Cứ 28 giờ lại có một ca tự tử!

09/10/2008 11:05 GMT+7

“Bác sĩ ơi cứu con”. “Bác sĩ ơi, tôi không muốn chết. Hãy cứu tôi với...”. Đó là những tiếng kêu đứt đoạn, thảm thiết cùng ánh mắt thất thần, cầu khẩn của những người vì nhiều lẽ khác nhau đã tự mình tìm đến cái chết. Vì sao họ lại tìm đến cái chết? Trước khi chết những người này nghĩ gì?...

Tại hội nghị khoa học của Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương (TPHCM), bác sĩ Phạm Anh Tuấn đã báo cáo một nghiên cứu mới nhất về vấn đề tự tử. Theo đó, trong vòng một năm, chỉ riêng bệnh viện này đã tiếp nhận đến 310 ca nhập viện vì tự tử (trung bình 28,2 giờ/ca).

Đằng sau con số bất ngờ này là nhiều câu chuyện đáng quan tâm như: nữ tự tử nhiều hơn nam, nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề tình cảm, hầu hết đều chọn nhà mình làm nơi tự tử...

Bác sĩ (BS) Phạm Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện (BV) cấp cứu Trưng Vương (TP.HCM) - nói cách đây bốn năm ông đã có nghiên cứu về những bệnh nhân (BN) tự tử được đưa vào cấp cứu tại BV Trưng Vương. “Ánh mắt đau khổ của BN trước khi chết khiến chúng tôi rất đau lòng. Ánh mắt đó đau đớn ghê lắm. Ánh mắt của họ làm cho các BS không ăn, không ngủ được vì thương xót, vì lực bất tòng tâm. Đặc biệt, những BN tự tử bằng thuốc diệt cỏ Paraquat có biểu hiện rất vật vã, bứt rứt và rất tỉnh táo cho đến tận lúc chết. Trong những giây phút cuối cùng này, họ cầu xin BS cứu mình nhưng nhiều BN không thể cứu được” - BS Tuấn ray rứt.

Theo BS Tuấn, trên thực tế tại BV cấp cứu Trưng Vương có đến 90% BN tự tử đã vô cùng hối hận về hành vi của mình khi được BS phân tích, giải thích về trách nhiệm của họ với con cái, cha mẹ...và họ đã nhận thức được hành động của mình là không đúng.

Nhiều nhất là công nhân và HS-SV

Sáng 8-10, tại hội nghị khoa học của BV cấp cứu Trưng Vương, BS Phạm Anh Tuấn đã báo cáo một nghiên cứu mới nhất về vấn đề tự tử. Theo BS Tuấn, từ tháng 5-2007 đến 5-2008, BV Trưng Vương tiếp nhận cấp cứu 310 trường hợp tự tử (sau khi được điều trị chỉ có 1,3% tử vong). Tính bình quân cứ hơn một ngày lại có một ca tự tử vào cấp cứu, trong đó gần 72% trường hợp là nữ.

Tuy nhiên, tỉ lệ tự tử “thành công” ở nam giới lại nhiều hơn nữ. Đa số người tự tử ở độ tuổi dưới 35, trong đó 50% dưới 25 tuổi. Đối tượng tự tử chiếm tỉ lệ cao nhất là công nhân (19%), kế đến là HS-SV (hơn 16%), nông dân chiếm tỉ lệ thấp nhất (4,2%). Về học vấn, 47% người tự tử có trình độ trung học cơ sở, 30% trình độ trung học phổ thông. Đặc biệt, trước khi tìm đến cái chết có đến gần 43% BN có triệu chứng trầm cảm.

Nguyên nhân dẫn đến hành vi tự tử chủ yếu là vấn đề tình cảm (62%), kế đến là do vấn đề tiền bạc (gần 15%). Đáng lưu ý, có 53% trường hợp tự tử là người độc thân. Cách thức tự tử nhiều nhất là uống thuốc (gần 98%), trong đó loại thuốc BN thường dùng tự tử là thuốc ngủ, kế đến là thuốc bảo vệ thực vật (gây tử vong 100%). Chỉ có tỉ lệ nhỏ treo cổ tự tử hoặc cắt mạch máu.

Gần 93% số ca chọn nhà mình làm nơi tự tử; vì vậy nếu gia đình quan tâm, để ý có thể ngăn chặn được và phát hiện sớm người thân tự tử để đưa đi cấp cứu kịp thời. Về thời gian tự tử, đa số BN chọn ngày chủ nhật và thứ hai, ít nhất là vào thứ bảy. Thời điểm tự tử nhiều nhất là từ 20g trở đi cho đến gần sáng (49%), kế đến là buổi trưa (38%).

