Sống với cả tấm lòng...

11/09/2007 22:23 GMT+7

Tổ chức đội hình thanh niên để sẵn sàng hiến máu trong tình huống khẩn cấp, bất kể thời gian để cứu sống tính mạng những bệnh nhân đang đối mặt với tử thần là chuyện không phải dễ. Thế nhưng suốt mấy năm qua, hàng trăm bạn trẻ miền đất võ Bình Định đã thật sự làm được điều này. Họ trở thành "người hùng" của ngân hàng máu sống, luôn kề vai sát cánh cùng "chia sẻ sự sống" với cộng đồng.

Nhiều người đến nay vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi ám ảnh về vụ tai nạn giao thông thảm khốc và hết sức thương tâm xảy ra vào đêm 3.8.2006. Do phóng nhanh vượt ẩu, xe khách biển số 93H-6155 chở 79 người và 1 tấn hàng hóa chạy tuyến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đi Thừa Thiên-Huế, khi đến đèo An Khê (Bình Định) đã lao xuống vực sâu làm chết tại chỗ 12 người, bị thương 67 người (ngày 31.8.2007, TAND tỉnh Bình Định tuyên phạt người điều khiển xe bị nạn - tài xế Dương Tuấn, 32 tuổi - 14 năm tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ). Khi ấy, gần chục chiếc xe cứu thương liên tục hú còi cấp tập đưa nạn nhân về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Hầu hết bác sĩ của bệnh viện phải dốc toàn lực để cứu chữa. Tình huống ngặt nghèo ập đến khiến mọi người hết sức lo lắng. Nhu cầu truyền máu cho nạn nhân quá lớn trong khi nguồn máu dự trữ của bệnh viện chóng vánh cạn kiệt. Sau cuộc điện thoại khẩn của lãnh đạo tỉnh và bệnh viện, hơn 100 đoàn viên, thanh niên kịp thời có mặt hiến hơn 80 đơn vị máu (tương đương 20 lít). Nhờ nguồn máu này mà nạn nhân lần lượt được chuyển vào phòng mổ và rất may là không có thêm người nào tử vong.

Trong số những bạn trẻ tham gia hiến máu cứu người, anh Nguyễn Nam Phương (31 tuổi, ở phường Lý Thường Kiệt, TP Quy Nhơn) luôn tích cực nhất. Lúc còn tham gia công tác Đoàn, anh Phương đã 19 lần tình nguyện hiến máu. Sau chuyến Hành trình trái tim Việt Nam (do Bộ Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp tổ chức, nhằm tôn vinh 100 gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu nhân đạo trên toàn quốc), anh Phương liền vào bệnh viện tham gia hiến máu để cứu sống một bệnh nhân bị sốt xuất huyết. Anh vui vẻ kể: "Hôm ấy là ngày 24.6, đúng vào sinh nhật của mình. Khi nhận điện thoại, mình cũng thấy lo lo vì phải chuẩn bị vui vẻ với bạn bè một tí, nhưng tính mạng bệnh nhân là quan trọng nhất nên mình bỏ hết và phóng xe đến hiến máu luôn".

Bác sĩ Võ Đình Lộc tham gia vào ngân hàng máu sống với 10 lần hiến máu cứu người

Mới đây, vào ngày 4.9, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định tiếp nhận một ca cấp cứu bị dập phổi, đa chấn thương vùng bụng do tai nạn giao thông. Nạn nhân bị mất quá nhiều máu. Để có thể cứu sống cần phải phẫu thuật và truyền máu khẩn cấp. Ngặt nỗi, nhóm máu O mà bệnh nhân đang cần thì bệnh viện không còn. Hay tin, Tỉnh Đoàn Bình Định, Thành Đoàn Quy Nhơn đã huy động hàng chục đoàn viên ở trên địa bàn và đang làm nhiệm vụ tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh trực tiếp đến bệnh viện. Cùng với sự cứu chữa tận tình, phần máu của các bạn trẻ đã giúp nạn nhân (tên Kiên, quê ở Gia Lai) qua cơn nguy kịch. Đợt này, đoàn viên Đặng Thị Thu Hằng chỉ trong vòng 1 tháng đã hiến máu 2 lần. Hỏi có cảm thấy sợ hay lo lắng gì không, Hằng hồn nhiên: "Em thấy trong người... vẫn khỏe re! Trước và sau khi hiến máu, em đã nhờ các bác sĩ cẩn thận kiểm tra sức khỏe nên rất yên tâm".

Theo Ban chỉ đạo cuộc vận động hiến máu nhân đạo tỉnh Bình Định, mỗi năm có hàng ngàn lượt đoàn viên, thanh niên ở các cấp bộ Đoàn, Hội và các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh tham gia hiến máu nhân đạo. Tuy nhiên, số máu thu được cũng chỉ đáp ứng được từ 50 - 70% nhu cầu truyền máu cho bệnh nhân tại các bệnh viện. Việc thành lập và duy trì hiệu quả ngân hàng máu sống hết sức cấp thiết. Vốn đang là cơ sở y tế cấp tỉnh, nhưng Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định thường xuyên phải tiếp nhận nhiều ca cấp cứu được chuyển đến từ các tỉnh lân cận như Phú Yên, Gia Lai... Vì thế, nguồn máu dành cho bệnh nhân luôn bị thiếu hụt. Với mong muốn không để người bệnh chết vì thiếu máu, lãnh đạo bệnh viện đã quyết định thành lập ngân hàng máu sống ngay tại các khoa, phòng. Từ năm 1999 đến nay, hầu hết cán bộ, công nhân viên của bệnh viện đều tham gia hiến máu, chỉ trừ những người lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo hay phụ nữ mang thai. Bác sĩ Trần Thượng Dũng - Bí thư Chi Đoàn bệnh viện bộc bạch: "Bệnh viện "tạm gửi" trên cơ thể mỗi bác sĩ, y tá, điều dưỡng 250 ml máu và có thể lấy bất kỳ lúc nào nếu bệnh nhân cần. Mỗi người là một ngân hàng dự trữ máu sống. Nhiều lúc 2 giờ sáng, lãnh đạo bệnh viện thông báo có ca phẫu thuật cần máu gấp, lập tức các bác sĩ có nhóm máu thích hợp, dù không phải ca trực đều vui vẻ có mặt hiến máu...".

Hơn ai hết, các y bác sĩ luôn thấu hiểu những khó khăn và tầm quan trọng của việc cung cấp máu kịp thời cứu sống tính mạng bệnh nhân. Công việc này không chỉ xuất phát từ nghĩa vụ của một người thầy thuốc mà còn bắt nguồn từ tấm lòng nhân ái. Là một trong những điển hình của ngân hàng máu sống, bác sĩ Võ Đình Lộc (khoa Huyết học) đã cho máu tới 10 lần. Có lần bác sĩ Lộc và nhiều y bác sĩ khác của bệnh viện trực tiếp cho máu khi tham gia những ca phẫu thuật mà nhu cầu truyền máu tăng đột biến. Bằng nghĩa cử ấy, họ đã nhân lên tình thương mến trong tất cả mọi người.

Đình Phú - Hạ Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.