Những kỷ niệm ngọt ngào

16/12/2005 10:29 GMT+7

Tôi không có cái may mắn được đọc báo Thanh Niên từ những số đầu tiên, bởi lẽ cứ phải sống lang thang, xa xứ, hết nước này sang nước khác. Mãi đến cách đây 10 năm, trong buổi kết thúc một lớp học ngắn hạn tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, ngồi cạnh tôi là anh Nguyễn Công Khế, Tổng biên tập báo Thanh Niên, cũng học cùng lớp nhưng khác tổ, anh giới thiệu đôi nét về tờ báo, nhấn mạnh đến tính chất thanh niên của Thanh Niên và mời tôi viết bài.

Buổi sơ giao ban đầu chỉ như thế, và ít ngày sau, tôi nhận được quyết định của Chủ tịch nước cử đi làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Ai Cập, kiêm nhiệm Israel, Kuwait, Syria và Palestine. Vẫn nhớ lời hứa với anh, nhưng công việc của những ngày đầu tiên ở xứ người quả là bận “ngập đầu”. Chỉ riêng một việc lo bay đi, bay về để trình quốc thư cho một ông vua, bốn ông tổng thống, cũng đã mất khá nhiều thời gian.

Tuy nhiên, chính trong những ngày chu du “ngũ quốc” đó, lại cảm nhận được nhiều điều mới lạ, và khao khát được gửi về để chia xẻ với bà con trong nước. Cái tâm trạng thường có ở mọi người Việt Nam mình là “trông người lại ngẫm đến ta”, tôi cứ bị ám ảnh, trăn trở với câu hỏi “người ta làm được, tại sao mình lại không?”, và những mơ ước cháy bỏng muốn đóng góp một cái gì cụ thể, thiết thực cho đất nước mình, dân tộc mình..., khiến tôi mạnh dạn cầm bút viết bài gửi về Báo Thanh Niên và một số báo khác, mong giãi bày, chia xẻ với mọi người trong nước. Chắc các ban biên tập, các thư ký tòa soạn của Thanh Niên và các báo khác vất vả thật sự trong việc sửa chữa, cắt gọt để đăng lên báo cho tôi, vì tôi đâu có biết gì về nghề viết báo?

Thế rồi may mắn thế nào, tôi lại gặp anh Nguyễn Công Khế lần thứ hai, mà lần này là trên đất Kim Tự Tháp. Đích thân Tổng Biên tập “xuất tướng” để đưa đoàn người mẫu Việt Nam sang dự thi quốc tế tại thành phố cảng Port Said, đi và nắm chắc thắng lợi, bởi năm trước cũng đã từng dự thi và đoàn Việt Nam quơ gần hết các giải lớn: hoa hậu, á hậu, miss các loại. Lần này cũng thế, ngoài ngôi hoa hậu, đoàn ta còn đứng đầu 7 trong số 8 giải của cuộc thi. Mà các nước dự thi đâu có phải kém cạnh gì. Ngoài nước sở tại, còn có 11 quốc gia khác đưa người đẹp sang tỉ thí : những cô gái Hy Lạp đẹp như những pho tượng thời Phục Hưng, những cô gái của hòn đảo thần Vệ Nữ (đảo Chypres), những cô gái Liban mịn màng như gió Địa Trung Hải, những cô gái Nga dịu dàng và cả những cô gái “bốc lửa” Kazakstan... Vậy mà người đẹp Việt Nam vẫn đứng hàng đầu trong cả hai năm dự thi, với Trương Ngọc Ánh, Hà Kiều Anh, Ngô Mỹ Uyên, Nguyễn Ngọc Khánh... Dư âm của cuộc thi thật vang dội và ấn tượng, vì mấy tháng sau, trong một dịp đi công tác đến Port Said, một cậu thanh niên Ai Cập còn khoe với tôi: "Ôi, người Việt Nam đẹp lắm ! Quần áo của Việt Nam đẹp lắm !” . (Tôi đã kể lại chuyện này trên báo Thanh Niên, tháng 9/1998)

... Hết nhiệm kỳ, về nước và tôi vẫn tiếp tục gửi bài, tiếp tục “làm khổ” ban biên tập phải sửa chữa, cắt gọt cho tôi ! Cũng nhờ sự “gia công” của ban biên tập, nên đã có một bài báo của tôi được bạn đọc gửi thư khen ! Kể lại chuyện làm “guide du lịch bất đắc dĩ” cho mấy chị Việt kiều về thăm quê trong bài Lá rụng về cội (báo Thanh Niên 12/12/2004), tôi nhận được một lá thư của một phụ nữ công giáo ở TP.HCM, viết rất chân tình: “Tôi nguyện cầu cho ông có đủ sức khỏe để mỗi lần mua báo Thanh Niên Cuối tuần, lại có những bài ghi chép như Lá rụng về cội. Bài báo đã được photo để gửi cho mấy cái “lá” đang ở Canada, Hoa Kỳ..., để sớm hay muộn, những lá đó sẽ rụng về cội!”. Một bạn đọc khác gửi e.mail động viên tôi: “Lâu lắm tôi mới lại được đọc một bài viết tình cảm và sâu sắc như vậy!”...

Đấy, những kỷ niệm ngọt ngào của tôi với báo Thanh Niên là như thế! Viết bài, được sửa chữa, được đăng, lại còn được... khen nữa, ai chẳng thích!... Kể lại những kỷ niệm này để làm một chút quà nhỏ mừng sinh nhật Báo Thanh Niên, cũng được chứ nhỉ?

Nguyễn Lê Bách
(nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, Israel, Kuwait, Syria và Palestine)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.