“Lướt sóng” bằng cổ phiếu mượn

16/11/2008 22:25 GMT+7

Thị trường diễn biến bất ngờ khiến việc “lướt sóng” của các nhà đầu tư (NĐT) cơ hội trở nên khó khăn. Không chịu bó tay, một số NĐT “lướt sóng” chuyên nghiệp đã sáng tạo ra phương cách lướt bằng cổ phiếu... mượn.

Chuyển từ đầu tư dài hạn sang lướt sóng cả năm nay, một NĐT có tài khoản tại sàn giao dịch chứng khoán Đại Việt cho biết, chưa bao giờ làm ăn trên sàn lại khó khăn như hiện nay. Thị trường nhạy cảm trước các tác động, diễn biến khó đoán định khiến các NĐT cơ hội khó khăn trong việc dự đoán xu hướng tăng, giảm của cổ phiếu (CP) để lướt sóng. Nếu như trước kia, đón đầu được thông tin tốt có thể tạo ra lợi nhuận khi thị trường hấp thụ các thông tin này một cách hồ hởi và dài hơi, đủ thời gian để tạo thành một chu kỳ T+4 (khớp lệnh thì 3 phiên sau CP về tài khoản) để thu lợi nhuận. Nhưng thị trường hiện nay đã khác, thông tin tích cực cũng mang lại hứng khởi nhưng rất ngắn ngủi, có khi chỉ một phiên tăng điểm rồi lại quay đầu mất giá.

Trong hoàn cảnh đó, cách mượn CP để lướt sóng đã nảy sinh và lan rộng trong nhiều NĐT. Hình thức mượn CP diễn ra khá đơn giản, thường là mượn bạn bè, người thân và những mối quan hệ đủ để tin tưởng nhau. Những người cho mượn hầu hết là những người đang nắm giữ CP nhưng ít giao dịch. Vì vậy, việc cho mượn CP kiếm ít lời là việc dễ thỏa thuận. 

Theo một NĐT chuyên về cách kinh doanh này, việc lướt sóng bằng cách mượn CP thường có cơ hội khi xuất hiện những thông tin tác động giúp thị trường tăng nhất thời. Đơn cử như thông tin về việc nới lỏng chính sách tiền tệ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, thông tin giá xăng giảm, thông tin từ thị trường chứng khoán Mỹ... Những thông tin này thường có tác dụng trấn an tâm lý NĐT chứ không đủ làm thay đổi xu hướng của thị trường. Trong trường hợp đó, thường chứng khoán chỉ tăng điểm 1 hoặc 2 phiên rồi lại giảm. Nếu mua vào và đợi 3 ngày sau mới có CP về để bán thì không kịp. Vì vậy, chỉ có cách mượn CP để bán kiếm lời, tất nhiên mọi giao dịch đều thực hiện trên tài khoản của người cho mượn.

Mức "phí" cho mượn CP theo thỏa thuận giữa hai bên nhưng trung bình khoảng 3%/lợi nhuận thu được nếu vụ “lướt sóng” thành công. Sau đó tùy theo thời điểm, người mượn CP sẽ mua vào để hoàn trả cho người cho mượn CP.  Thoạt nhìn, cách kinh doanh này có lợi cho cả đôi bên. Những NĐT bị chôn vốn vì CP mất giá, phải chuyển sang đầu tư dài hạn chờ thị trường phục hồi có thêm "cửa" làm ăn. Còn những NĐT lướt sóng cũng tìm cách thu lợi nhuận cho mình trong thời buổi thị trường khó khăn. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh này thực sự tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả hai bên. Với NĐT lướt sóng, việc tính toán tăng, giảm của thị trường không phải lúc nào cũng chính xác. Chính vì vậy, nhiều trường hợp, mượn CP lướt sóng kiếm được khoảng 10% lợi nhuận nhưng sau đó, giá CP tiếp tục tăng nên cuối cùng, sau khi mua CP hoàn trả, NĐT lỗ đến 30%. 

Một NĐT từng nhiều lần mượn CP của bạn bè để lướt sóng phân tích: mượn CP để phá thế kẹt T+4 nên lợi nhuận thường chỉ khoảng từ 10% đổ lại do phải bán chỉ sau 1 đến 2 phiên. Lỡ gặp phải lúc thị trường làm một lèo tăng điểm 5 - 7 phiên liên tục thì lỗ là cầm chắc sau khi phải mua lại CP để hoàn trả. Tình trạng này thường xuyên xảy ra do diễn biến thị trường hiện nay rất khó đoán. "Lúc giá xăng giảm, nhiều người trong chúng tôi cho rằng thị trường sẽ chỉ tăng điểm 1 - 2 phiên là cùng vì chứng khoán thế giới vẫn đang suy thoái. Tâm lý NĐT trong nước đang bi quan. Nhưng không ngờ vừa qua thị trường lại có 6 phiên tăng điểm liên tiếp khiến lợi nhuận thu được mấy phiên trước đó nay không đủ bù lỗ" - NĐT này nói. Đó là chưa kể đến việc mua, bán bằng tài khoản của người khác, nếu xảy ra tranh chấp thì rất khó để chứng minh lẽ phải thuộc về mình. 

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.