Sân khấu "nở nồi"

19/10/2009 22:29 GMT+7

Ăn nên làm ra nên các sân khấu ở TP.HCM luôn có xu hướng "nở nồi", sẵn sàng cho ra đời những sân khấu mới.

Năm 1998, Công ty Thái Dương đã khai sinh Sân khấu kịch IDECAF. Khi đã khẳng định là một thương hiệu mạnh, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn và Thành Lộc tiếp tục "đẻ" thêm sân khấu số 7 Trần Cao Vân.

Sân khấu kịch Sài Gòn hay Sân khấu kịch Phú Nhuận ra đời sau này cũng đi theo xu hướng tương tự. Ông bầu Phước Sang khi đã có Sân khấu kịch Sài Gòn vẫn "thòng" thêm Sân khấu hài 135 Hai Bà Trưng, Sân khấu Nam Quang, Sân khấu Đại Đồng. Còn nghệ sĩ Hồng Vân sau khi đã thành công với Sân khấu kịch Phú Nhuận cũng đã "mở rộng lãnh thổ" tới rạp Kim Châu trên đường Nguyễn Thái Bình. Ngay với Sân khấu Nụ cười mới sau này, chỉ cần một tên tuổi nghệ sĩ Hoài Linh cũng đủ làm cho rạp 193 Đồng Khởi tưng bừng khởi sắc.

Các sân khấu chưa bao giờ yên vị mà luôn rục rịch với những tham vọng mới. Ông Huỳnh Anh Tuấn và nghệ sĩ Hồng Vân chưa dưới một lần bày tỏ ước vọng về những sân khấu mới, nơi họ có thể đầu tư, "nở nồi". Bởi một sân khấu hướng đến lớp khán giả tuổi teen (như Minh Nhí, Quốc Thảo từng làm ở Sân khấu số 7 Trần Cao Vân trước đây) vẫn là giấc mơ mà Huỳnh Anh Tuấn chưa thực hiện được. Hay một sân khấu diễn bằng tiếng Anh cũng là một ý định còn để ngỏ của Hồng Vân.

Sẽ còn nhiều loại hình sân khấu khác đầy tiềm năng chưa có điều kiện khai thác. Bởi suy cho cùng thì với một thành phố luôn nhộn nhịp, sôi động với hơn 8 triệu dân như TP.HCM, số lượng các sân khấu như IDECAF, số 7 Trần Cao Vân, Phú Nhuận, Kim Châu, Đại Đồng, Nụ Cười Mới... vẫn hãy còn ít ỏi. Cái khó của những người làm sân khấu TP.HCM là thiếu điều kiện vật chất về rạp diễn. Bỏ ra một khoản tiền lớn để mua đất cất rạp thì chưa thấy ông, bà bầu nào dám mạnh tay. Trong tình thế đó tất cả họ đều đi thuê rạp để làm sân khấu.

 Làn sóng xã hội hóa ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM một thời nhộn nhịp với sự đầu tư của Mỹ Uyên, Cát Tường, Tuyết Thu, giờ đây cũng đang có những kế hoạch cho riêng mình. Vở diễn tốt nghiệp Dòng nhớ của đạo diễn trẻ Hạnh Thúy sau khi "chảy" đến Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2009 đã quyết định dừng lại ở nhà hát này. Tháng 11 đến, các nghệ sĩ Trung Dân, Hạnh Thúy, Kim Xuân... sẽ tiếp tục cho ra đời vở Lá sầu đâu theo mô hình tự đầu tư. Trong lúc đó, nghệ sĩ Ngọc Trinh cũng đang bày tỏ ý định đầu tư một vở nhạc kịch Hàn Quốc với nhà hát.

"Hãy cho tôi một cái rạp, tôi sẽ có cách làm sân khấu mà xem!" - Đó là tâm nguyện chung của các ông bầu bà bầu đang muốn phát triển kịch ở TP.HCM.

Quang Thi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.