Cả nhà mắc bệnh dạ dày!

22/12/2008 10:10 GMT+7

Trong khi chữa bệnh, chúng tôi gặp nhiều người cùng một gia đình từ ông bà, cha mẹ, các con cháu đến khám vì đau bụng trên rốn, ợ hơi, ăn không tiêu, đầy bụng và kể cả hơi thở có mùi hôi... Khi chẩn đoán bằng nội soi dạ dày - tá tràng hoặc thử nghiệm hơi thở hoặc thử máu... hầu như cả gia đình đều nhiễm Helicobacter pylori.

Vi khuẩn H.pylori được phát hiện từ năm 1982, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được văcxin hữu hiệu để phòng ngừa lây nhiễm và tái nhiễm.

Vi khuẩn H.pylori được coi là nguyên nhân của nhiều bệnh dạ dày-tá tràng. Trong điều trị bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày - tá tràng do nhiễm H.pylori, phải tiệt trừ H.pylori mới có thể khỏi bệnh. Hiệu quả của điều trị tiệt trừ H.pylori phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng kháng thuốc đang ngày một gia tăng của vi khuẩn với các kháng sinh sử dụng.

Trong hoàn cảnh và điều kiện hiện nay, khi mà mỗi ngày người bệnh đến khám vì các bệnh đường tiêu hóa, chủ yếu là viêm dạ dày ngày một đông và nhiều hơn, việc đề ra các biện pháp phòng ngừa là hết sức quan trọng và cần thiết.

Nhiễm H.pylori đầu tiên do lây truyền từ việc tiếp xúc giữa người và người. Ðối với trẻ em các nước đang phát triển tại khoa nhi, trại trẻ mồ côi... việc lây truyền từ người sang người xảy ra trong mối quan hệ khép kín. Ở các nước phương Tây, đường lây truyền cho trẻ xảy ra trong gia đình khi cha hoặc mẹ hoặc cả hai bị nhiễm, hơn là việc tiếp xúc với những người bị nhiễm trong cộng đồng.

Con đường lây nhiễm

Lây nhiễm H.pylori qua đường "miệng - miệng". Khoang miệng có thể được xem là nơi chứa vi khuẩn H.pylori. Miệng có thể được xem là nguồn lây nhiễm cũng như tái nhiễm H.pylori.

Lây nhiễm H.pylori qua đường "dạ dày - miệng". Hiện tượng trào ngược dạ dày - thực quản có thể đưa vi khuẩn từ dạ dày lên miệng, và H.pylori bám vào các mảng cao răng gây lây nhiễm qua đường miệng. Những chất nôn và nhất là vừa mới nôn ở trẻ em là con đường lây nhiễm thường gặp tại trường học nếu trẻ bị nhiễm nôn ói.

VN chưa điều tra

Ở các nước phương Tây, tỉ lệ nhiễm H.pylori tăng theo tuổi. Tỉ lệ nhiễm H.pylori vào khoảng 20% dưới 40 tuổi và khoảng 50% trên 60 tuổi. Ở Quảng Đông, Trung Quốc, tỉ lệ nhiễm H.pylori năm 2003 ở trẻ từ 1-5 tuổi là 19,4%. Ở nước ta chưa có những điều tra cụ thể về vấn đề này.

Lây nhiễm H.pylori qua phân. Hiện nay, việc thử phân để chẩn đoán H.pylori đang được thực hiện tại một số bệnh viện trong nước.

Lây nhiễm H.pylori có thể xảy ra cho các nha sĩ và nha công trong khi làm răng. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa - nội soi nhiễm H.pylori cao hơn so với bác sĩ khác do hằng ngày tiếp xúc với dịch dạ dày và các mẫu sinh thiết lấy qua nội soi.

Nước có thể là một trung gian truyền bệnh.

Việc phát hiện vi khuẩn H.pylori ở mèo cho thấy vật nuôi có thể là một trong các nguồn lây nhiễm H.pylori. Lây truyền H.pylori có thể từ động vật. Công nhân làm việc ở lò mổ nhiễm H.pylori cao hơn so với nhóm đối chứng.

Dự phòng lây nhiễm

Vệ sinh ăn uống: không nên ăn rau sống nếu rửa không sạch. Nếu dùng nguồn nước ao tù, nước sông... vẫn có nguy cơ bị nhiễm H.pylori.

Nguy cơ lây nhiễm cao nhất là do cách ăn uống chung trong gia đình. Thí dụ trong gia đình có người nhiễm H.pylori, khi ăn mọi người chấm cùng một chén nước mắm hay người bị nhiễm không dùng đũa riêng để gắp thức ăn... Như vậy để hạn chế và tránh lây nhiễm nên dọn mỗi người một khẩu phần ăn riêng, hoặc khi ăn phải lấy riêng mỗi người một chén nước mắm rót vừa đủ ăn, nếu ăn không hết cần đổ bỏ. Khi lấy thức ăn nơi đĩa hoặc chén canh... cần tập thói quen sử dụng muỗng (thìa) chung cho riêng từng món. Xin nhắc lại câu nói đại ý của ông bà: "Khi ăn chung, gắp thức ăn chung phải trở đầu đũa".

Xử lý các chất thải và phân cho vệ sinh và hợp lý. Tuyệt đối không dùng phân để bón và tưới cây, tưới rau. Vệ sinh trong nhà trẻ và trường học cũng hết sức lưu ý để tránh lây nhiễm cho trẻ, như không dùng muỗng chung để đút thức ăn cho nhiều cháu... và chú ý vệ sinh, dọn sạch các chất nôn ói từ trẻ. Thay đổi thói quen không tốt như lấy tay thấm nước bọt để đếm tiền, lật tài liệu... Rửa tay sạch trước khi ăn. Từ bỏ thói quen ở người mẹ nhai cơm nát để đút cho con.

Theo PGS.TS Trần Thiện Trung/Tuổi Trẻ
(BV ÐH Y dược TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.