Những chuyện lạ ở làng - Kỳ 5: Vật linh ở làng Trám

25/11/2009 15:24 GMT+7

Làng Trám thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) được hình thành từ xa xưa. Theo sử làng, bà Ngô Thị Thanh, con cả của ông Ngô Quang Điện, đã có công lập làng. Khi bà mất, dân chúng thờ bà trong ngôi miếu Trò.

>> Kỳ 1: Trai gái hai làng không lấy nhau
>> Kỳ 2: Cây sấu thiêng của làng
>> Kỳ 3: Làng không sợ thế mạng
>> Kỳ 4: Làng chật

Ông từ trông miếu hiện nay là Nguyễn Thành Ngữ cho biết: “Làng Trám xưa kia còn gọi là phường Trám, tồn tại rất nhiều trò vui hợp thành phường trò như phường chèo, tuồng ở các nơi khác vậy. Bà Thanh cũng chính là người tạo dựng ra các trò và được thờ ở miếu như thành hoàng làng”. Làng Trám đến nay vẫn còn giữ được một cái lễ mật rất lạ kỳ, độc đáo từ hàng ngàn năm nay.

Vật linh cất trong ba lần khóa

Vật thờ linh thiêng nhất của miếu là sinh thực khí (vật biểu trưng cho bộ phận sinh dục nam và nữ). Hai vật linh này được làm bằng gỗ mít, sơn đỏ và được cất giữ rất cẩn thận trong miếu. Sinh thực khí được thờ ở miếu Trò có hình thù khá giống bộ phận sinh dục của nam và nữ, được đục đẽo một cách khá công phu và chưa bao giờ thay đổi bộ dạng từ thời có miếu đến nay.

Cụ ông cao niên nhất làng Trám Dương Văn Thâm, 98 tuổi, cho biết: “Miếu Trám trước đây nằm giữa khu rừng trám âm u được lợp bằng lá, vách đất. Mặc dù đơn sơ vậy, nhưng vật linh vẫn được cất giữ cẩn thận qua ba lần khóa. Vật thiêng được phủ một tấm vải điều đỏ, đựng trong hộp sơn son thếp vàng rồi để trong một chiếc hòm gỗ sơn đỏ. Chiếc hòm gỗ này lại để trên bàn thờ sau những chiếc ván gỗ và được khóa lại một lần nữa”.

Người duy nhất trong làng được giữ khóa cất vật linh là ông từ. Toàn thể dân làng, khách thập phương, thậm chí các cơ quan chức năng cũng không ai được phép mở xem vật linh của làng. Khi chúng tôi có ý định muốn được mở khóa để xem vật linh, ông Ngữ kiên quyết từ chối: “Các anh muốn xem thì chỉ có cách duy nhất là về miếu vào đúng đêm 11 tháng giêng âm lịch hằng năm khi làng mở lễ mật thôi”.

Ông từ Nguyễn Thành Ngữ giải thích về câu chuyện sinh thực khí cất trong ba lần khóa - Ảnh: Hải Dương


Đêm giao hoan

Lễ mật mà ông Ngữ nói chẳng giống bất kỳ lễ hội nào trong tổng số hơn 500 lễ hội tổ chức mỗi năm trên khắp mọi miền. Ông Chử Đức Bách, chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Tứ Xã, nói: “Có nhiều người ở xa về đây khi nghe được nội dung của lễ mật chưa hiểu ra đã cho là dung tục, thô lỗ... Các anh khi đi tìm hiểu vấn đề này cần phải có một hiểu biết văn hóa nhất định về người Việt từ xa xưa”. Vậy lễ mật ấy độc đáo như thế nào?

Đêm 11 tháng giêng hằng năm, ông từ trông miếu sẽ ra mở cửa để các cụ cao niên bắt đầu vào làm lễ tế. Khi đêm đã về khuya, các đôi trai gái, vợ chồng trong làng dần dần kéo nhau ra đứng kín cả sân trước miếu để chờ xem lễ mật.

Đúng vào giờ Tý (23g đêm đến 1g sáng hôm sau), ông từ sẽ thay mặt toàn thể dân làng trang trọng trèo lên bục ban thờ để mở từng lần khóa lấy vật linh ra. Sau đó vật linh sẽ được đặt lên ban thờ đã sẵn hương hoa để các cụ cao niên làm lễ tế. Khi màn tế lễ kết thúc, ông từ bắt đầu mở tấm vải điều để lộ hai vật linh (còn gọi là nõn nường) này ra cho mọi người chiêm ngưỡng. Đây chính là thời khắc duy nhất để thỏa mãn tính hiếu kỳ cho những ai muốn tận mắt chứng kiến vật linh của làng.

Khi đồng hồ đã điểm chính giữa giờ Tý (tức 0g), ông từ tung xúc sắc âm dương để bắt đầu màn lễ trò giao hoan. Khi ngày mới đến, lúc vạn vật bắt đầu sinh sôi nảy nở, tại thời khắc ấy ở chính điện trong miếu một đôi nam thanh nữ tú được các cụ cao niên chọn bắt đầu xuất hiện.

