Một chủ doanh nghiệp Hàn Quốc "biến mất"

12/11/2008 23:49 GMT+7

* Hà Nội: Hơn 400 công nhân đình công *Quảng Ngãi: 600 công nhân không được trả lương suốt 3 tháng Hơn 200 công nhân Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Công nghệ may mặc Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) trên đường Đào Trinh Nhất (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM) hôm qua đã quyết liệt ngăn cản việc xuất hàng, yêu cầu công ty phải thanh toán tiền lương và các chế độ cho công nhân.

 Một cán bộ công ty trên cho biết, công ty do ông Kim Won WNG, quốc tịch Hàn Quốc làm chủ, được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 4.7.2007, văn phòng chính đặt tại số 48/14 đường Lê Thị Hoa, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức. Từ tháng 8.2007, ông Kim Won WNG thuê nhà xưởng ở đường Đào Trinh Nhất làm nơi sản xuất, sử dụng tổng cộng 216 công nhân. Dù sản xuất khá ổn định nhưng công ty vẫn chưa có giấy phép hoạt động và chủ doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội cho 24 người. Cách đây 2 tháng, công ty chấm dứt việc thuê mặt bằng tại 48/14 Lê Thị Hoa và từ ngày 18.10.2008 đến nay, ông Kim Won WNG bỗng dưng “biến mất”, không ai trong công ty có thể liên lạc được.

Dù không có giám đốc, nhưng do nguyên liệu đang còn và khách hàng vẫn có nhu cầu nên những người được ký hợp đồng trong công ty tự duy trì sản xuất. Lương tháng 9.2008 vừa qua, chủ hàng bỏ tiền ra để trả công nhân và hẹn ngày 12.11 trả lương tháng 10. Sau khi công nhân không cho xuất hàng ra khỏi xưởng, tiền lương tháng 10 cũng đã được chủ hàng thanh toán cho công nhân. Nhưng những chế độ khác theo quy định công nhân vẫn chưa được công ty thanh toán...

Trước tình trạng trên, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Q.Thủ Đức ra thông báo bắt đầu từ hôm nay 13.11, xưởng sản xuất sẽ ngưng hoạt động. Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM chỉ đạo LĐLĐ Q.Thủ Đức hướng dẫn công nhân lập thủ tục ủy quyền để khởi kiện công ty đòi quyền lợi về BHXH và các chính sách về lao động. Bà Trần Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND Q.Thủ Đức cũng gửi báo cáo tới các sở, ngành liên quan đề nghị phối hợp và tham gia giải quyết vụ việc trên. 

Cùng ngày, LĐLĐ Q.Bình Tân cho biết trong tháng 10.2008, trên địa bàn quận có 4 doanh nghiệp, trong đó 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chấm dứt hoạt động khiến gần 2.000 công nhân mất việc; trong đó riêng Công ty TNHH Silver Star (gia công giày) có 1.703 công nhân. Tuy nhiên, qua giám sát của các cơ quan chức năng, Công ty TNHH Silver Star đã chi trả tiền lương và các chế độ khác, và trả thưởng Tết năm 2008 cho công nhân với mức từ 80% đến 100% tháng lương.

* Đến 17 giờ chiều qua, hàng trăm lao động, chủ yếu là nữ của Công ty CP Hoa Sao (trụ sở tại số 35 phố Cự Lộc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn còn tập trung trước trụ sở yêu cầu lãnh đạo công ty này phải tăng lương, thực hiện các chế độ đãi ngộ cũng như thành lập tổ chức công đoàn... Chị Bùi Thị Hồng Dung - đại diện người lao động cho biết, đã có 400 công nhân đồng loạt nghỉ việc từ ca làm chiều qua, nguyên nhân do mức lương thấp. Người lao động cũng phản đối việc phải làm việc cả 30 ngày/tháng, thậm chí nhiều người làm hai ca liên tục từ 8 giờ sáng - 22 giờ 30. Ông Phạm Ngọc Tú - Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng từ chối xác nhận với PV Thanh Niên phản ánh của người lao động là đúng hay sai, nhưng cho biết công ty đang tìm cách giải quyết. 

*Trong các ngày 11 - 12.11, hàng trăm công nhân Công ty may Đại Cát Tường thuộc KCN Tịnh Phong, H.Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã nghỉ việc và kéo đến công ty đòi tiền lương. Được biết, 3 tháng qua, 600 công nhân ở đây không được trả lương và nhiều người không được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Với mức lương bình quân là 1.200.000 đồng/người/tháng nhưng công ty chỉ ứng cho mỗi người 150.000-200.000 đồng. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu công ty trả lương cho công nhân đúng hợp đồng.

*Thông tin từ UBND TP Đà Nẵng ngày 12.11, tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TP chỉ có khoảng 41% số lao động thực tế được đóng BHXH so với tổng số lao động đang làm việc thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt có rất nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với số tiền lớn...

Bảo Thiên - Thái Sơn -  T.Anh - H.Cừ - H.Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.