Bao giờ có một kỳ thi quốc gia?

25/12/2007 22:40 GMT+7

Đề án tổng thể đổi mới công tác thi và tuyển sinh (ĐATTS) đã được Bộ GD - ĐT công bố để lấy ý kiến rộng rãi. Liệu khi nào mới có một kỳ thi THPT quốc gia?

Phải tuyệt đối công bằng

ĐATTS, được Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 11.2007 để lấy ý kiến, đang đi vào hồi kết khi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục vừa cơ bản hoàn tất dự thảo. Trước khi trình Chính phủ xét duyệt và ban hành, ĐATTS còn phải gửi xin ý kiến Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Một lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục khẳng định quan điểm sẽ triển khai chủ trương tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, lấy kết quả kỳ thi này làm căn cứ quan trọng trong việc xét tuyển vào ĐH-CĐ; tổ chức thi trắc nghiệm với tất cả các môn, riêng môn Ngữ văn có thể có thêm phần thi tự luận. Hiện nay, vấn đề được nhiều người quan tâm chính là thời điểm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên.

Tại buổi tọa đàm góp ý cho ĐATTS dành cho các trường ĐH và các sở GD-ĐT phía Nam, khi đề cập đến việc Bộ GD-ĐT giờ chót vẫn quyết định tổ chức thi môn Toán bằng hình thức tự luận ở kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long Nguyễn Ngọc Sơn nhận xét: "Bộ nên có sự chuẩn bị chín muồi, tránh vội vàng trước quyết định có ảnh hưởng lớn đối với rất nhiều học sinh. Bộ nói chỉ một câu, nhưng các sở, các trường phải thay đổi nhiều thứ, và rất cực!". Do năm 2010 chương trình bổ túc THPT mới được xem tương đương với chương trình chuẩn THPT nên để có sự chuẩn bị kỹ cho cả hệ bổ túc khi bước vào thi chung đề, ông Sơn đề nghị kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên nên tổ chức chậm lại một năm so với dự kiến, tức là vào 2010.


TS Nguyễn Cam

"Nếu tổ chức kỳ thi không tốt, nên có những quy định để lãnh đạo tỉnh, thành phải chịu kỷ luật trước Chính phủ".

TS Nguyễn Cam (Giám đốc Trung tâm Công nghệ dạy học, Viện Nghiên cứu giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng cho rằng nếu năm 2009 áp dụng phương thức lấy kết quả thi để xét tuyển vào ĐH là quá vội vàng về khâu tổ chức coi thi và chuẩn bị đề thi. Về tổ chức coi thi, nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006-2007 tuy có nghiêm túc hơn những năm trước nhưng vẫn chưa thật đồng đều giữa các tỉnh, thành. Do đó nếu điểm xét tuyển ĐH lại đặt trên bình diện toàn quốc thì thật khó mà có sự công bằng. TS Cam nói: "Tổ chức coi thi là một chủ trương lớn, huy động nhiều lực lượng ở địa phương tham gia, chịu trách nhiệm chính phải là lãnh đạo tỉnh, thành chứ không chỉ là Giám đốc Sở GD-ĐT. Chính quyền địa phương phải tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh tuyệt đối ở "vòng ngoài" (có bán kính hợp lý), không được vào khu vực "vòng trong" của hội đồng thi, phòng thi. Nếu tổ chức kỳ thi không tốt, nên có những quy định để lãnh đạo tỉnh, thành phải chịu kỷ luật trước Chính phủ...".           

Băn khoăn về đề thi

Mục 31 của ĐATTS có nêu: "Trong đề thi, khoảng 70% số điểm ứng với nội dung ra theo chuẩn kiến thức kỹ năng THPT để xét tốt nghiệp và khoảng 30% số điểm ứng với các câu hỏi trong chương trình phổ thông nhưng khó hơn để phân hóa trình độ và để xét tuyển vào ĐH". Về điều này, GS Văn Như Cương băn khoăn về cách xét vào ĐH sao cho công bằng khi nêu ra trường hợp của hai học sinh cùng làm bài thi được 7 điểm, trong đó một học sinh làm đúng tất cả câu hỏi khó (thuộc nhóm 30%) và một phần câu hỏi dễ (trong nhóm 70%); trong khi học sinh còn lại chỉ làm đúng tất cả câu hỏi dễ (hoặc phần lớn câu hỏi dễ và một phần nhỏ câu hỏi khó). TS Cam dự đoán, với cách ra đề thế này thì số lượng học sinh đạt từ điểm 7 trở lên sẽ rất đông. Xét tuyển thế nào để những học sinh giỏi hơn không bị thiệt thòi là điều mà Bộ GD-ĐT phải thuyết phục được mọi người, bằng những việc làm cụ thể trong quá trình chuẩn bị ngân hàng đề thi, xác định độ dễ - khó (thước đo), với mẫu thử nghiệm ở mức độ toàn quốc... TS Cam đề nghị  Bộ GD-ĐT cần phải tập huấn kỹ hơn cho giáo viên cách soạn đề trắc nghiệm, phổ biến câu hỏi nhiều hơn để giáo viên có thể sử dụng vào nhiều dạng kiểm tra.

Qua đề nghị này, có một việc mà Bộ GD-ĐT có thể "chứng minh" việc chuẩn bị của mình nghiêm túc hay không bằng cách cung cấp ngân hàng đề thi một cách công khai cho các trường (tốt nhất là qua chính website chính thức của Bộ GD-ĐT), không chỉ để giáo viên khai thác mà ngay cả học sinh cũng có thể tham khảo thường xuyên.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.