Cụ Thâm cho biết ngày xưa đôi nam thanh nữ tú của lễ mật được chọn lựa rất khắt khe. Người con gái phải xinh đẹp, đoan chính, còn trinh tiết; người con trai phải khỏe mạnh, tài đức... Nữ mặc áo yếm, váy ngắn; còn nam đóng khố, cởi trần. Ông từ trao vật linh sinh thực khí cho đôi nam nữ và hô tắt đèn, mọi ánh sáng trong miếu đều tắt. Sau tiếng hô ấy, ông từ bắt đầu gióng lệnh ba lần câu: “Linh tinh tình phộc”.

Mỗi lần ông từ gióng, người con gái sẽ cầm sinh thực khí đưa lên và tiến về phía trước, đồng thời người con trai sẽ cầm vật linh biểu trưng bộ phận sinh dục của nam giới tiến lên đâm phập một cái. Trong đêm tối, ông từ phải là người rất giỏi nghe tiếng sinh thực khí của đôi nam nữ giao nhau. “Nếu như trúng lỗ thì âm thanh sẽ ấm hơn, rõ hơn và tròn hơn” - ông từ Nguyễn Thành Ngữ đúc kết. Màn “linh tinh tình phộc” kết thúc, đèn bật sáng, đôi nam nữ chạy theo ông từ ra ngoài.

Ở ngoài gái trai, dân chúng chờ đợi sẵn bắt đầu nổi chiêng, trống và cùng với ông từ, đôi nam nữ chạy vòng quanh miếu theo chiều ngược kim đồng hồ, vừa chạy vừa hú.

Hội tình yêu

Cụ Thâm kể ngày xưa sau lễ mật luôn luôn có màn tháo khoán. Do xung quanh miếu là rừng trám âm u nên khi lễ mật kết thúc, các đôi trai gái trong làng bắt đầu kéo nhau vào rừng tình tứ. Dù quen hay lạ, trai gái đều có quyền tự tìm cho mình bạn tình để quan hệ, họ được phép quan hệ nam nữ một cách vô tư và công khai. Sau màn tháo khoán ở khu rừng Trám ấy đã có rất nhiều đôi nên vợ nên chồng. Để làm tin, cô gái thường lấy về cho mình một vật từ người con trai, ví dụ như: khăn buộc trên đầu, đôi dép, chiếc khố...

Cũng có trường hợp sau lần ân ái, người con trai không đồng ý đám cưới thì làng sẽ có trách nhiệm đứng ra tìm một chàng trai khác cho cô gái. Đặc biệt, nếu cô gái nào có thai sẽ được làng thưởng và khi cưới không phải nộp tiền cheo. Đứa con sinh ra sau lần quan hệ trong màn tháo khoán ở năm ấy sẽ được dân làng coi như quý tử.

Màn tháo khoán với những cặp gái trai ân ái ngày xưa là biểu hiện tự nhiên, cao đẹp của sự hòa hợp âm dương, đất trời, con người, trong thời khắc bắt đầu một ngày mới, mùa xuân mới và tượng trưng cho vòng đời mới. Màn tháo khoán ấy đến thế kỷ 20 thì dần dần phôi phai.

Từ năm 1993, khi miếu Trò được trùng tu xây dựng lại, lễ mật cũng phục hồi theo. Mọi nghi thức cơ bản nhất của lễ mật trong đêm vẫn được giữ đúng, chỉ riêng màn tháo khoán đã thay đổi. Ông Ngữ giải thích: “Giờ đây rừng chẳng còn, sau miếu chỉ là cái sân trống, đồng thời để cho nếp sống làng xã văn minh hơn thì việc quan hệ tình dục sau lễ mật đã được hủy bỏ”. Thay vào đó trong đêm lễ mật, làng sẽ tạo ra một không gian xung quanh miếu để các đôi trai gái đang yêu nhau có điều kiện, cơ hội tỏ tình.

Ngày thường làng Trám cấm tuyệt đối các đôi trai gái không được ra khu miếu để yêu đương, nhưng riêng đêm lễ mật các đôi nam nữ yêu nhau có thể ở đây bày tỏ tình cảm, ôm hôn nhau một cách lành mạnh. Ông Ngữ khẳng định: “Chúng tôi nhận thấy đó cũng là một biểu hiện tốt đẹp để giữ lại cái hồn cốt của màn tháo khoán ngày xưa, nhưng giờ đây phải làm cho phù hợp với văn minh, tiến bộ của thời đại, tránh những điều tiêu cực”.

Theo Hải Dương / Tuổi Trẻ
__________________

Có một tục lệ từ ngàn xưa ở làng này, trai gái đã cưới nhau nhưng cô dâu phải trở về nhà mẹ đẻ ngay hôm cưới, ba năm sau mới được về làm dâu chính thức và tới đêm hôm đó hai người mới được động phòng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.