Tổng thống Pakistan nhờ Mỹ lật đổ giới tướng lãnh?

18/11/2011 14:52 GMT+7

(TNO) Quan hệ giữa Tổng thống Pakistan Asif Zardari và giới quân đội lún sâu vào khủng hoảng hôm 17.11 sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen xác nhận về một bức thư của Chính phủ Pakistan thúc giục Mỹ lật đổ các tướng lãnh hàng đầu.

(TNO) Quan hệ giữa Tổng thống Pakistan Asif Zardari và giới quân đội lún sâu vào khủng hoảng hôm 17.11 sau khi cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen xác nhận về một bức thư của Chính phủ Pakistan thúc giục Mỹ lật đổ các tướng lãnh hàng đầu.


 Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani - Ảnh: AFP

Theo tờ New York Times, Đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani đã đệ đơn từ chức giữa cơn bão ngoại giao và chính trị ở Pakistan xung quanh một bức thư bí mật trong đó đề nghị người Mỹ giúp đối phó với phe quân đội đầy quyền lực.

Ông Haqqani đã bác bỏ mọi sự dính líu đến bức thư song nói ông từ chức để chấm dứt vụ việc gây tranh cãi.

Những tố giác về việc ông Haqqani viết bức thư được đưa ra bởi doanh nhân người Mỹ gốc Pakistan Mansoor Ijaz, người tiết lộ ông được đề nghị chuyển thư đến tận tay ông Mullen.

Ông Ijaz cho biết trong bức thư, Chính phủ Pakistan đã tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm ngăn chặn một cuộc đảo chính tiềm tàng của giới quân đội vào tháng 5.

Quân đội Pakistan vốn bị bẽ mặt sau cuộc đột kích của Mỹ nhằm tiêu diệt Osama bin Laden vào tháng 5 và ông Zardani lo sợ các tướng lãnh sẽ thực hiện cuộc đảo chính để lấy lại nhuệ khí.

Ông Ijaz nói bức thư ngụ ý rằng Chính phủ Pakistan cam kết sẽ giải tán một phần cơ quan tình báo hàng đầu của nước này ISI. Đơn vị được hứa hẹn giải tán vốn bị tố cáo cộng tác với Taliban và các chỉ huy của mạng lưới quân sự Haqqani.

Vào hôm 17.11, cựu phát ngôn của của ông Mullen, John Kirby, xác nhận bức thư đã được chuyển song ông Mullen không cho rằng bức thư là đáng tin cậy. “Vì thế, ông ấy không chuyển nó cho bất cứ ai”, ông Kirby nói.

Ông Kirby bổ sung bức thư không được ký tên và được chuyển bởi một người khác chứ không phải ông Ijaz.

Những người ủng hộ ông Haqqani phản bác rằng ông này duy trì mối quan hệ thân cận với các quan chức Mỹ, bao gồm đô đốc Mullen, và không cần một trung gian để chuyển bức thư, đặc biệt với một bức thư chứa đựng các chi tiết gây chấn động và nhạy cảm về ngoại giao như thế.

Tranh cãi về bức thư đe dọa làm xấu thêm mối quan hệ xung khắc giữa chính phủ dân sự Pakistan và giới quân đội đầy quyền lực.

Nhiều người ở Pakistan xem ông Haqqani là người quá thân Mỹ vì ông thường vận động cho mối quan hệ thân cận hơn giữa hai nước.

Trước khi trở thành đại sứ tại Mỹ, ông Haqqani cũng thường công khai chỉ trích giới quân đội song từ khi nhận nhiệm vụ đại sứ ông đôi khi thể hiện sự ủng hộ với Pakistan khi nói chuyện với các quan chức Mỹ. Nhiều người trong giới quân đội Paksitan nhìn ông Haqqani với con mắt nghi kỵ.

Trong tuần này, Chính phủ Pakistan nói ông Haqqani đã được yêu cầu trở về nước để trả lời những câu hỏi về bức thư nói trên. Ông Haqqani nói Tổng thống Zardari sẽ là người quyết định việc ông có tiếp tục nhiệm vụ đại sứ hay không.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.