Công chức - anh là ai?

01/11/2006 00:14 GMT+7

Khi mới lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi cán bộ là yếu tố quyết định. Năm 1986, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội VI - Đại hội mở đầu công cuộc đổi mới của đất nước ta - cũng coi tổ chức, cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Nhiều năm sau, Đảng ta vẫn coi tham nhũng là một trong bốn nguy cơ; không những thế, còn là tai họa, thậm chí còn là hiểm họa (nói hiểm họa là nói đến sự mất còn của Đảng, của chế độ) - mà tham nhũng thường liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cán bộ, công chức (trực tiếp nếu cán bộ, công chức lạm dụng chức quyền, lợi dụng sơ hở của cơ chế quản lý để tham ô, nhũng nhiễu; gián tiếp nếu để cho trong cơ quan, đơn vị của mình xảy ra tham nhũng hoặc không có chính sách, giải pháp ngăn chặn, trừng trị tham nhũng). Cải cách hành chính hiện được đề cập nhiều, được coi là khâu đột phá, trong đó nhân, lõi của khâu này cũng là công chức! Trong các văn kiện đại hội, sau mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, bao giờ cũng được kết lại bằng nội dung nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng - vừa là nội dung, vừa là giải pháp tổng hợp nhất để đưa mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ đến thắng lợi.

Ấy vậy, nhưng "công chức" mới chỉ được điều chỉnh bằng Pháp lệnh (do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành), chứ chưa được điều chỉnh bằng luật (văn bản pháp luật cao nhất do Quốc hội ban hành), mặc dù nhiều lĩnh vực chuyên ngành đã được điều chỉnh bằng luật hoặc nhiều lĩnh vực đã được điều chỉnh bằng luật nhưng đã được sửa đổi, bổ sung đến mấy lần?

Tại sao vậy? Phải chăng đây là lĩnh vực lớn quá? Lớn quá thì chỉ đúng một phần, bởi lớn nào bằng Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hình sự,… Nhạy cảm quá thì đúng hơn, bởi đối tượng điều chỉnh không phải là dân, là doanh nghiệp như một số luật khác, mà chính là công chức - người nằm trong bộ máy Nhà nước mà một khuyết tật dễ mắc phải và thường bị phê phán là khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các công chức cơ quan Nhà nước thường giành thuận lợi về mình, thậm chí cứ như mình nằm ngoài, không phải là đối tượng điều chỉnh của luật. Song, có lẽ một vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu chưa được giải quyết rốt ráo, thông suốt - đó là "công chức - anh là ai?".

Nếu hiểu công chức bao gồm những ai, thì tương đối đầy đủ; nếu định nghĩa về mặt pháp lý thì cũng có thể dễ quy định và dễ thống nhất. Nhưng nếu xét theo quan niệm cơ bản, quan niệm đạo đức, quan niệm mục đích, quan niệm chức phận của công chức thì công chức là công bộc của dân trong một xã hội dân chủ - dân là chủ. Nhà nước là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Chính vì không hiểu hoặc cố ý không hiểu quan niệm này mà nhiều công chức đã lạm dụng chức trách được giao - chức trách hành chính - để "hành" dân, "hành" doanh nghiệp… là chính!

Việc giáo dục, việc kiểm tra, thanh tra công vụ chưa được coi trọng, nên ý nghĩa "công bộc" ở nhiều công chức ngày một giảm thiểu, còn tính "cai trị" ngày một khuếch trương, lấn át. Chẳng thế mà chỉ thấy người xung phong trở thành "công bộc", trở thành đầy tớ, hầu như không thấy ai xung phong trở thành dân, trở thành ông chủ? Ngay cả một số người có chức vụ đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ quy định nhưng vẫn còn muốn ở lại làm công bộc, làm cho lớp trẻ không thể thay thế được, biết bao nhiêu ông cử có kiến thức chuyên môn, có vi tính, có ngoại ngữ đầy mình… hết chỗ ở cơ quan nhà nước, phải đi làm cả những công việc trái ngành nghề. Đó là chưa kể, không ít người có tài, có chí sau khi thi vào các cơ quan, sau một thời gian làm việc, thấy mình bị "hành chính" hóa, có nguy cơ bị mai một kiến thức chuyên môn, mòn mỏi ý chí, thậm chí ở một số nơi người lãnh đạo "người thông minh không dùng", nên đã xin chuyển đi, thậm chí xin bỏ việc để đến các tổ chức, doanh nghiệp nhằm thi thố…

Chỉ khi nào giải quyết được quan niệm cơ bản "công chức - anh là ai?" thì mới nói đến cải cách hành chính, mới nói đến việc nâng Pháp lệnh Công chức lên thành Luật Công chức hoặc mới đưa luật đó vào cuộc sống.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.