Người Anh và nghệ thuật “hái ra tiền”

20/11/2010 17:00 GMT+7

Xem nhạc kịch Mamma Mia, đến với cuộc triển lãm nghệ thuật Frieze, tham quan những trường đào tạo, những trung tâm nghệ thuật lớn của Vương quốc Anh, tôi mới hiểu vì sao người Anh lại có thêm một cụm từ để chỉ tất cả các ngành nghệ thuật hái ra tiền là ngành Kinh tế sáng tạo.

1. Những ngày tôi có mặt ở London, dù là mới cuối thu nhưng bầu trời cũng đã chuyển màu xám xịt, hiếm hoi mới có chút ánh nắng vàng. Vậy mà dòng người cứ lũ lượt sắp hàng để vào xem triển lãm  nghệ thuật Frieze tại Công viên Regent’s. Nhờ có sự sắp xếp của cô Lê Anh Thơ - Phó giám đốc Hội đồng Anh ở TP.HCM và anh Aravec Clarke - nhân viên của Hội đồng Anh ở London, tôi và chị Thúy Nga (Báo Tuổi Trẻ) đã có được 2 tấm thẻ hiếm hoi dành cho phóng viên Việt Nam vào hành nghề tại đây.

Tôi thật sự “choáng” bởi một không gian bao la với cơ man nào là những tác phẩm được trưng bày tại triển lãm. Những ý tưởng trong thiết kế, những tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, kiến trúc… với nhiều cách nhìn, cách biểu hiện, cứ đan xen vào nhau làm người xem như bị dẫn vào mê hồn trận, càng đi càng thấy… không có lối ra. Có lúc đang mải miết xem, tôi giật bắn người vì đụng phải một cô nàng đang co ro nói chuyện... một mình. Hóa ra cô nàng đang cùng một nhóm người đang trình diễn nghệ thuật sắp đặt nói lên tâm trạng của mỗi người trong một thế giới mà đôi khi người ta thấy cô đơn, không biết chia sẻ cùng ai.

Rồi gương mặt của người già, em bé, phụ nữ ở Iraq, ở Afghanistan hiện qua những chiếc tivi cũ kỹ chất chồng lên nhau cứ như nhìn miết theo người xem… Anh Aravec Clarke cho biết, đây là cuộc triển lãm nghệ thuật lớn của nước Anh, quy tụ những nghệ sĩ, những galery nghệ thuật lớn của khắp nơi trên thế giới. Ở đây là nơi trao đổi và mua bán tác phẩm và cả ý tưởng của các nhà đầu tư nghệ thuật với các nghệ sĩ, các nhà thiết kế. Nhiều nghệ sĩ trẻ của nước Anh được các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa ở London, Glasgow và của cả Hội đồng Anh hỗ trợ đã có mặt ở triển lãm này.

Thì ra trong tư duy kinh doanh văn hóa của người Anh, những người trẻ làm nghệ thuật mà có ý tưởng sáng tạo chắc chắn sẽ được sự quan tâm không chỉ của Chính phủ mà còn nhiều tổ chức phi chính phủ - hầu như đều có mặt ở các thành phố từ London đến Cardrdiff (Xứ Wales), Glasgow (Scotland). Tại Glasgow còn có hẳn một trung tâm lớn để các nghệ sĩ trẻ thuê mặt bằng với giá rẻ hoặc “cho mượn” không gian của trung tâm để các nghệ sĩ trình bày tác phẩm hoặc ý tưởng của mình.

Cuộc thi Doanh nhân điện ảnh trẻ quốc tế mà Hội đồng Anh phát động trên toàn thế giới và 12 thí sinh đoạt giải cấp quốc gia (trong đó có cô Trần Thị Bích Ngọc của Việt Nam) đã có mặt trong khuôn khổ LHP London hồi cuối tháng 10 vừa qua là một ví dụ cho việc hỗ trợ đó và dĩ nhiên nó đã không còn trong khuôn khổ của một quốc gia...

2. “Toàn thế giới đều có mặt”, đó là suy nghĩ bất chợt khi tôi đi xem vở nhạc kịch Mamma Mia và khi đến Bảo tàng Anh quốc (British Museum). Thế nhưng “sự có mặt” đó thật trớ trêu khi một đằng là những người sống đem sự sống đến cho nhau trong một nhà hát mà đa số khán giả là du khách từ khắp nơi trên thế giới, một đằng là tất cả quá khứ của các dân tộc trên thế giới đang hiện hữu trong một bảo tàng thuộc về sở hữu của... người Anh. Tiếng cười vang dội trong nhà hát, mọi người đứng dậy cùng nhảy với nhau khi các nghệ sĩ hát trên sân khấu. Ấn tượng, quá ấn tượng về một vở nhạc kịch mà đã có hàng trăm suất diễn kéo dài từ năm này qua năm nọ.

Đó cũng là một cách kinh doanh nghệ thuật của người Anh vậy. ẤËn tượng sâu sắc hơn (có phần bần thần) khi đứng nghiêng mình trước những xác ướp Ai Cập có hàng ngàn năm tuổi, đứng trước những cổ vật của La Mã, Hy Lạp của những dân tộc mà người Anh đã từng đi chinh phạt và chinh phục. Nhưng chắc rằng người Anh hiểu họ làm một việc Tốt là giữ quá khứ của thế giới, nhưng đồng thời họ đã làm Mất đi quá khứ của nhiều dân tộc ngay trên chính trên mảnh đất của những dân tộc đó.

