Mong sớm biết... "giận mình"

06/11/2007 15:22 GMT+7

(TNO) Thời đại công nghiệp, phải tranh thủ thời gian; tiếp khách, ngoại giao vì công việc; lâu lâu thư giãn với bạn bè, và nhiều nhiều nữa những lý do mà người ta có thể đưa ra để biện minh cho sự bỏ bữa cơm nhà. Quả có những việc như thế thật. Tuy nhiên, đến một lúc tự dưng thèm một bữa cơm nhà, thì...

"Từ ngày chuyển sang cơ quan mới, tôi bận bịu suốt nên thường xuyên vắng nhà. Không phải là người "thích phở chê cơm", nhưng vì đặc thù công việc, tôi gần như không còn ăn cơm nhà.

Đi sớm, về tối, suốt ngày ở ngoài đường nên bạ đâu tôi ăn đó. Lúc thì cơm bụi, lúc thì cùng bạn bè đồng nghiệp bù khú, lai rai đến tận khuya. Nhiều hôm, tôi về tới nhà thì vợ tôi đã yên giấc. Chỉ có chiếc lồng bàn úp trên mâm cơm là vẫn còn đợi chủ. Lòng chạnh xót, tôi tự nhủ sẽ cố gắng về ăn cơm nhà với vợ... Nhưng công việc và cả thói quen cứ đưa tôi "ngao du" từ quán này sang quán khác. Những lúc chén tạc chén thù, tôi cứ nghĩ ăn để mà sống, chứ ai sống để mà ăn. Cần gì phải có đủ cả vợ cả chồng trong mâm cơm thì bữa ăn mới ngon...

Thế rồi vợ tôi được cơ quan cử ra Hà Nội học một khóa ngắn hạn hai tuần. Dịp này, tôi xin cơ quan nghỉ phép vì cũng muốn "xả hơi" sau một thời gian bươn chải.

Là một người biết chút ít chuyện bếp núc, lại thèm mấy món rau củ để bổ sung chất "xanh" vốn ít được ăn ở quán xá, tôi háo hức lên thực đơn, hăm hở ra chợ mua đồ về tỉ mẩn chế biến. Một mình nhặt rau, gọt củ rồi loay hoay nấu nướng... tôi mới "phát hiện" để hoàn thành một bữa ăn không đơn giản chút nào, nhất là với một người hiếm khi vào bếp như tôi.

Xong xuôi, bày biện lên bàn, nhìn "thành quả lao động" của mình, tôi không khỏi tự hào và chắc rằng mình sẽ có bữa ăn như ý. Nhưng, khi ngồi vào bàn, một mình quạnh quẽ ăn, không có người trò chuyện, ăn ngon mà không biết san sẻ cùng ai, tự dưng tôi thấy sao nhạt nhẽo và trống vắng...

Khi đó, tôi mới hiểu ra rằng, cái tôi cảm thấy thiếu là sự hiện diện của người vợ thân yêu. Dẫu cho mâm cao cỗ đầy, sơn hào hải vị gì chăng nữa, mà chỉ có một mình mình ăn thì cũng trở nên vô vị. Bất chợt, tôi nhớ đến câu ca dao: "Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon". Đúng là cái ngon ở đây không đơn thuần chỉ là giá trị dinh dưỡng của bữa ăn, mà còn là ở không khí ấm áp, sum vầy của các thành viên trong gia đình bên mâm cơm...

Nghĩ vậy, tôi thấy thật thương cho vợ mình trong những ngày thui thủi ăn cơm một mình, khi tôi luôn vắng nhà và giận mình sao quá thờ ơ, vô tâm". (Tác giả Thanh Lâm, đăng trên Báo Phụ nữ TP.HCM số ra ngày 6.11.2007).

Mong rằng sẽ có nhiều đấng trượng phu sớm có cảm giác thèm được ăn những món chỉ có trong bếp nhà mình, sớm biết "giận mình" như tác giả của những dòng tâm sự trên, để gia đình thực sự là "tổ ấm" của tất cả mọi thành viên, để bữa ăn gia đình thực sự là nơi người ta được thưởng thức, chia sẻ, cảm nhận (chứ không phải chỉ ăn để mà sống), và nhất là để cho "một nửa của mình" không còn phải "thui thủi ăn cơm một mình"...

Thời đại công nghiệp, lại càng cần sớm nhận ra những điều đó.

Phương Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.