Chuyện bao cao su ở Thái Lan

21/11/2007 16:29 GMT+7

Ở Thái Lan, máy bán bao cao su (BCS) được đặt khắp nơi. Tuy nhiên, hiện nhiều thanh niên Thái lại không dùng BCS khi quan hệ với bạn tình.

Hiểm họa

"17 năm trước, HIV ở Thái Lan thường được khoanh vùng ở mối quan hệ giữa gái mại dâm và khách làng chơi. Nhưng bây giờ, đã có sự thay đổi rất lớn. Không ít đàn ông Thái quan hệ với vợ, bạn tình, những người mới gặp... trong cùng một khoảng thời gian. Họ quan niệm sai lầm rằng những phụ nữ này không phải là gái bán dâm, nên không cần phải mang BCS. Thực ra, đây là một trong những cách lây lan HIV rất nguy hiểm!", tiến sĩ Werasit Sittitrai - Trưởng ban Thư ký Ủy ban Hành động phòng chống AIDS tại Thái Lan nhận định. Theo tiến sĩ Sittitrai, không chỉ có đàn ông mới thích "bồ nhí" mà nhiều phụ nữ Thái cũng chủ động tìm kiếm bạn tình thay thế. Sau vài tháng, hai bên chán nhau và lại đi tìm bạn tình mới. Tiến sĩ Sittitrai cho hay, trung bình mỗi ngày Thái Lan có thêm 40 người mới nhiễm HIV.

"Luật pháp Thái Lan cấm hoạt động mại dâm. Tuy nhiên mại dâm vẫn tồn tại ở một số nơi. Tôi đã từng thuyết phục Chính phủ Thái Lan nên cho đăng ký cơ sở mại dâm nhưng không được chấp nhận. Tôi cho rằng, nếu phá đi khu Patpong (một trong những điểm nóng về mại dâm ở Bangkok- PV) thì sẽ hình thành nên khu Patpeng hoặc một biến thể nào đó. Nếu mại dâm hoạt động kín đáo, trá hình thì sẽ rất khó khăn khi muốn tiếp cận, giáo dục những cô gái bán dâm..."

Giáo sư Praphan Phanuphak, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu AIDS,  Hội Chữ thập đỏ Thái Lan

Ông Patrick J.Brenny- Giám đốc Văn phòng UNAIDS tại Thái Lan nhận xét: 10 năm trước, Thái Lan có những thành công lớn trong việc phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, từ đó họ đã trở nên "quá tự tin" đến chủ quan. Được biết, Thái Lan hiện có khoảng 550 - 700 ngàn người nhiễm HIV. Năm 2006, có 17 ngàn người nhiễm mới. Trong đó, những bệnh lây qua đường tình dục tăng 30%, chủ yếu ở giới trẻ. "Thanh niên Thái thường cho rằng vấn đề HIV thuộc về thế hệ bố mẹ họ chứ không phải thế hệ họ nên chẳng cần lo lắng gì. Thực tế, trong 17 ngàn người nhiễm mới, phần lớn do nam thanh niên không mang BCS khi quan hệ bạn gái; đàn ông Thái lớn tuổi thích quan hệ tình dục với những người trẻ hơn và họ cũng không dùng BCS..."- ông Brenny phân tích.

"Đừng xấu hổ khi mang BCS trong người"

