Tuyên dương "Thanh niên sống đẹp": Những chuyện không phải ai cũng làm được

06/10/2006 21:59 GMT+7

Sống đẹp" - đơn giản được thể hiện qua những nghĩa cử rất đỗi gần gũi xung quanh cuộc sống chúng ta...

"Hiệp sĩ bến phà"

Ở bến phà Cao Lãnh (Đồng Tháp), ai cũng biết một người thanh niên sáng chiều bươn trải ngược xuôi trên các chuyến xe đò qua sông Cửu Long bán nem. Anh tên là Lê Hoàng Minh, đã 16 năm qua, người thanh niên này tay không bắt được hàng chục vụ cướp, trả lại tài sản cho người bị nạn. Minh kể: "Ban ngày mình bán trên xe đò. Tối về đứng bán tại bến phà, nhiều hôm đến 1-2 giờ sáng mới về. Đây cũng là thời điểm bọn trộm cướp lợi dụng trời tối, hành khách sơ hở để lấy đồ. Mình ở đây lâu rồi, ai có hành động khả nghi mình biết ngay". Từ năm 1999 đến nay, Minh theo dõi và phá án thành công ít nhất 5 vụ trộm xe máy.

Ngoài giỏi bắt cướp trên cạn, Minh còn có tài bắt cướp dưới sông. Có lần, phát hiện thấy một người đang trộm ghe, Minh bị tên trộm dùng cây sào đánh trả. Dù bị trọng thương, Minh vẫn cố hết sức ôm kẻ trộm quăng xuống sông. Sau một hồi vật lộn dưới sông, được quần chúng giúp đỡ, tên cướp bị tóm gọn. Gặp anh tại lễ tuyên dương "Thanh niên sống đẹp", nhiều bạn trẻ thắc mắc trông tướng hiền khô thế kia, lại là "khắc tinh" của bọn tội phạm. Minh trả lời: "Thật ra, mình chẳng biết võ vẽ gì đâu. Hồi đầu cũng hơi run, nhưng sau đó mình nghĩ, chỉ có kẻ gian mới sợ người ngay, mình làm việc nghĩa, cớ sao phải sợ. Nếu ai cũng làm lơ, chẳng nhẽ để bọn xấu mặc sức tung hoành".

Lần khác, một khách hàng Việt kiều ghé qua mua nem để quên giỏ, trong đó có 3.000 đô la. Minh hỏi địa chỉ, đến tận nhà trao cho người mất. Cảm động trước tinh thần nghĩa hiệp của người thanh niên, bà Việt kiều nọ đã tặng anh 300 đô la. "Mình từ chối ngay. Mình làm không phải vì tiền, vì trách nhiệm. Minh chỉ xin nhận 100 USD về mua gạo ủng hộ bệnh nhân nghèo Bệnh viện Hữu Nghị" - Minh nhớ lại. Chàng thanh niên 30 tuổi thật thà, có lòng quả cảm này còn cứu rất nhiều hành khách bị rơi xuống sông khi qua phà.

Chàng trai nghèo đảm lược


Đinh Văn Long
Khác với Minh, Đinh Văn Long (An Lão, Bình Định) hoàn cảnh rất đáng thương, mẹ mất cách đây 11 năm trong một cơn lũ, lúc đó Long vừa tròn 7 tuổi. Bố Long có hai vợ và có 9 người con, nên chỉ có thể nuôi đứa em út. Long côi cút, bơ vơ một mình. "Không ai lo cho miếng ăn, lo mặc. Em bỏ học, đi lang thang khắp nơi. Nay đến chị gái, mai ăn nhờ bà con chòm xóm, ai cho gì ăn nấy" - Long nhớ lại. Sau 3 năm lang thang, cậu bé 10 tuổi đã bắt đầu ý thức được: nếu sống như thế này sẽ không có tương lai. Long quay về căn nhà cũ tiêu điều mẹ để lại, em vào rừng cắt lá lợp lại nhà bắt đầu cuộc sống tự lập. Long kể: "Hằng ngày, ngoài giờ đi học, em đi làm thuê, cuốc mướn. Người thương thì trả công 5.000-10.000 đồng, còn không thì chỉ được bát cơm ấm bụng. Những năm đó, đất đai còn bỏ hoang nhiều, em đi phá rẫy trồng khoai mì. Ban đầu 1-2 sào, sau tăng dần lên. Rẫy nào gần thì tranh thủ làm trong ngày. Rẫy nào xa, phải chờ đến ngày nghỉ để làm". Trong khi bạn bè được chơi đá banh, vui chơi, cậu bé mồ côi này sớm phải lo toan, tính toán cho cuộc sống. Thương cậu bé nghèo, có chí vừa học vừa kiếm tiền trang trải, có người tốt bụng đã cho Long vay 2 triệu đồng đầu tư vào trồng trọt. Long khoe: "Trồng mì không hiệu quả lắm, em chuyển sang trồng cây sầu đâu lấy gỗ. Được giá lắm, nếu đợi đến lúc thu hoạch cũng được 150.000 đồng/cây. Em bán non 40.000/cây, nên cũng trả nợ được 1 triệu đồng rồi. Số tiền còn lại, chờ thu hoạch em sẽ trả nốt".

Cách đây 3 năm, trong một lần theo bạn đi chơi ở xã bên, Long gặp em Đinh Thị Nhiết, 13 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn phải bỏ học. Thấy em Nhiết ham học, lại có hoàn cảnh giống mình, Long quyết định nhận nuôi em Nhiết ăn học. Long tâm sự: "Năm nay em Nhiết đã học lớp 9 rồi. Em rất vui vì năm nào em Nhiết cũng được giấy khen. Về phần em, trước đây, em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ học hết lớp 12. Giờ thì em mong muốn được học cao hơn nhưng không biết mình có đủ tiền hay không?".

H.B

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.