Cần một “pháp lệnh xả lũ”

23/10/2009 00:58 GMT+7

Lâu nay, người ta ví nói chuyện bão lụt như là chuyện cãi nhau với... trời. Nhưng sau cơn bão số 9, thì chuyện này lại chuyển sang cãi nhau với... người!

Tại cuộc họp ngày 16.10 bàn về chuyện thủy điện A Vương xả lũ, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam bức xúc: “Tôi lên đây, cãi nhau với các ông không phải để đổ tội, để quy trách nhiệm, mà là cùng rút kinh nghiệm, để các ông xem lại quy trình xả nước làm sao cho hợp lý”.

Đại diện Bộ Công thương đứng lên phản bác ý kiến của ông Quang: “Nói quy trình xả lũ hồ mà Bộ ban hành có vấn đề là sai. Nói cái gì cũng phải có căn cứ khoa học. Chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ…”.

Cuộc họp cuối cùng cũng “hòa cả làng” để chờ... “nghiên cứu kỹ”.  A Vương không sai, Bộ không sai, tỉnh không sai... cuối cùng thì ai sai?

Ai sai thì dân cũng chịu!

GS-TS Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương bình luận: “Còn với hồ thủy điện, khi đưa vào vận hành cũng phải có quy trình tích - xả lũ tùy theo quy mô thiết kế, dung tích phòng lũ của mỗi hồ. Tuy nhiên có thực tế là khi xây dựng, các đơn vị thường sợ tốn tiền, sợ đầu tư lớn nên không xây thêm hồ phòng lũ”. Quá khôi hài!

Hãy bỏ qua một bên chuyện nhà nhà làm thủy điện, người người làm thủy điện theo kiểu “trăm hoa đua nở” ở cái vùng miền Trung đầy bão lũ này, coi như đó là “sự đã rồi” thì vấn đề đặt ra là, chẳng lẽ chịu bó tay trước những người chạy theo lợi nhuận như GS Học nói?

Sinh ra thì phải quản, quản chưa được thì tìm cách quản, cái gì cũng do con người làm ra thì con người cũng biết chế ngự nó.

Bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, bất cứ hồ thủy điện nào cũng đều có quy trình vận hành nhất định. “Đối với trường hợp hồ thủy điện A Vương, nếu có tính toán mức nước và thời điểm xả lũ hợp lý thì sẽ không gây ảnh hưởng đến hạ du như hiện nay”. Tính toán là được, vậy thì ai là người tính toán?

Được biết, một số công trình thủy điện lớn ở phía Bắc đã ký hợp đồng với các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn để tính toán lượng nước mỗi khi có mưa to để chủ động xả hồ trước. Đại để sắp đến mưa có lượng nước bao nhiêu, nay cần xả trước bao nhiêu - đó là một cách làm chủ động và rất hay. Hay thì vì sao không làm, không buộc phải làm? Đó lại là một câu hỏi khác mà chỉ có thể trả lời là về mặt pháp quy của chúng ta “có vấn đề”.

Một người dân bình thường cũng có thể đặt câu hỏi, vì sao chúng ta không có một pháp lệnh riêng về việc xả lũ? Một pháp lệnh để cứu cuộc sống hàng triệu người dân thì sao không làm?

“Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định về lập và ban hành quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước công trình thủy lợi” đến tháng 9.2009 vẫn đang đặt trên bàn, đang xin ý kiến... Trong đó cho biết: “Tính đến nay cả nước có 2.198 hồ chứa dung tích trên 0,2 triệu m3, trong đó có 174 hồ chứa dung tích trên 5 triệu m3. Các hồ chứa tuy có phát huy hiệu quả trong cấp nước mùa kiệt nhưng cũng tiềm ẩn nhiều hiểm họa trong mùa mưa lũ. Do đó, việc vận hành điều tiết hồ chứa, nhất là điều tiết phòng, chống lũ là rất quan trọng, không những đảm bảo hồ được an toàn trong suốt mùa mưa lũ mà còn tích nước hợp lý, đủ dung tích để cấp nước vào mùa kiệt”.

Vậy là ai cũng biết, vấn đề còn lại là làm. Quy chuẩn gì đó thì làm nhanh lên, đừng đặt trên bàn nữa. Có quy chuẩn ban hành rồi thì tiến lên một văn bản có giá trị pháp lý hơn, là luật, là pháp lệnh, là nghị định... là tất cả những gì để bảo vệ người dân.

Nếu không, mùa lũ năm sau cán bộ lại ngồi cãi nhau, còn dân thì tiếp tục oằn lưng mà gánh!

Nguyễn Thế Thịnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.