Cảnh sát hình sự phá án - Bài 7: Dò tìm manh mối

07/12/2008 00:36 GMT+7

Cảnh sát hình sự khi tiếp cận điều tra các vụ trọng án không phải lúc nào cũng “đón” được dấu vết rõ ràng của hung thủ để lại hiện trường. Khởi đầu phá án, nhiều khi có thể nói khó như mò kim đáy bể...

Trên địa bàn tỉnh Bình Định gần đây xuất hiện khá nhiều vụ trọng án giết người, cướp của với hành vi hết sức dã man, nguy hiểm mà sau khi gây án, hung thủ dường như không để lại dấu vết gì đáng kể. Nhân chứng nhận diện đối tượng cũng không có càng làm cho công tác điều tra thêm bội phần khó khăn, tưởng chừng như nhiều vụ án sẽ bó tay và sẽ phải mang tiếng “nợ án”. Nhưng các trinh sát bằng kinh nghiệm đánh giá chứng cứ và khả năng phán đoán chuẩn xác đối tượng, chỉ trong một thời gian ngắn, hung thủ đã lộ diện. 

Thượng tá Nguyễn Đình Ngọc, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC14) – Công an tỉnh Bình Định được xem là khắc tinh của các tên tội phạm. Bất kỳ vụ án nào, trước khi ký lệnh bắt, thượng tá Ngọc đều trực tiếp cùng các cộng sự đến hiện trường kiểm tra tính xác thực của manh mối, tiếp xúc kỹ với nhân chứng... “Khi nào đủ tài liệu chứng cứ buộc tội thì mình mới quyết định khởi tố. Điều này để tránh oan sai và giúp xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội. Gặp đối tượng nghi vấn cố chối bỏ hành vi phạm tội, nhưng nhìn vào ánh mắt, tâm lý, mình sẽ có những bước tính toán tiếp theo. Trên thực tế, mình đâu được phép đánh đập đối tượng để lấy lời khai, nên những gì mình chứng minh được phải làm cho đối tượng tâm phục khẩu phục”, thượng tá Ngọc chia sẻ. 

Chiếc bao tải  nổi trên hồ

Dư luận vẫn còn bất bình về hành vi giết - cướp hết sức dã man của tên Đỗ Trường Sơn, ở xã Vĩnh Hiệp, huyện miền núi Vĩnh Thạnh. Ít người biết rõ, để đưa hung thủ ra trước vành móng ngựa, các trinh sát hình sự đã phải nỗ lực phá án đến mức nào. Khoảng 16 giờ 30 ngày 13.4.2008, nhân dân phát hiện một bao tải bên trong có xác người đàn ông nổi trên hồ Hòn Lập thuộc xã Vĩnh Hiệp. Công an xã đến hiện trường kiểm tra, xác định nạn nhân là ông Huỳnh Bê, đã mất tích từ ngày 9.4.2008, với số tiền mang theo gần 20 triệu đồng. 9 giờ sáng 14.4, công an tỉnh nhận tin báo và ngay lập tức, thượng tá Ngọc cùng các cộng sự vào cuộc.

Hung thủ là ai? Câu hỏi ấy không dễ có ngay lời giải đáp. Nạn nhân lâu nay không thù hằn, mâu thuẫn gì với ai, thế thì do đâu lại bị giết hại dã man? Qua tìm hiểu bước đầu, trinh sát phán đoán đây có thể là một vụ giết - cướp. Manh mối mà trinh sát dùng để dò tìm là chiếc xe đạp mà nạn nhân đã từng sử dụng bị bỏ gần phía sau vườn nhà Đỗ Trường Sơn. Khám xét thấy buồng nhà Sơn có mùi tanh từ vết máu đã phai, trong nhà có loại bao tải giống như bao tải đựng xác nạn nhân. Tên này khét tiếng liều mạng, từng dùng dao cứa cổ chủ tịch xã. Tuy nghi vấn Sơn là hung thủ, nhưng chứng cứ buộc tội còn mù mờ và quan trọng hơn là lúc này Sơn đã rời khỏi địa phương.