Và tự dưng tôi thấy không buồn, trái lại còn nghĩ thật may mắn khi Việt Nam chỉ có một tủ trưng bày bé tí ở nơi này với một vài tượng Chăm, gốm xứ Chu Đậu, vài hình ảnh về Hội An, Huế... Cổ Loa thành, những trống đồng Ngọc Lũ - Đông Sơn, những công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lý - Trần vẫn còn nằm im với lòng đất 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội rồi sẽ có dịp đường đường chính chính giới thiệu với bạn bè thế giới…

Mamma Mia làm tôi tươi rói tiếng cười và yêu vô cùng sân khấu nhạc kịch của thành London, còn British Museum làm tôi như lạc vào quá khứ với nhiều câu hỏi mà không thể trả lời được. Nhưng thôi, nghệ thuật vẫn là nghệ thuật dù nó đang hiện hữu ở đâu. Những nữ thần, những Pharaon hàng ngàn năm tuổi vẫn như miên man suy nghĩ cùng hậu thế về sự tồn vong của một quốc gia, một đế chế…

3. Trở lại câu chuyện kinh doanh nghệ thuật của người Anh. Có lẽ khi Hội đồng Anh TP.HCM được sự tài trợ của Hãng hàng không Cathay Pacific mời đoàn nhà báo đi tham dự LHP London và dự trao giải Cuộc thi Doanh nhân điện ảnh trẻ quốc tế trong khuôn khổ LHP này, tôi vẫn còn lơ mơ về cụm từ Kinh tế sáng tạo của người Anh. Nghệ thuật điện ảnh, kiến trúc, hội họa, âm nhạc thời trang, thì cứ gọi là như thế, sao còn “cắc cớ “có thêm 2 chữ “kinh tế”? Hóa ra người Anh quả là thực tế: Nghệ thuật phải đi liền với kinh doanh, phải làm ra tiền.

Cô Claire de Braekeleer, chuyên viên Ban Kinh tế sáng tạo của Hội đồng Anh tại London, cho biết: 13 ngành nghề mà người Anh xếp vào ngành Kinh tế sáng tạo là: quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật - mỹ thuật cổ, nghề thủ công, thiết kế, thiết kế thời trang, điện ảnh, phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật trình diễn, xuất bản, truyền thanh - truyền hình và phần mềm - máy tính. 13 ngành nghề này mỗi năm ở Anh quốc giá trị xuất khẩu gần 30 tỉ USD và chỉ trong năm 2008 có khoảng hơn 157 ngàn doanh nghiệp đăng ký hoạt động, thu hút khoảng 2 triệu lao động.

Cô Claire de Braekeleer tự hào rằng: UNESCO cũng công nhận Vương quốc Anh có nền kinh tế sáng tạo lớn nhất châu u và đứng đầu thế giới về GDP từ những ngành này.Đó là hình thức xuất khẩu sản phẩm văn hóa và dịch vụ thành công nhất trên thế giới, thậm chí cao hơn cả Mỹ.

 
Tác giả bên một xác ướp 6.000 năm tuổi tại Bảo tàng Anh quốc - Ảnh: L.A.T

Vâng, những dòng người xếp hàng ở triển lãm nghệ thuật Frieze, ở Nhà hát Prince of Wales để vào xem Mamma Mia, những trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa ở khắp Vương quốc Anh đã trả lời cho tôi rõ hơn về cụm từ Kinh tế sáng tạo là gì của người Anh. Và người Anh không chỉ muốn đó là ngành kinh tế của riêng mình. Chính phủ Anh đang thông qua các Hội đồng Anh trên toàn thế giới để triển khai những dự án nhằm hỗ trợ cho các nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo cô Lê Anh Thơ cho biết, từ năm 2008 đến nay, Hội đồng Anh đã triển khai dự án Ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là một dự án hợp tác văn hóa và nghệ thuật giữa vùng Đông Á và Vương quốc Anh nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo vốn còn mới mẻ tại nhiều nước. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh cũng đã ký Biên bản ghi nhớ với Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM nhằm hỗ trợ các hoạt động cho việc phát triển ngành này tại TP.HCM cũng như Việt Nam nói chung.

... Trên cuộc hành trình êm ái trở về Việt Nam sau những ngày ngược xuôi dẫn đoàn chúng tôi đi khắp Vương quốc Anh, cô Lê Anh Thơ cứ mong muốn làm sao Việt Nam sẽ phát triển thật mạnh lĩnh vực kinh tế sáng tạo để bạn bè thế giới không những biết về Việt Nam nhiều hơn, mà còn đem đến nguồn thu cho đất nước, giải quyết công ăn, việc làm cho bao người còn khốn khó. Nghệ thuật đâu chỉ có đem đến những giây phút thư giãn trên những thánh đường đẹp đẽ, mà còn là sự sống rất thật, là miếng cơm, manh áo…

London - Sài Gòn tháng 11.2010

Cao Minh Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.