Trong lúc BS Tuấn đang báo cáo về vấn đề tự tử, tại BV Trưng Vương cũng vừa cứu sống BN H.T.Đ. (26 tuổi, Đức Huệ, Long An). Ngày 4-10, vì buồn giận người yêu, trong một phút nông nổi, H.T.Đ. đã mua thuốc rầy về uống. Sau khi cấp cứu, BV Hậu Nghĩa đã chuyển H.T.Đ. lên BV Trưng Vương. Qua ba ngày điều trị tích cực, H.T.Đ. đã thoát khỏi tử thần.

Trước đó, ông C.V.Q. (50 tuổi, TP.HCM, nhập viện ngày 6-4) cũng tự tử bằng thuốc rầy. Ông C.V.Q. là một người có học thức, địa vị cao trong công việc và sống với vợ con rất hạnh phúc. Tháng 1-2008 biết mình bị nhiễm HIV ông đã suy sụp tinh thần, bỏ việc, sống cô lập và bắt đầu có ý nghĩ tự tử. Ông thu xếp mọi chuyện và trở về ngôi nhà ở Q.12 mua thuốc rầy tự tử.

Anh L.M.H. (31 tuổi, Long An, nhập viện ngày 13-4) tự tử bằng thuốc diệt cỏ Paraquat. BN làm nghề bảo vệ, có gia đình và một con nhỏ 3 tuổi nhưng cuộc sống vợ chồng không được hạnh phúc. Trong một lần cãi nhau, vợ anh mang con bỏ nhà đi. Buồn chán, BN uống hết 1/3 chai thuốc diệt cỏ Paraquat.

Cá biệt có trường hợp tự tử là người già như bà L.T.B. (82 tuổi, Long An, nhập viện ngày 8-1). Lý do khiến bà L.T.B. tự tử: không muốn con cháu lo lắng, bận tâm vì bà có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Hồi tháng 1-2007 bà đã tự tử một lần bằng cách uống dầu hôi. Lần này bà tự tử bằng thuốc rầy tại nhà con gái của mình. BN đã tử vong trong tình trạng trụy tim mạch.

Cần có chương trình hành động chống tự tử

Theo BS Phạm Anh Tuấn, tự tử được coi là hành động nhằm giải tỏa những bế tắc, chấn động lớn, những stress mà con người không đủ sức tỉnh táo để phân giải và vượt qua. Vấn đề tự tử là hậu quả của nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa và xã hội phức tạp, nó đặc biệt xảy ra trong những giai đoạn có nhiều biến đổi về kinh tế, xã hội cũng như những tình huống khủng hoảng cá nhân (thất tình, mất việc làm, xung đột tình cảm gia đình…).

Một thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết năm 2000 có đến 1 triệu người trên thế giới chết vì tự tử, có nghĩa là cứ 40 giây có một người chết vì tự tử. Tự tử là vấn đề sức khỏe toàn cầu nên đã được WHO phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Chống tự tử trên toàn cầu đưa ra nhiều giải pháp ngăn chặn hành vi này. Bắt đầu từ năm 2006, WHO lấy ngày 10-9 hằng năm là Ngày thế giới chống tự tử.

Ở các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines... hằng năm đều có báo cáo với WHO về tình hình tự tử ở đất nước họ, nhưng ở VN thì chưa. Ở nhiều nước trên thế giới, để ngăn chặn hành vi tự tử, người ta còn có đường dây nóng tư vấn tâm lý qua điện thoại để giúp những người gặp cú sốc về tâm lý, tình cảm được giải tỏa, vượt qua giai đoạn “ngột ngạt” về tâm lý, giúp họ từ bỏ ý định tự tử.

Theo BS Tuấn, tại VN muốn ngăn chặn được tình trạng tự tử, trách nhiệm không phải chỉ của riêng ngành y tế mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng khác như cơ quan giáo dục, thể dục thể thao, các Hội, Đoàn... trong việc tổ chức tuyên truyền giáo dục cho mọi người, góp phần giải tỏa các ức chế tâm lý trong cuộc sống. Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc ngủ…

Đặc biệt, ngành y tế và các ngành khác nên có chương trình hành động chống lại hành vi tự tử; đồng thời phải có những thống kê, phân tích về mặt xã hội vì sao người ta tự tử, tự tử cách nào, uống cái gì...để có chương trình can thiệp, hỗ trợ kịp thời cho những người gặp bế tắc trong cuộc sống, tình cảm, công việc...

Theo Lê Thanh Hà / Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.