Khi trẻ em Trung Quốc học làm sang

02/11/2006 23:16 GMT+7

Mới 5 tuổi đầu, Angelina đã được mẹ cho đi học các lớp đánh golf, khiêu vũ, trượt băng ngoài giờ học chính khóa ở trường. Đây không phải là trường hợp ngoại lệ. Ở Trung Quốc, xu hướng cha mẹ đầu tư nhiều tiền của vào việc giáo dục con cái ngay từ nhỏ để chúng không bị tụt hậu hay thua kém bè bạn đang ngày càng phổ biến.

200 USD cho 2 giờ học golf

Mỗi tuần, Rose Lei đều đưa con gái Angelina, 5 tuổi đến lớp học golf ở trung tâm Thượng Hải với chuyên gia từ Scotland. Một buổi học như vậy kéo dài 2 giờ với học phí lên tới 200 USD. Ngoài những giờ học trên trường, Angelina còn tham gia các lớp học tư tại FasTrackKids, một trường ngoại khóa dành cho trẻ ở độ tuổi lên 4 với mục đích dạy trẻ cách làm việc theo nhóm và kỹ năng làm lãnh đạo. Cô Lei, 35 tuổi, một chuyên gia công nghệ thông tin và là vợ giám đốc một tờ báo lớn, là một trong nhiều cặp vợ chồng thế hệ mới giàu có tìm mọi cách để tạo dựng cho con mình có vị thế ở "đẳng cấp cao".

Không như thế hệ trước đây, con đường đến thành công là tốt nghiệp một trong những trường đại học tốt nhất. Còn thế hệ hiện nay, cuộc đua đã bắt đầu từ rất sớm. Ngoài việc học đánh golf, trẻ đã được cha mẹ đăng ký học mọi thứ từ ballet, họa, nhạc, cưỡi ngựa, trượt băng cho đến polo. Shan Lei, 31 tuổi, một chuyên gia đầu tư bất động sản có chồng là giám đốc công ty hàng hải cho hay, gia đình cô đã đầu tư 100.000 USD để trở thành thành viên câu lạc bộ golf và giới thiệu cho con gái môn thể thao này.

Đi nước ngoài để nói giọng Anh chuẩn

Gia tăng việc học ngoại khóa không chỉ thể hiện lo lắng về tương lai con trẻ của các bậc cha mẹ mà còn phản ánh sự thiếu tự tin trong tầng lớp mới nổi của Trung Quốc. "Những người này tuy giàu có về kinh tế nhưng lại thiếu kiến thức cư xử cơ bản", một chuyên gia nghiên cứu văn hóa thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc nhìn nhận. Năm ngoái, trong số 35 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài du lịch, rất nhiều người bị sốc khi phát hiện rằng mình bị xem là cư xử thiếu lịch thiệp.

Chính vì thế, một số người giàu có như Lei đã cho con cái đi nước ngoài. London (Anh) và New York (Mỹ) là những sự lựa chọn đầu tiên với hy vọng đứa trẻ có thể nói tiếng Anh giọng chuẩn như người bản xứ. Số khác cho con theo học những trường cam kết đào tạo con họ trở thành "những quý ông, quý bà" thực thụ, đúng chuẩn mực truyền thống cao nhất của phương Tây. Chương trình được nhiều phụ huynh biết đến là do J.Yamada, một phụ nữ Nhật Bản, đứng lớp. Học phí là 900 USD cho khóa học kéo dài 2 tuần, kể cả việc ở lại trong một khách sạn 5 sao. Trẻ phải tắm trước bữa ăn, buổi chiều uống trà, ăn mặc lịch sự, học cách đi lại, ăn uống, khiêu vũ và cách cư xử lịch thiệp với các thành viên khác giới.

Nỗi niềm của các bậc cha mẹ

"Cha mẹ như chúng tôi chẳng hạn, rất lo lắng về sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong xã hội", Zhong Yu, một quản đốc có vợ làm kế toán tại công ty nước ngoài và có cậu con trai 7 tuổi theo học tại FasTrackKids, cho biết. "Hằng ngày, chúng tôi đều đọc các bài báo viết về sinh viên tốt nghiệp mà không thể tìm được công việc tốt. Giáo dục ở Trung Quốc thực sự tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nhưng tôi muốn con trai tôi suy nghĩ sáng tạo hơn", anh nói. Zhong Yu cho biết những người được lương cao như anh và vợ anh thường rất bận rộn với công việc và không có nhiều thời gian rỗi nên "chúng tôi muốn mang lại cho con cái cuộc sống tốt hơn của chúng tôi". Riêng Rose Lei thì tâm sự: "Tôi muốn con mình khi gia nhập tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ không bị lạc hậu".

Điều này cũng dễ hiểu vì tầng lớp giàu có ở Trung Quốc ngày một nhiều, chính sách một con lại càng khiến cha mẹ đầu tư mọi nguồn lực vào đứa con duy nhất của mình. Nhưng theo giới phân tích, điều này sẽ sản sinh ra một thế hệ "chạy đua" mới trong một xã hội hối hả vì sự tiến bộ. (NYTimes)

C.Y

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.