Bao giờ có mắm tôm, mắm tép sạch ?

06/11/2007 20:15 GMT+7

Mắm tôm, mắm tép là “nghi can” số một gây tiêu chảy cấp trên một số địa bàn. Nhưng đây lại là món ăn truyền thống trong kho tàng văn hóa ẩm thực, phải làm sao? PGS.TS Phạm Công Thành (ảnh), Phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết:

- Ở một số vùng ven biển, làm mắm tôm, mắm tép rất đơn giản. Lấy tôm, tép sống ướp với muối, tức là dùng áp suất thẩm thấu của muối ăn để hạn chế sự hoạt động của vi sinh vật. Sau một thời gian phơi nắng nhất định sẽ tạo thành sản phẩm. Quá trình sản xuất mắm tôm, mắm tép nguồn nguyên liệu sạch hay không sạch rất quan trọng dẫn  đến chất lượng các sản phẩm sau này. Trên thực tế, khi kiểm tra nguyên liệu mắm tôm, mắm tép ở một số nơi, chúng tôi thấy nếu nguyên liệu còn tươi, người ta đem bán vì nó được giá hơn nhiều. Chỉ có chất lượng kém, người dân mới làm mắm. Chính vì nguồn nguyên liệu không đảm bảo dẫn đến vi sinh vật gây bệnh lưu lại hoặc phát triển.

* Ông đánh giá như thế nào về khả năng lây bệnh từ mắm tôm và mắm tép so với các loại thực phẩm khác ?


Mắm tôm được làm như thế này không thể đảm bảo vệ sinh - Ảnh: L.Q.P

- Theo tôi, mắm tôm và mắm tép dễ có khả năng lây bệnh tiêu chảy cấp hơn cả. Mắm tôm rất dậy mùi, trong quá trình sản xuất, vận chuyển, đến lúc ăn rất khó bảo quản sạch tuyệt đối vì ruồi, nhặng cứ ngửi thấy mùi mắm... là bay đến liền. Nhưng đây là một sản phẩm do nhu cầu xã hội, thậm chí là sản phẩm truyền thống nên vận động người dân từ bỏ ngay là rất khó. Do vậy, biện pháp trước mắt là tuyên truyền vận động người dân không ăn mắm tôm, mắm tép kém chất lượng.

Thế nhưng, cần phải nói rõ rằng, nguồn gây bệnh tiêu chảy cấp không chỉ từ ăn mắm tôm, mắm tép. Nếu nguồn nước bẩn, các thức ăn khác mất vệ sinh vẫn gây tiêu chảy như thường.

* Nhưng làm thế nào để nhận biết được sản phẩm kém chất lượng hay đảm bảo chất lượng ?

- Đánh giá chất lượng có nhiều cách. Nếu bằng quan sát để nhận biết thì, sản phẩm tốt sẽ đặc sền sệt, có màu sáng, màu đỏ đẹp không bị đen, xám; có mùi thơm đặc trưng của mắm tôm quá trình lên men. Còn loại không tốt có mùi nặng hay còn gọi là mùi khắm, mùi thum thủm của hợp chất phân hủy.

* Vậy khi nào có mắm tôm, mắm tép sạch, an toàn cho người tiêu dùng ?

- Trong những năm qua, chúng tôi đã nhận rất nhiều đơn đặt hàng chuyển giao công nghệ sản xuất nước mắm, tôm chua; còn mắm tôm, mắm tép thì chưa... Nhưng nếu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế có các tiêu chuẩn cụ thể như: nguyên liệu sản xuất phải đạt chất lượng như thế nào, các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm ra sao...  chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu quy trình sản xuất công nghiệp mắm tôm, mắm tép sạch phục vụ người tiêu dùng.

Thu Hằng (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.