Vũ Trường An - dòng sông chảy mãi

28/10/2010 11:39 GMT+7

Các du học sinh Việt Nam tại Nga ví Vũ Trường An như một dòng sông luôn chảy hết mình vì những mảnh đời bất hạnh. Giờ đây dòng sông ấy đang quặn mình bởi căn bệnh máu trắng hiểm nghèo, nhưng quyết không ngừng chảy qua các hoạt động vì cộng đồng ngay trên giường bệnh.

Trường An, SN 1986, vốn là niềm tự hào của gia đình, dòng họ ở xã Khánh Nhạc (Yên Khánh, Ninh Bình). Anh là người duy nhất trong họ đỗ ĐH Thái Nguyên và được học bổng du học Nga. An sinh ra trong gia đình 6 anh em, bố mẹ là nông dân, 5 anh chị đều đầu tắt mặt tối với nghề nông. Bố mẹ An ở tuổi thất thập chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng để sống.

Sang Nga năm 2005, tháng 5 - 2010 khi đang là sinh viên năm cuối với tương lai ngời sáng và những hoài bão, dự án lớn lao phía trước, An được phát hiện mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo - bệnh máu trắng. Tất cả như tối sầm lại khi bác sĩ cho biết, An có thể ra đi bất cứ lúc nào. Anh buộc phải lựa chọn trở về Việt Nam bởi ở lại Nga không có người thân chăm sóc, chi phí chữa bệnh đắt đỏ.

Trường An là một trong bốn gương mặt trẻ vừa được chương trình Công dân toàn cầu (VTV3) trao tặng Kỷ niệm chương sống đẹp vì cộng đồng.

Ngay khi xuống sân bay, gia đình đã phải đưa An vào Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư. Sau một tuần điều trị, An bị xuất huyết não, lên cơn co giật rồi hôn mê sâu. Bác sĩ Viện Huyết học lắc đầu, trả về gia đình lo hậu sự.

Bố mẹ An không chịu đầu hàng và đưa con trai đến Bệnh viện 103 với niềm hi vọng mong manh. Sau 8 ngày hôn mê, việc An tỉnh dậy được xem như sự kỳ diệu của cuộc sống dù anh bị liệt nửa người.

 
Trường An khoe kỷ niệm chương công dân toàn cầu.  

"Đang là thanh niên khỏe mạnh, tôi bỗng nhiên bị liệt. Mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ người thân nên tôi bứt rứt, khó chịu, rồi chán nản vô cùng", Trường An kể lại. Tuy nhiên, tấm lòng của người thân, bè bạn và cả những người không quen biết đã tiếp thêm cho An khát vọng phải sống. Đó là mẹ Hà, một cư sĩ ở Hà Nội tận tình dạy An tập thiền và lấy lại thăng bằng cảm xúc. Đó là một bác sĩ người Việt ở Nga từng quen biết An qua các hoạt động tình nguyện đã nhờ bạn bè, đồng nghiệp đến giúp đỡ...

Phải sống

Không chỉ từng phút giây đấu tranh giành giật sự sống, An còn muốn tiếp tục sống sao cho đáng sống. Với phương châm "không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có con người tuyệt vọng trước hoàn cảnh", dù phải ngồi một chỗ vì bị liệt, An đang khởi động lại những hoạt động tình nguyện vì cộng đồng còn dang dở.

Sau mỗi giờ được truyền thuốc tại Bệnh viện 103, trên giường bệnh, Trường An lại ôm máy tính nối mạng Internet miệt mài trò chuyện với các tình nguyện viên ở TP Tula, trường học cũ của anh để bàn về các dự án. Đó là dự án dạy tiếng Nga cho người Việt và Festival quảng bá hình ảnh Hà Nội - Việt Nam tại Tula.

Lần đầu tiên bác sĩ báo tin, tôi bị sốc. Tôi thông báo với người yêu tin dữ, người yêu nhìn tôi trân trối rồi ôm mặt khóc… Nhưng rồi, chính người yêu và bạn bè ở Tula đã động viên tôi rất nhiều. - Trường An

"Các bạn du học sinh đang dốc sức thực hiện dự án. Mình cũng phải tranh thủ từng phút giây để cùng bàn bạc và định hướng nhằm giúp dự án triển khai tốt hơn", Chủ tịch Hội sinh viên ĐH quốc gia Tula Vũ Trường An tâm sự.

Dự án Festival của An được đông đảo du học sinh và cộng đồng người Việt tại Nga ủng hộ. An cho biết, riêng tại TP Tula có hơn 1.000 người Việt sinh sống, buôn bán và gần 200 du học sinh. Tuy nhiên, do nhiều người Việt chủ yếu sang Nga buôn bán lại không giỏi tiếng Nga dẫn đến nhiều bất đồng văn hóa.

Trong mắt tôi anh là một dòng sông. Dòng sông ấy luôn chảy hết mình vì những lý tưởng, hoài bão tốt đẹp. Nhưng cuộc sống vốn không phẳng lặng như một tấm gương, trên dòng sông ấy xuất hiện một con đập mà có lẽ nó khiến anh chững lại giữa cuộc đời với bao dự định còn dang dở. Phải rồi, Xukhomlinski đã nói "con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác. "Và anh là vậy !
Trần Ngọc Phú, du học sinh tại Tula, trưởng nhóm 2W, tâm sự.

Trước khi ngã bệnh, An luôn dẫn đầu các du học sinh để tổ chức bán hàng gây quỹ giúp đỡ các trại trẻ mồ côi ở Tula và trẻ em nhiễm HIV tại Việt Nam. An là phó trưởng nhóm tình nguyện 2W, trưởng dự án Mùa đông ấm áp.

Trên giường bệnh, khi cái chết đang rình rập, An như được sống lại thời sinh viên sôi nổi khi được giới thiệu về chương trình Festival tại Tula do mình làm chủ với hàng loạt hoạt động như Tuần triển lãm văn hóa Hà Nội, Hội chợ ẩm thực món ăn Việt, Triển lãm tư liệu lịch sử, tái hiện các trò chơi dân gian... "Tư liệu, đồ đạc đều phải gửi mua từ Việt Nam nên công tác chuẩn bị mất nhiều thời gian", An nói.

Trường An còn cùng các du học sinh xây dựng website chuyên cung cấp thông tin, đánh giá chất lượng các máy tính cho người Việt tham khảo. An chọn công việc này phần vì là dân chuyên công nghệ thông tin và mong muốn giúp người tiêu dùng Việt Nam hiểu rõ hơn về chất lượng máy tính.

An mong làm được việc gì đó để đỡ đần cho người thân đang phải chạy vạy ngược xuôi vay nợ cho anh chữa trị. Mỗi ngày, bệnh của An tiêu tốn gần 3 triệu đồng tiền thuốc, chưa kể những lần chụp não phải chi tới 5 - 6 triệu đồng...

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.