Đây mới thật là "bài văn lạ"!

28/10/2006 00:16 GMT+7

Ngót tuần nay, không chỉ "cư dân mạng" mới xôn xao về một "bài văn lạ" của em học sinh lớp 10 chuyên văn ĐHSPHN Hà Minh Ngọc, mà rất nhiều phụ huynh, nhiều người quan tâm đến chuyện "dạy văn học văn" hiện nay, và cả những nhà văn chuyên nghiệp cũng đồng thanh ca ngợi bài văn "kiểm tra 1 tiết" này.

Riêng tôi, khi đọc bài văn này trên mạng, tôi đã ngạc nhiên đến mức phải thốt lên: "Đây mới thực là bài văn lạ. Đây chính là tản văn của một nhà văn chuyên nghiệp!". Dĩ nhiên, em Hà Minh Ngọc đã tự mình viết bài văn ấy mà không có bất cứ "sự trợ giúp" nào của các "bài văn mẫu". Đơn giản, vì "văn mẫu" ở ta chưa hề có bài nào tương đồng như bài văn của em Ngọc. Và phải nói, rất đáng buồn, là cũng chưa thấy có một đề văn trong một cuộc thi văn chính thức nào tương đồng với đề văn mà cô giáo Nguyễn Bích Thảo đã ra cho học sinh lớp mình trong một kỳ kiểm tra bình thường đầu năm học.

Như thế, dù bài văn của em Ngọc là một trường hợp đột xuất, một trường hợp đặc biệt đi chăng nữa, thì phải nhận rằng, một khi giáo viên dạy văn không áp đặt, nhồi nhét kiến thức một cách khô cứng cho học trò, mà dạy văn trên tinh thần trao đổi, đối thoại, gợi mở, cộng với những đề văn thật giản dị, gắn chặt với những vấn đề của cuộc sống, của tình cảm học sinh, thì thế nào cũng sẽ gặt hái được những bài văn xuất sắc như bài văn của em Ngọc. Từ cách ra đề một cách giản dị, rất văn mà rất đời này của cô giáo Nguyễn Bích Thảo, tôi đề nghị Bộ Giáo dục nên thực tâm tham khảo để rút kinh nghiệm, không chỉ cho cách ra đề, mà cho cả cách dạy văn và học văn trong những năm tới của học sinh phổ thông. Nếu cứ thay sách giáo khoa, thay nội dung truyền đạt mà không thay phương pháp truyền đạt, cũng như thay "văn mẫu" mà không thay cách học văn, cách cảm thụ văn học như cách hiểu "văn học là nhân học", thì sẽ đến lúc không chỉ học sinh phổ thông chán môn văn, dị ứng với học văn, mà số đông người trong xã hội ta cũng sẽ, hoặc là xa lánh, hoặc là dè bỉu, coi thường văn học thông qua cách dạy văn và học văn trong trường học. Đó là một tâm lý đang có thật, và rất đáng báo động. Con người, dù là con người hiện đại, sẽ như thế nào khi không có văn học, khi không biết cảm thụ, thưởng thức văn học, thấy ở văn học những câu hỏi và những câu trả lời cho chính cuộc sống của mình ? Tôi cho bài văn của em Hà Minh Ngọc là một tín hiệu thức tỉnh không chỉ cho những giáo viên dạy văn, mà cho cả ngành giáo dục trong cách nhìn nhận vai trò của văn học và cách đưa học sinh đến với văn học, cũng như cách khiến văn học trở nên gần gũi và không thể thiếu đối với đời sống tinh thần của học sinh.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.