Giảm 1/2 thời hạn cấp phép sản xuất băng đĩa nhạc

18/09/2005 22:51 GMT+7

Một tin vui cho các hãng băng đĩa nhạc Việt Nam: Dự thảo Quy chế hoạt động, phát hành, xuất khẩu, nhập khẩu băng, đĩa ca múa nhạc, sân khấu hiện đang nằm trên bàn làm việc của ông Lê Nam - Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) với một nội dung quan trọng: lược bỏ khâu cấp giấy phép sản xuất băng đĩa nhạc. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Nam.

* Thưa ông, lâu nay quy trình cấp phép vẫn là khâu "khó chịu" với các hãng băng đĩa nhạc do thủ tục và thời gian rườm rà. Do  đâu có sự cảm thông vượt mức trông đợi này từ phía cơ quan cấp phép?

- Trước đây, công đoạn cấp phép thường "nuốt" trọn một tháng rưỡi của các hãng băng đĩa nhạc. Đương nhiên, chúng tôi làm vậy là để thẩm định kỹ lưỡng chất lượng và nội dung của sản phẩm. Nhưng khoảng thời gian này đã mở đường cho băng đĩa lậu tấn công trước vào thị trường, gây bất lợi cho các hãng băng đĩa nhạc. Nếu bỏ giấy phép sản xuất đi, chỉ còn lại giấy phép phát hành và tem nhãn với thời hạn cấp không quá 7 ngày, mọi chuyện có thể sẽ khác. 

* Tuy thế, vẫn có tới hai cơ quan chức năng giữ trọng trách quản lý hoạt động phát hành băng đĩa nhạc: Cục NTBD trên phạm vi toàn quốc và Sở Văn hóa - Thông tin tại địa phương. Với tinh thần đổi mới của dự thảo, có cần thiết phải giữ nguyên hai "cửa" thẩm định như vậy không?

- Đã qua hai lần đấy nhưng một số hãng băng đĩa vẫn cố tình làm sai quy định. Chẳng hạn như nhập nhằng về số lượng. Vừa rồi chúng tôi đã phải phạt một công ty vì lúc nộp lưu chiểu chỉ có 10 bài, tới lúc dán tem sản xuất, họ "bắn" thêm 4 bài vào rồi cứ thế phát hành. Có hãng thì đổi cả tên nhạc sĩ. Ví dụ, nhạc sĩ Lê Dinh chuyển thành Lê Minh, khiến cho nhạc sĩ Lê Minh (thật) cứ tưởng là ở Việt Nam còn có thêm một ông nhạc sĩ Lê Minh "B" nào đó nữa. Phải qua hai lần thẩm định là bởi thế đấy!

* Thời gian qua, đã có trường hợp ca sĩ trong nước sử dụng bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài   mà không hề xin phép. Phải chăng thủ tục cấp phép trong trường hợp này quá rắc rối, không thuận tiện cho nhạc sĩ ở xa?

- Bộ VHTT đã có Thông báo số 5 (tháng 5/1995), tinh thần là: ai muốn phổ biến tác phẩm âm nhạc vào trong nước, chỉ cần gửi có mỗi công văn kèm theo bản nhạc đó về Cục NTBD. Nhưng có ai chịu làm đâu. Thậm chí một số còn phổ biến "chui" khi về nước du lịch.

* Hiện tại, nhu cầu phối hợp sản xuất, phát hành sản phẩm giữa các hãng băng đĩa nhạc trong nước với đối tác nước ngoài rất cao. Nhưng hình như, dự thảo lại khá dè dặt khi đề cập đến vấn đề này?

- Thực ra, chúng tôi đã "soạn thảo" trong tư thế đón đầu rồi đấy. 4 vấn đề đặt ra là: Có cho phép nước ngoài đầu tư sản xuất kinh doanh băng đĩa trong nước không? Có cho phép nước ngoài phối hợp sản xuất băng đĩa không? Có cho phép nước ngoài đầu tư vốn vào các công ty trong nước để sản xuất băng đĩa không? Có cho phép nước ngoài phối hợp sản xuất băng đĩa để cùng nhau kinh doanh không? Trong thời gian này, chúng tôi chỉ có thể giải quyết được vấn đề sau cùng. 

* Và để tránh có thêm một vụ như Biển gọi, Tuyển chọn MC, trong quá trình hợp tác, trách nhiệm của đôi bên được quy định như thế nào?

- Ngày trước vì chưa có quy chế cụ thể nên mới "dẫn dắt" đến vụ Biển gọi, Tuyển chọn MC. Các hãng tự tiện làm, tự tiện mang ra nước ngoài. Không ai kiểm duyệt. Bởi vậy, chúng tôi phải quy định cụ thể trách nhiệm của mỗi bên. Nếu xảy ra sai sót, các công ty Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm chính. Với các công ty quốc tế, chúng tôi buộc họ phải có cam kết hẳn hoi. Tránh tình trạng ra đến nước ngoài, họ mới "bắn" vào những nội dung khác.

* Còn trong trường hợp các hãng nước ngoài chủ động mời ca sĩ trong nước hợp tác, như trường hợp của ca sĩ Mỹ Linh?

- Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ!

* Thưa ông, dự kiến, khi nào quy chế sẽ chính thức được ban hành?

- Có thể vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Hương Lan
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.