Trước thực trạng đại dịch HIV có nguy cơ quay trở lại, Thái Lan cố gắng huy động tổng lực các sự can thiệp từ "ba chân kiềng": báo chí - chính phủ - các tổ chức phi chính phủ. Tháng 4.2007, Thái Lan cũng đã lập lại Tiểu ban quốc gia hành động Phòng chống HIV/AIDS. Theo đó, chương trình "100% BCS" từng được thực hiện chủ yếu ở các nhà chứa, sau một thời gian gần như bị bỏ quên, đến nay đã được điều chỉnh và hướng đến toàn xã hội. Theo tiến sĩ Praween - Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển dân số và cộng đồng Thái Lan, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, giáo viên, học sinh... đã tham gia tranh tài qua các cuộc thi thổi BCS. Khách hàng có thể mua BCS trên xe taxi, qua các máy bán BCS tự động ở bệnh viện, siêu thị, tiệm vàng... một cách dễ dàng. Đặc biệt, nhiều nhà sư cũng tham gia tuyên truyền phòng chống AIDS và kế hoạch hóa gia đình. Tiến sĩ Pachara  (Bộ Y tế công cộng) thì cho biết Thái Lan đang thực hiện "Chiến lược thay đổi nhận thức trong thanh niên". Theo đó, vào những dịp như Valentine, một số mạng di động gửi tin nhắn tư vấn sức khỏe sinh sản đến những nhóm bạn trẻ. "Bộ Y tế công cộng phối hợp với ngân hàng, đơn vị tư nhân... để tặng BCS cho khách hàng. Chúng tôi cũng làm những bảng quảng cáo ấn tượng, gởi gắm thông điệp đến thanh niên: Đừng xấu hổ khi mang BCS trong người!" - Bà Pachara chia sẻ.

Tham quan mô hình phòng chống HIV/AIDS tại Thái Lan (trong chương trình do Ủy ban phòng chống AIDS TP.HCM và UNAIDS tổ chức từ ngày 11-16.11), tôi đã đến thăm một nhà hàng có cái tên độc đáo: Cabbages & Condoms (Bắp cải và Bao cao su) ở Bangkok. Ngay trước cửa ra treo lơ lửng một BCS to gần bằng bao lúa. Trên tấm áp - phích lớn treo ở hành lang, có hình những đôi trai gái đang nhảy nhót vui nhộn và đối đáp nhau: "Use condom?" (dùng BCS nhé?), "Ok!". Bên trong nhà hàng, BCS hiện diện một cách đĩnh đạc và khéo léo trên tất cả những vật dụng trang trí. Đặc biệt, nhà hàng có treo rất nhiều bức tranh Mona Lisa khổ lớn, trên tay cầm BCS! Một số món ăn, thức uống ở đây được chế biến giống hình dạng BCS như món Blue Condom, Spicy Condom Salad... Lúc ra về, mỗi khách hàng đều được tặng BCS. Anh Nobphadol Sazrvnat, quản lý nhà hàng này cho biết hiện có 7 nhà hàng Cabbages & Condoms ở Thái Lan. Tên gọi của nhà hàng thể hiện mong muốn BCS sẽ gần gũi với mọi người như món bắp cải trong bữa ăn hằng ngày.

Tiếp đó, chúng tôi đáp máy bay đến tỉnh Chiang Rai - thuộc khu "Tam giác vàng", nơi từng có tỷ lệ người sử dụng ma túy cao nhất ở Thái Lan. Theo Sở Y tế Chiang Rai, dân số của tỉnh là 1,3 triệu người. Tính đến tháng 9.2007, tổng số người mắc bệnh AIDS là 29.568 người, trong đó có 14.125 người đã chết. Số người nhiễm AIDS cao nhất trong độ tuổi từ 25-39. Hiện nay, với việc đẩy mạnh mạng lưới hoạt động phòng chống HIV, đặc biệt là sự cho phép người nghiện được dùng Methadone thay thế nên tỷ lệ người sử dụng ma túy ở Chiang Rai có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, Sở Y tế Chiang Rai cũng thừa nhận hiện chưa có giám sát dịch tễ trong thanh niên vì đây là những nhóm khó tiếp cận, nhất là những người từ vùng biên giới Lào, Myanmar sang. Chiang Rai có 334 máy bán BCS tự động (trên tổng số khoảng 5 ngàn máy ở Thái Lan). Với 5 baht (khoảng 2.500 đồng), sẽ có được 2 BCS từ máy tự động chỉ trong tích tắc...

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.