưa đẹp về mỹ thuật thì tại sao bạn không phấn đấu để tấm danh thiếp có những thứ đó, để thông tin trên đó “nặng” hơn; và tại sao bạn không rèn luyện kỹ năng thiết kế để tự tạo cho mình một tấm danh thiếp cá tính. Tôi nghĩ tấm danh thiếp cũng là cách nói thật với mọi người rằng bạn đang đứng ở đâu. Quan trọng là bạn có dám nói thật, dám phấn đấu hay cứ cúi mặt trước lời xì xào bàn tán.

* Bạn hay trao danh thiếp cho người khác như thế nào?

- Tôi thường trao danh thiếp cho một người mới quen khi cảm thấy họ hoặc tôi cần liên lạc lại sau đó. Không phải gặp ai tôi cũng phân phát danh thiếp. Bạn bè tôi đã gặp phải chuyện rắc rối vì danh thiếp cá nhân bị người khác bỏ vương vãi. Do trên danh thiếp chúng tôi có hình chân dung nên sau đó bị một số người điện thoại quấy rối.

Trong một số hoạt động xã hội hay trong lớp học, tấm danh thiếp được tận dụng “thay lời muốn nói”, để ghi thêm lời “mận hỏi đào” âm thầm và được trao tay một cách kín đáo. Tôi và bạn bè đã có những kỷ niệm đẹp nhờ tấm danh thiếp.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.