Qua tiếp xúc với S. (em gái Sơn), thượng tá Ngọc tinh ý đoán biết Sơn đang ở TP.HCM với bạn trai của S., mặc dù cô em gái cứ khăng khăng bảo anh mình đang ở Đắk Lắk. Thượng tá Ngọc quyết định lên đường ngay trong đêm 14.4, đến sáng 15.4 thì tiếp cận được nơi trú ẩn của Sơn (thuộc P.5, Q.Gò Vấp), phối hợp với công an phường mời đối tượng đến trụ sở làm việc. Kiểm tra người và ví của Sơn chỉ có 2.000 đồng. Sơn lầm lì chối phăng các câu hỏi của điều tra viên. Nhưng thật bất ngờ khi thượng tá Ngọc tiến lại gần, vừa hỏi vừa nói: “Ông Huỳnh Bê bị giết chết bỏ vào bao tải thả xuống hồ đã nổi lên, bên trong có hòn đá; loại bao này nhà Sơn có rất nhiều phải không? Chiếc xe đạp ông Bê đi lý do sao có ở gần nhà Sơn? Máu của ông Bê dính trong nhà Sơn đã có lau nhưng vẫn còn sót lại, trong khi đó ở nhà Sơn chỉ có một mình...”, mới nghe đến đây thì Sơn bỗng thất thần, sắc mặt tái dần rồi gục xuống bàn. Sơn biết không thể nào chối cãi được nên thừa nhận đã lừa ông Bê qua nhà nghe điện thoại rồi giết chết nạn nhân để cướp tiền. Số tiền cướp được gần 20 triệu đồng đã thua bạc, tiêu xài hết sạch... Mọi người thở phào nhẹ nhõm vì hung thủ mặc dù đã “cao chạy xa bay” nhưng chỉ chưa tới 24 giờ sau đã bị bắt. 

 Rúng động tiếng  nổ trong đêm

Tối 5.11 vừa qua, tại thôn Thiện Đức, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn xảy ra một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Bà Võ Thị Mỵ (40 tuổi) và chồng mới kết hôn, ông Lê Sâm (46 tuổi) khi đang ngồi xem ti vi thì nghe một tiếng nổ lớn, mùi thuốc súng bốc lên nồng nặc. Hai vợ chồng bàng hoàng cho biết trước đó có một người gọi điện dọa giết. Hàng xóm rúng động ùn ùn kéo đến tìm hiểu sự tình, nhưng không một ai nhận dạng hoặc có manh mối gì về thủ phạm. Giám đốc công an tỉnh chỉ đạo lực lượng PC 14 thụ lý điều tra ngay từ đầu, bởi đây là vụ án cố ý giết người dưới dạng “khủng bố” bằng mìn tự tạo lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn, gây tâm lý bất an ở địa phương.

Bước đầu tìm hiểu xác minh đối tượng nghi vấn là Bùi Thị Táng (42 tuổi, vốn là vợ cũ của ông Sâm), vì ghen tuông nên mâu thuẫn với bà Mỵ. Nhưng qua một vài nguồn tin, trinh sát biết được, khi sự việc xảy ra có 3 thanh niên đi trên 2 xe máy chạy từ thôn ra hướng quốc lộ 1A. Bà Táng có người cháu rể tên Nguyễn Văn Thủy (31 tuổi, ngụ xã An Phú, TP Pleiku, Gia Lai) xuất hiện ở Thiện Đức vào ngày 5.11, nhưng sau đó bỏ đi đâu không rõ. Rà soát hiện trường trên diện rộng, trinh sát phát hiện 2 con dao nằm ở ngã ba thôn, nhưng người mất 2 con dao đó là bà ngoại vợ của Thủy lại một mực phủ nhận. Vụ án đang dần mở ra thì gặp khó, nếu không tích cực điều tra thì sẽ rơi vào bế tắc.

Qua phân tích các tình tiết liên quan, thượng tá Ngọc quyết định phải truy tìm ngay tên Thủy, vì đây có thể là đầu mối duy nhất của vụ án. Ngày 13.11, Thủy về lại Hoài Hương, trinh sát tiếp cận ngay và khi thượng tá Ngọc đưa cho Thủy xem 2 con dao, thì y tỏ ra bối rối. Trước những chứng cứ mà trinh sát thu thập được, Thủy buộc phải thừa nhận hành vi phạm tội. Thủy khai, do mâu thuẫn ghen tuông nên bà Táng thuê Thủy và 2 tên khác (cùng trú xã An Phú, TP Pleiku) đến ném mìn vào nhà hòng giết bà Mỵ và ông Sâm. Riêng bà Táng trước đó vẫn kêu oan, nhưng khi thấy tên Thủy đã bị bắt, mới chịu khai báo rõ hành vi phạm tội của mình và đồng bọn.

Thượng tá Ngọc nói: “Mới đầu tiếp cận thì án mờ (không rõ chứng cứ, manh mối) chiếm khoảng 40% – 50%. Những năm gần đây, các vụ trọng án liên quan đến giết – cướp trên địa bàn Bình Định đều được phá thành công, bắt được hung thủ. Thành tích ấy chỉ là cái phụ. Điều mà chúng tôi luôn day dứt là khi án xảy ra mà mình làm không được, sẽ có lỗi với nạn nhân, với trách nhiệm mà mình gánh vác”. 

 Đình Phú

>> Bài 1: Trận đầu của đội đặc nhiệm
>> Bài 2: Đánh sập mạng cờ bạc quốc tế
>> Bài 3: Truy bắt băng cướp khét tiếng
>> Bài 4: Truy quét những tên dùng súng cướp tiệm vàng
>> Bài 5: Hoàng "bác sĩ" - nỗi ám ảnh của ngân hàng 
>>Bài 6: Khuất phục những sát thủ máu lạnh 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.