'Người bạn lớn' nơi biên cương

26/05/2014 08:54 GMT+7

Những cuốn sách được đưa đến biên giới Việt-Lào không chỉ mang lại cho đồng bào dân tộc C’Tu nhiều kiến thức bổ ích mà đó còn là cánh cửa mở ra một thế giới mới với nhiều điều thú vị cho các em học sinh.

“Người bạn lớn” nơi biên cương

Chị em phụ nữ người C’Tu say mê với tờ báo do khách dưới xuôi mang lên - Ảnh: Hoàng Sơn

Ý tưởng lập “Phòng đọc biên giới” trên mảnh đất xã Gary (thuộc H.Tây Giang, Quảng Nam) được Đồn Biên phòng 651 biến thành hiện thực cách đây đúng 1 năm, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thành lập đồn (19.5.2013). “Đây là mô hình phòng đọc đầu tiên tại vùng biên giới H.Tây Giang do bộ đội biên phòng quản lý. Đó là tấm lòng của anh em chúng tôi với ước mong thông qua những cuốn sách, tờ báo đồng bào người C’Tu sinh sống sát biên sẽ có thêm phương tiện để tìm hiểu, giải trí...”, thiếu tá Phan Văn Thí, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 651 vừa nói vừa chỉ tay về phía ngọn đồi nơi phòng đọc tọa lạc. Phòng đọc trông chẳng khác gì một thư viện với cơ sở hạ tầng khang trang, thoáng đãng.

Sau khi chuyển về trụ sở mới, Đồn Biên phòng 651 đã nâng cấp trụ sở cũ, thiết kế giá đỡ, kệ sách; đóng thêm bàn, ghế để đón tiếp học sinh và cả những người nông dân. Cơ sở vật chất đã có nhưng khó là làm sao có đủ chủng loại sách để phục vụ nhiều đối tượng và độ tuổi khác nhau. “Chỉ còn cách là huy động các đơn vị, cá nhân đóng góp sách. Cứ mỗi lần có việc về xuôi, anh em chúng tôi đều cố gắng mang lên vài cuốn sách để góp vào phòng đọc”, thiếu tá Thí chia sẻ. “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” từ chỗ chỉ vài chục cuốn sách pháp luật khô khan vốn có trong đồn, đến nay đã có hơn 1.500 đầu sách các loại, nên phòng đọc khi nào cũng đông đúc, từ già đến trẻ. Đặc biệt, để tránh sự nhàm chán, Đồn Biên phòng 651 còn liên hệ luân chuyển sách với Thư viện tỉnh Quảng Nam theo từng quý.

Trung úy Zơ râm Xiết, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng cho biết, phòng đọc mở cửa phục vụ vào 7 giờ 30 phút đến 17 giờ hàng ngày nhưng những khi có người nán lại đọc thì anh em chiến sĩ vẫn “tăng ca”. “Các anh lên đây bằng xe UAZ mà chúng tôi không biết trước, chứ không thì có khi lại phiền các anh chở ít sách lên cho các cháu. Có sách mới chắc các cháu sẽ vui lắm”, trung úy Xiết tỏ ra tiếc nuối khi không kịp nhờ chúng tôi chuyển ít sách từ một người quen của anh tại TP.Tam Kỳ.

“Xây dựng” thói quen đọc sách

Có phòng đọc, người vui mừng nhất có lẽ là các em học sinh. Nhất là khi phòng đọc của các chú bộ đội có đầy truyện tranh. Chứng kiến cảnh các em say mê ôm từng cuốn sách cũ, đọc một cách “ngấu nghiến” từng trang mới thấy hết những thiếu thốn của học sinh vùng biên. Thầy giáo Châu Ngọc Quốc, giáo viên Trường Tiểu học xã Gary trải lòng: “Được tiếp xúc với những cuốn sách như thế với học sinh dưới xuôi thì thật đơn giản nhưng với trẻ em vùng cao thì có khi đó là cả một ước mơ.”.

Cầm trên tay cuốn Doraemon đã sờn bìa, em Alăng Lốc (học sinh lớp 4/1) say sưa lật từng trang, thỉnh thoảng em lại cười một mình khi đọc được đoạn hấp dẫn. Thầy giáo Quốc cho biết, từ khi có phòng đọc, nhiều học sinh tiến bộ rõ rệt về mặt đọc, viết tiếng Việt. Nhờ số đầu sách đa dạng mà các em có thêm điều kiện để thực hành kiến thức được học trên lớp. Không chỉ trẻ em, học sinh lui tới phòng đọc, người lớn cũng tranh thủ thời gian tìm đến để tra cứu tài liệu, học cách trồng cây lúa, nuôi con gà, thả con dê. Người già lại say mê với những cuốn sách về văn hóa các dân tộc, với những vấn đề “thời sự” mà trang báo đến được phòng đọc cũng mất cả tuần lễ.

Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.