Sân khấu đầu năm: Rạo rực đến...1.001 kiểu ghen

01/01/2009 22:37 GMT+7

Sân khấu TP.HCM đang chạy đua với lịch tập để các vở diễn kịp ra mắt khán giả vào dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, dù kinh tế suy thoái, nhưng xem chừng các sân khấu lại có kịch mục xôm tụ hơn.

Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) tưng bừng với 4 vở. Chính nhờ phương thức “xã hội hóa trong lòng xã hội hóa” mà các nghệ sĩ tự bỏ tiền đầu tư, trở thành những ông bà bầu mini của nhà hát. Tuyết Thu và Ái Như đầu tư vở Cho em 150 phút phiêu lưu. Cát Tường đầu tư vở Rạo rực. Mỹ Uyên đầu tư vở Nếu như yêu. Với 3 đạo diễn lão luyện Trần Minh Ngọc, Ái Như và Lý Khắc Lynh thì ba vở này nhiều khả năng sẽ thắng lớn. Tuy cùng là đề tài tình yêu, nhưng Rạo rực lại mở rộng đến những tham vọng của con người, nếu không biết tự kiềm chế sẽ mang lại cho chính mình đau khổ. Đạo diễn Minh Nguyệt vừa đầu tư, lại vừa viết, vừa dựng vở Cánh đồng bất tận; tuy vở sẽ diễn lui lại sau “mùng” chút ít, nhưng vẫn còn trong thời gian Tết.

Kịch Phú Nhuận vừa có thêm rạp Kim Châu nên cũng dựng 4 vở. Kỹ nghệ lấy Tây Ngôi nhà hoang đã hoàn tất, còn lại Nội là của chúng con (chuyện về những thân phận ô-sin), và Tiền ơi là tiền (chuyện đồng tiền đang thao túng xã hội) với tác giả kiêm đạo diễn rất mới là cây hài nổi tiếng Trung Dân. Thật ra, Trung Dân đã từng viết Tiếng vạc sành rất hay cho sân khấu IDECAF, và anh luôn ấp ủ những câu chuyện đời cay đắng trong suốt quá trình đi đó đi đây làm chương trình Ngôi nhà mơ ước. Anh đã lặng lẽ viết thành nhiều truyện ngắn và kịch bản. Anh nói: “Viết để bớt bức xúc, còn bao giờ có thể phổ biến thì tính sau”. Năm nay hẳn anh vui rồi vì chẳng những kịch bản được đem dùng mà lại còn do chính mình đạo diễn.

Trong khi đó, Kịch IDECAF ra mắt 3 vở. Lùng người trong mộng được đồn đại là do Lê Hoàng phát triển tiếp đường dây của vở Sát thủ hai mảnh, nhưng sự thật thế nào thì... cứ xem rồi biết. Quan thích làm quan vẫn trung thành với kiểu hài châm biếm mà IDECAF thường dựng, lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, cười những ông quan chẳng có năng lực nhưng cứ ham giữ ghế. Đùa với bóng cũng hài hước nhưng pha chút triết lý, rằng những ai thích bỡn cợt với cuộc đời, không biết trân trọng thứ hạnh phúc trong tầm tay thì có ngày sẽ bị cô lập. Lâu lắm rồi, sau Tiếng vạc sành, mới thấy Thanh Thủy ra tay làm đạo diễn. Bi kịch chị đã dựng rất hay, không biết với hài kịch như Quan thích làm quan chị sẽ xử lý ra sao. 

Kịch Sài Gòn thì trình làng đến 5 vở vì có thêm rạp Đại Đồng: Siêu mẫu si tình, Thần tài gõ cửa, Thiên thần may mắn, Ai là cô dâu, 1.001 kiểu ghen. Năm nay Kịch Sài Gòn có 3 gương mặt đạo diễn rất mới là Thành Công (từ Bình Phước chuyển về), Tiểu Bảo Quốc (vốn là diễn viên sân khấu này), và Lê Hay (diễn viên Kịch Phú Nhuận). Giám đốc Phước Sang dám cho người mới thử sức, là một cách ủng hộ anh em cùng phát triển nghề. Cả Hoài Linh, Minh Nhí, Thúy Nga cũng sẽ về ủng hộ Kịch Sài Gòn, coi như năm nay nhóm bạn cũ lại tái ngộ. Sân khấu Nụ Cười Mới cũng xôm tụ với 2 vở dù mặt bằng rạp Măng Non khá khiêm tốn. Điều đáng ngạc nhiên là Giám đốc Hữu Lộc rất chịu chơi, vừa viết kịch bản vừa đạo diễn vở Ba anh cua má em, trong khi vở Câu lạc bộ quý bà anh lại cầu viện đạo diễn Trần Ngọc Giàu.

Cải lương năm nay đáng chú ý nhất là vở Dấu ấn giao thời do Hoa Hạ đạo diễn cho nhóm Thắp sáng niềm tin của Nhà hát Trần Hữu Trang. Vở này của tác giả Triệu Trung Kiên từng được khen ngợi trong Liên hoan Đạo diễn trẻ sân khấu toàn quốc 2007, nay được dựng với những gương mặt trẻ từng được huy chương vàng giải Trần Hữu Trang hoặc Chuông vàng Vọng cổ truyền hình như Lê Tứ, Hồng Thắm, Võ Minh Lâm, Thy Phương... Còn thêm anh kép trẻ Hiền Linh từ hát bội mới chuyển sang, thủ vai ngự sử. Đây có lẽ sẽ là dấu ấn bên cạnh các vở quen thuộc được diễn lại như Chung Vô Diệm, Lữ Bố hí Điêu Thuyền.

Rộn ràng như vậy cũng đúng thôi. Sân khấu phía Nam thường ngày vốn đã sôi động, huống chi dịp Tết...

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.